Ig Nobel là một giải thưởng thường niên, vinh danh những thành tựu bất ngờ mang lại cho mọi người một tràng cười vui vẻ và rồi khiến ta phải suy ngẫm. Giải thưởng này nhằm mục đích khen ngợi những phát hiện bất thường, giàu trí tưởng tượng và thúc đẩy mọi người quan tâm tới khoa học, y học và công nghệ.

Giải Ig Nobel về Sinh lý học

Nhóm nghiên cứu Nhật Bản nhận thấy một số động vật, chẳng hạn như cá chạch, có thể thở qua ruột. Từ đây, họ bắt đầu quan tâm tới những người gặp khó khăn trong việc hít thở có thể cải thiện được tình trạng này thông qua cách bơm oxy vào hậu môn hay không.

Sau một loạt thử nghiệm trên chuột và lợn, các nhà nghiên cứu đã phát hiện động vật hấp thụ oxy vào máu khi oxy được bơm vào qua trực tràng, nhờ vậy hỗ trợ hoạt động hô hấp bình thường. Kết quả này trở thành nền tảng cho một nghiên cứu lâm sàng để xem liệu biện pháp này có thể điều trị chứng suy hô hấp.

Nhân khẩu học

Tiến sĩ Saul Newman tại Đại học Oxford đã giành được giải thưởng nhân khẩu học khi chỉ ra nhiều tuyên bố về người sống rất thọ tới từ những khu vực có tuổi thọ thấp, không có giấy khai sinh, xảy ra nhiều sai sót giấy tờ cùng các vụ lừa đảo lương hưu. “Các ghi chép về người cực kỳ thọ là trường hợp thống kê vô nghĩa”, ông nói. “Từ cấp độ cá nhân, lên tới mô hình dân số lớn, hầu như không có dữ liệu tuổi già nào của chúng ta có ý nghĩa”.

Giải phẫu học


Giáo sư Roman Khonsari, bác sĩ phẫu thuật sọ mặt tại bệnh viện Đại học Necker-Enfants Malades ở Paris, cùng đồng nghiệp đã thắng giải Ig Nobel về giải phẫu học cho nghiên cứu toàn cầu của họ về xoáy tóc. Nghiên cứu này phát hiện rằng tóc trên da đầu của hầu hết mọi người mọc xoáy theo chiều kim đồng hồ, còn tóc của đa số những người ở Nam bán cầu lại mọc xoáy theo chiều ngược kim đồng hồ.

Khám phá này dẫn tới việc so sánh với các cơn lốc xoáy, chúng thường xoay theo các hướng khác nhau ở Nam bán cầu và Bắc bán cầu. Đăng trên tạp chí Nha khoa, Phẫu thuật Miệng và Hàm mặt, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng lực Coriolis, cho rằng chuyển động tự quay của Trái đất làm lệch hướng gió sang bên phải ở Bắc bán cầu và sang trái ở Nam bán cầu, có thể đang gây ảnh hưởng. Tuy nhiên, Khonsari không tin là vậy. “Thành thật mà nói, tôi không nghĩ đây là một giả thuyết khả thi”.

Y học

Một nhóm các nhà khoa học người Thụy Sĩ, Đức và Bỉ đã chứng minh thuốc giả gây tác dụng phụ đau đớn có thể hiệu quả ở bệnh nhân hơn thuốc giả không có tác dụng phụ gây đau.

Vật lý

Giải thưởng được trao cho James Liao tại Đại học Floridavới cuộc điều tra toàn diện về khả năng bơi của một con cá hồi chết.

Hóa học


Người thắng giải năm nay là nhóm nghiên cứu tới từ Đại học Amsterdam. Nhà vật lý Daniel Bonn và nhà học học vật lý Sander Woutersen, cùng các đồng nghiệp đã thực hiện nghiên cứu về động lực học của polymer, bằng cách cho các con giun say và tỉnh chạy qua một mê cung sắc ký để phân loại chúng qua hành vi ngọ nguậy.

Hầu hết nghiên cứu của Bonn đều mang tinh thần của giải Ig Nobel: ông từng báo cáo về cách xây lâu đài cát hoàn hảo và vì sao cát lún không thể hoàn toàn nhấn chìm nạn nhân của nó. Gần đây, ông chú ý tới các polymer hoạt động, có khả năng tự đẩy, đóng vai trò sinh học trong cấu trùng màng tế bào và khả năng di chuyển của tinh trùng. Ta khó lòng tạo ra và quan sát polymer hoạt động vì chúng có kích thước vô cùng nhỏ, nên Bonn đã tìm ra một mô hình vĩ mô độc đáo: những con giun Tubifex tubifex mảnh, sống dưới nước. Cơ thể có từng đốt của chúng giống với polymer gồm nhiều đơn vị lặp lại, và quan trọng nhất là chúng có thể chuyển động. Vì thế, Bonn cùng đồng nghiệp bắt đầu khám phá tính chất vật lý của những con sâu chuyển động giống polymer này.

(Từ trái sang phải) Sander Woutersen, Daniel Bonn và Antoine Deblais giành giải Ig Nobel Hóa học năm 2024. Nguồn: Mischa Bonn
(Từ trái sang phải) Sander Woutersen, Daniel Bonn và Antoine Deblais giành giải Ig Nobel Hóa học năm 2024. Nguồn: Mischa Bonn

Các nhà hóa học cùng các nhà nghiên cứu khoa học sự sống khác thường sử dụng kỹ thuật sắc ký mảng cột để tách các phân tử thông qua mê cung các cột. Ví dụ, nó có thể tách các sợi DNA và polymer có độ dài khác nhau dựa trên khoảng thời gian chúng di chuyển qua cột. Woutersen đã nghĩ ra một cách độc đáo để sử dụng công cụ này:

“Chúng tôi nghĩ là mình có thể tách đám giun dựa trên chiều dài. Rõ ràng, con sâu dài sẽ dễ mắc kẹt quanh các cột, sau đó ta có thể tách chúng theo hoạt động”. Họ cần có những con giun không hoạt động. Ban đầu nhóm định an tử một số giun, nhưng rồi họ nghĩ ra một phương pháp nhân đạo hơn là khiến chúng say khi cho giun vào dung dịch cồn từ 3-5%, trong đó chứa lượng nhỏ thuốc nhuộm xanh methylen. Nhóm giun say này khi cho vào nước sẽ tỉnh táo lại sau 20 phút.

Để so sánh, họ đặt vào mê cung những con giun đỏ tự nhiên, tỉnh táo cùng đám giun xanh bị chuốc say. Mê cung thử nghiệm gồm các trụ lục giác, có nước chảy theo chiều dọc và đo thời gian của giun trong đó. Woutersendự đoán đám giun say sẽ ra khỏi mê cung nhanh hơn bởi chúng bị nước cuốn đi, còn đám giun tỉnh sẽ mắc kẹt tại các cột. Khiến ông ngạc nhiên là đám giun say ít chuyển động hơn còn đám giun tỉnh thường cuộn và thắt nút người, điều này giúp chúng thuận lợi bò qua các cột. Trong vài phút, đám giun tỉnh dễ dàng di chuyển và bò nhanh hơn qua mê cung để tới vạch đích. Còn đám giun say tới đích rất muộn.

Sinh học


Giải thưởng này vinh danh các nhà khoa học quá cố Fordyce Ely và William Petersen cho cuộc điều tra năm 1940 của họ về những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình sản xuất sữa ở đàn bò sữa. Đăng trên tạp chí Khoa học Động vật, cặp đôi này thuật lại việc đặt một con mèo lên lưng con bò và liên tục cho nổ túi giấy để xem dòng sữa có thay đổi hay không. Con bò hoảng sợ dường như cho ít sữa hơn. “Đầu tiên quy trình gây sợ bao gồm việc đặt con mèo lên lưng con bò và bóp nổ túi giấy mỗi 10 giây trong hai phút. Sau đó bỏ con mèo xuống vì không cần thiết”, các nhà nghiên cứu viết.

Xác suất

Người chiến thắng là một nhóm 50 nhà nghiên cứu, hầu hết là người Hà Lan. Họ đã tung 350.757 đồng xu để thử nghiệm một giả thuyết mà Persi Diaconis – nhà ảo thuật và giáo sư xác suất tại Đại học Stanford – đề ra. Công trình của họ ủng hộ dự đoán của Diaconis rằng những đồng xu được tung lên có khả năng (hơi) cao là sẽ rơi xuống cùng mặt như ban đầu.

Thực vật học

Jacob White (Mỹ) và Felipe Yamashita (Đức) thắng giải vì đã cung cấp bằng chứng cho thấy loài thực vật Nam Mỹ Boquila trfoliolata có thể bắt chước lá của cây nhựa được đặt cạnh nó, dẫn đến kết luận rằng “thị giác của thực vật” là một giả thuyết hợp lý.

Hòa bình

Nhà tâm lý học người Mỹ quá cố BF Skinner được vinh danh vì đã khám phá tính khả thi của việc nuôi bồ câu sống bên trong tên lửa để chúng thực hiện nhiệm vụ dẫn đường đến mục tiêu.

Nguồn:

theguardian, the-scientist