Sự ra đi của một sinh linh luôn gợi lên trong chúng ta những cảm xúc xót xa, đau buồn, tiếc nuối. Loài người đã phát triển nhiều nhiều cách thức để đối mặt với cái chết từ nhiều thiên niên kỷ trước. Thế còn các loài động vật khác thì sao? Làm sao chúng hiểu và phản ứng thế nào trước cái chết?

Mang theo thi thể

Alecia Carter, phó giáo sư ngành nhân chủng học tiến hóa tại trường Đại học London, đã dành nhiều năm nghiên cứu loài khỉ đầu chó tại Namibia. Bà và đồng nghiệp đã nhiều lần thấy các con khỉ đầu chó mẹ mang theo thi thể con mình. Ban đầu, Carter không thấy hành vi này có gì đáng ngạc nhiên, cho đến khi bà chứng kiến các thành viên trong đàn mang theo thi thể của một con khỉ mồ côi. Vì thế, bà quyết định quan sát kỹ hơn.

Trong quá trình này, bà phát hiện “mang theo xác con non” là hành vi phổ biến trong loài linh trưởng. “Chỉ có một vài nhóm loài chưa thấy xảy ra hiện tượng này”, và Carter cho biết là thường có lý do rõ ràng về sinh lý. Ví dụ, loài vượn cáo không thích ứng với việc mang theo con của chúng, vì những đứa con còn sống rất giỏi tự bám.

Tập quán này không chỉ có ở loài linh trưởng. Các nhà khoa học đã ghi nhận hành vi này diễn ra ở loài voi, chó sói dingo, và động vật có vú ở biển – ví dụ, vào năm 2018, một con cá voi sát thủ mẹ đã mang theo thi thể con mình trong 17 ngày, vượt qua gần 1.000 dặm biển.

Chúng ta chưa biết rõ chính xác vì sao động vật làm như vậy, dù các nhà khoa học đã đặt ra một số giả thuyết. Một quan điểm cho rằng cha mẹ chúng không nhận ra con mình đã qua đời. Tuy nhiên, cả giáo sư nhân chủng học Barbara King và Carter đều không đồng tình. Bởi lẽ, việc mang thi thể mất nhiều sức lực hơn bình thường, vì thế hành vi này không thể là tiếp nối thói quen hằng ngày được. Hơn thế nữa, Carter cho biết người mẹ đối xử với thi thể rất khác với đứa con còn sống, và thái độ này thay đổi khá nhanh.

Theo Carter, hành vi này nhiều khả năng là kết quả từ mối gắn bó vô cùng mật thiết giữa người mẹ và đứa con. Một khi mối ràng buộc này được hình thành thì rất khó phá vỡ nó, có thể một phản ứng bản năng hoặc nhận thức nào đó thúc đẩy người mẹ giữ chặt đứa con – dù đã mất.

Còn King cho rằng việc người mẹ mang theo thi thể con mình đơn giản là vì đau buồn. “Đau buồn không phải cảm xúc độc quyền của con người – cũng như niềm vui, nỗi buồn hay sợ hãi”, King nói. “Xung quanh con người chúng ta là những loài khác cũng biết suy nghĩ và cảm nhận” – điều này sẽ thúc đẩy chúng ta xét lại cách mình đối xử với động vật và môi trường sống của chúng.

Tuy nhiên, mối gắn bó mật thiết hay nỗi đau buồn của người mẹ không giải thích được trường hợp chú khỉ đầu chó mồ côi được cả đàn mang theo. Chúng ta vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa lý giải được.

Bảo vệ, chăm sóc và thức canh

Ngoài hành vi kể trên, các nhà khoa học quan sát thấy ở nhiều loài khác, các con vật ở gần thi thể đồng loại trong thời gian dài, hay thậm chí còn canh không cho động vật ăn xác thối lại gần.

Họ ghi nhận hươu cao cổ mẹ đứng bên hoặc gần đứa con đã mất trong nhiều ngày. Lợn lòi Pecari sống theo đàn ở châu Mỹ đã tới thăm và bảo vệ thi thể của thành viên xấu số trong 10 ngày sau khi nó chết. Chúng xua đuổi đám sói đồng cỏ, dụi đầu và đẩy đẩy cơ thể của con vật đã mất. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu từng chứng kiến tinh tinh vệ sinh cho thi thể, thậm chí làm sạch răng cho nó.

Loài voi châu Phi nổi tiếng vì chúng làm “đám tang” cho các thành viên đã ngã xuống. Ghi chép cho thấy nhiều cá thể voi, ngay cả những con không có họ hàng với con voi đã chết, sẽ ghé thăm xác nó trong thời gian dài. Trong một số trường hợp vô cùng hiếm hoi, voi thậm chí còn chôn cất cho con vật xấu số. André Gonçalves, nhà linh trưởng học và nhân chủng học tại Đại học Kyoto (Nhật), cho biết phản ứng với cái chết của voi đáp ứng tiêu chí của nghi lễ chính thức, ở cấp độ như con người.

Loài voi châu Phi nổi tiếng vì chúng làm “đám tang” cho các thành viên đã ngã xuống.
Loài voi châu Phi nổi tiếng vì chúng làm “đám tang” cho các thành viên đã ngã xuống.

Một số loài chim – nhất là những loài có mối gắn bó lâu dài – cũng ở lại với thi thể đồng loại. Kingkể lại câu chuyện về hai con vịt được cứu tại khu bảo tồn động vật đã gắn bó keo sơn trong nhiều năm trời. Khi một con chết, con còn lại phủ người trên xác bạn, sau này nó trở nên khép kín, không giao du với các con vịt khác nữa.

Vứt xác


Một số con vật sẽ có phản ứng thực tế hơn nhiều trước cái chết của đồng loại.

Các loài côn trùng có tính xã hội như kiến, mối và ong sẽ lập tức xử lý thi thể khi chúng phát hiện ra. Các thành viên trong tổ sẽ nhanh chóng tách thi thể ra khỏi đàn bằng cách mang ra chỗ khác, chôn vùi hoặc trong một số trường hợp là ăn xác. Chuột dũi trụi lông, cũng sống theo bầy mẫu hệ, có hành vi tương tự là bỏ thi thể trong nơi tập trung chất thải được niêm phong.

Các thử nghiệm trên kiến và mối cho thấy mùi là yếu tố chính thúc đẩy hành vi. Xác côn trùng tỏa ra một hợp chất hóa học kích hoạt đồng loại hành động. Thực tế, những con côn trùng sống bị phun mùi chết chóc cũng bị loại bỏ khỏi bầy.

Tò mò

Với một số loài, cái chết dường như là trải nghiệm học hỏi.

Các loài chim thuộc họ quạ sẽ kêu báo động và tụ tập quanh thi thể của đồng loại trong khoảng thời gian dài tới 30 phút. Đôi khi buổi tụ tập này được coi là “đám tang”, nhưng nhiều người cho rằng mục đích của nó là thu thập thông tin và tự vệ hơn là tiếc thương. Đám chim sẽ tìm kiếm và xua đuổi kẻ săn mồi, hoặc xác định nguồn nguy hiểm để chúng tránh đi. Một nghiên cứu chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng những con quạ cho thấy hoạt động trong não chúng tăng lên ở những vùng liên quan tới ra quyết định cấp cao, khi tiếp xúc với xác đồng loại.

Có nhiều loài khác dường như cũng thể hiện sự quan tâm, dù không nhất thiết là tiếc thương, khi đối mặt với cái chết. Một nghiên cứu bằng camera theo dõi phát hiện chuyển động ghi lại những con gấu túi mũi trần quay lại kiểm tra thi thể trong nhiều tháng trời.

Phản ứng bạo lực

Ăn xác cũng là hành vi phổ biến ở động vật. Có người từng thấy tinh tinh ăn xác của đồng loại. Trong trường hợp con non chết, tinh tinh mẹ đôi khi sẽ ăn một số bộ phận của thi thể. Mặc dù phản ứng hiếm gặp này dường như trái ngược với phản ứng đau buồn thường thấy hơn là mang theo thi thể con non, nhưng ta cần phải nhớ rằng động vật không kiêng kỵ như con người và chúng ta không biết động cơ nào thúc đẩy hành động như vậy.

Đôi khi, ta không rõ liệu một con vật đang đau buồn, lên kế hoạch ăn xác, hay kết hợp cả hai. Những kẻ săn mồi và động vật ăn xác thối như gấu và chó sói thường giấu xác con mồi mà chúng tìm thấy để sau này ăn. Cả hai loài này cũng được ghi nhận là chôn xác con non trong một số trường hợp. Gonçalves lưu ý: “Khi một loài ăn thịt gặp phải xác đồng loại, chúng có thể chôn xác vì mùi kích hoạt phản ứng cất giấu của chúng”. Song một số nhà nghiên cứu khác nhận định hành vi này tương đương với để tang.

Càng khiến các nhà khoa học bối rối hơn khi hành vi hung hăng kết hợp với các loại hành vi khác. Nghiên cứu thêm về loài tinh tinh ghi nhận ít nhất một trường hợp tinh tinh thi thoảng đánh, tấn công, chải lông và kiểm tra thi thể của một con tinh tinh cái trưởng thành. Một giả thuyết cho rằng những phản ứng rời rạc này thể hiện chúng hoảng sợ hoặc bất an trước một thứ giống tinh tinh nhưng lại vô tri vô giác.

Nguồn: popsci

Đăng số 1316 (số 44/2024) KH&PT