Cuốn sách của David Biggs cho thấy chiến tranh tạo ra những "dấu chân" môi trường và xã hội như thế nào ở miền Trung Việt Nam nói chung và Thừa Thiên-Huế nói riêng, từ thời cận đại cho đến khi đất nước thống nhất.


David Biggs từng được độc giả Việt Nam biết đến qua tác phẩm Đầm lầy (2010) về tác động qua lại giữa cư dân Việt, Khmer, Hoa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và những kỹ sư, nhà ngoại giao, cố vấn, thương nhân, binh lính đến từ Pháp, rồi sau đó là Mỹ. Trong Dấu chân chiến tranh (2018), ông khám phá lịch sử lâu dài của cảnh quan miền Trung Việt Nam thông qua nhiều lớp công trình xây dựng và các tàn tích để lại.

Footprints of War: Militarized Landscapes in Vietnam được xuất bản lần đầu vào năm 2018. Trong ảnh: Bản tiếng Việt. Ảnh: Phanbook
Footprints of War: Militarized Landscapes in Vietnam được xuất bản lần đầu vào năm 2018. Trong ảnh: Bản tiếng Việt. Ảnh: Phanbook

Tác giả cho biết cơ duyên với đề tài này xuất hiện vào năm 2006, sau khi ông hoàn thành chương trình tiến sĩ chuyên ngành lịch sử môi trường và Việt Nam học. Trong một lần đến gần sân bay quốc tế Phú Bài của Huế, Biggs nhìn thấy hàng chục lô đất trống trải dài, trong khi xung quanh là dải làng mạc và nhà máy mới đông đúc. Chính sự tương phản này đã gợi ý cho ông về cách mà các cuộc chiến tranh có thể để lại tác động trong nhiều thế hệ ra sao.

Tìm về quá khứ, Biggs cho thấy sân bay Phú Bài được chính quyền thực dân xây dựng rồi được mở rộng bởi Quân đội Thiên hoàng Nhật Bản trong giai đoạn Thế chiến thứ hai. Sau Cách mạng tháng Tám, nó trở thành một cơ sở huấn luyện sĩ quan và đến năm 1954, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, nó lại tiếp tục trở thành căn cứ quân sự. Do đó có thể coi đây là một địa điểm liên tục có sự tiếp nối trong lịch sử quân sự qua sự trao tay của nhiều lực lượng với các tác động đến môi trường và xã hội khác nhau.

Tương tự với trường hợp sân bay Phú Bài, tác giả xác định các xung đột lặp đi lặp lại đã kiến tạo nên cảnh quan văn hóa và cảnh quan vật thể ở miền Trung ra sao. Cảnh quan miền Trung thay đổi nhiều nhất trước thời Nguyễn do chiến tranh xảy ra liên miên, có thời gian đất bị bỏ hoang, nạn đói hoành hành. Bắt đầu từ thời nhà Nguyễn, địa hình dốc trở thành địa hình khai hỏa quen thuộc, sau khi có sự tiếp xúc với súng của nhà Minh và vũ khí của Bồ Đào Nha. Đến khi Pháp sang, những ngọn đồi tiếp tục được sử dụng như một tiền đồn chiến lược và lý tưởng riêng cho pháo binh. Tác giả quan tâm đến cả việc những tàng thông trên khắp Thừa Thiên Huế bị tàn phá vào đầu những năm 1900, khi Pháp mở rộng việc huấn luyện quân sự và các doanh trại ở An Nam. Và tất yếu, ông không thể bỏ qua những ảnh hưởng đến sinh thái và con người nghiêm trọng nhất do chất độc da cam và bom napalm gây ra bảy thập kỷ sau, trong cao trào chiến tranh.

Bên cạnh đó, chiến tranh còn góp phần thay đổi xã hội với việc tạo ra các mô hình ngụ cư và các cộng đồng mà trong đó nghĩa vụ quân sự, nền kinh tế quân sự đã ăn sâu vào đời sống làng xã, gia đình. Chẳng hạn, để khen thưởng những binh lính dũng cảm tham gia chiến trận, nhà Nguyễn đã cấp quyền sử dụng đất đai dọc duyên hải miền Trung cho nhiều dòng họ. Ruộng đất ở đây cũng chủ yếu là lương điền - hình thức thanh toán cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc phúc lợi cho các gia đình đã mất đi đàn ông trong các cuộc chiến... Đến khi Pháp vào Mỹ sang thì các biến động chiến tranh tiếp tục góp phần quy hoạch dân cư và nhiều khu vực, liên tục tạo ra những quần cư mới...

Chiến tranh cũng dẫn đến những biến đổi về mặt đời sống xã hội. Chẳng hạn, tác giả chỉ ra, trong một thời gian dài, những ngọn đồi xung quanh cố đô là nơi tổ chức các trại và cơ sở huấn luyện cho quân viễn chinh Pháp. Việc đào tạo đội quân bản địa diễn ra ngay cả trong những ngày Tết, xâm phạm thô bạo đến không gian văn hóa và đời sống tinh thần của người Việt khi âm thanh của các cuộc tập trận bắn đạn thật làm ảnh hưởng đến một trong những ngày lễ thiêng liêng nhất của họ. Trong chiến tranh Việt Nam, các sinh hoạt tập quán địa phương tiếp tục bị xáo trộn khi nhiều căn cứ đóng ngay trong nghĩa trang làng khiến việc đi thăm mồ mả tổ tiên ít nhiều bị cản trở. Những gì còn lại từ vũ khí như xe tăng, các bức tường cũ... cũng là nan đề cần phải giải quyết: giữ chúng như lời gợi nhắc quá khứ hay là dẹp bỏ để tiến đến ngày mai...

Thông qua tìm hiểu lịch sử lâu dài của cảnh quan, cuốn sách không chỉ cung cấp tầm nhìn bao quát mà còn làm nổi bật ảnh hưởng của những cuộc chiến tàn khốc đến môi trường ở miền Trung Việt Nam.

Đăng số 1316 (số 44/2024) KH&PT