Bên trong những chuyển động uyển chuyển của nghệ thuật múa ẩn chứa những giá trị thẩm mỹ sâu sắc, phản ánh bức tranh đa dạng của các nền văn hóa trong lịch sử nhân loại.

Các điệu múa cổ xưa nhất ở Ấn Độ

Các bằng chứng khảo cổ sớm nhất cho thấy nghệ thuật múa có nguồn gốc từ thời tiền sử ở Ấn Độ, với những bức tranh mô tả con người trong tư thế nhảy múa trên các hang đá Bhimbetka ở miền Trung Ấn Độ có niên đại cách đây khoảng 10.000 năm.

Các hình thức múa sớm nhất ở Ấn Độ mang tính nghi lễ, gắn bó sâu sắc với tín ngưỡng và thực hành tôn giáo địa phương. Chúng đóng vai trò như một lễ vật để dâng lên các vị thần nhằm cầu xin phước lành.

Trong tác phẩm Natya Shastra – một văn bản tiếng Phạn về nghệ thuật biểu diễn được biên soạn vào năm 200 trước Công nguyên – nhà hiền triết Bharata đã mô tả những hình thức múa cổ điển ở Ấn Độ bao gồm Bharatanatyam, Kathak, Odissi, Manipuri, Kuchipudi và Kathakali. Mỗi loại hình đều có vũ đạo phức tạp, âm nhạc, biểu cảm khuôn mặt và trang phục cầu kỳ. Các điệu múa đều lấy cảm hứng từ một thần thoại hay sử thi cổ đại của Ấn Độ.

Mặc dù có tầm quan trọng đối với văn hóa địa phương, nhưng hoạt động múa đã bị ngăn cấm trên khắp Ấn Độ vào một số thời điểm trong lịch sử của nước này. Trong thời gian cai trị của các vương triều Mughal và Awadh kéo dài từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, người ta nhìn nhận nghệ thuật múa theo hướng tiêu cực, do nó thường gắn liền với các kỹ nữ nên bị xem là quá gợi cảm và không phù hợp về mặt đạo đức.

Một vũ công Ấn Độ biểu diễn điệu múa Bharatanatyam. Ảnh: Adobe Stock
Một vũ công Ấn Độ biểu diễn điệu múa Bharatanatyam. Ảnh: Adobe Stock

Iran cổ đại 

Ngoài Ấn Độ, một số bằng chứng thuyết phục nhất về hoạt động múa trong thời tiền sử có thể được tìm thấy ở vùng đất là Iran ngày nay. Các cuộc khai quật tại những di chỉ khảo cổ như Tepe Sialk, Tepe Hissar và Chogha Mish đã khám phá rất nhiều hiện vật, bao gồm những mảnh gốm, con dấu và bức tượng nhỏ với thiết kế tinh xảo mô tả con người trong tư thế nhảy múa có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 6 trước Công nguyên.

Những bức tượng này có thể là vật tế lễ hoặc bùa hộ mệnh. Chúng được sử dụng trong các lễ hội cộng đồng và nghi lễ liên quan đến sinh sản, nông nghiệp hoặc thờ cúng tôn giáo.

Vũ điệu lâu đời nhất ở vùng đất Iran thời cổ đại là điệu nhảy trong nghi lễ thờ thần Mithras, vị thần gắn liền với Mặt trời, công lý và chiến tranh. Một số điệu múa trong khu vực này chịu ảnh hưởng lớn từ các nền văn minh láng giềng như Lưỡng Hà và Thung lũng sông Ấn.

Sự thay đổi lớn nhất xảy ra khi Hồi giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên. Luật pháp và truyền thống Hồi giáo không khuyến khích các màn trình diễn múa công khai, đặc biệt là những điệu múa gợi cảm hoặc thiếu đứng đắn. Do đó, múa tại Iran trở nên kín đáo hơn và chủ yếu diễn ra trong các buổi tụ tập riêng tư và nghi lễ tôn giáo.

Trung Quốc cổ đại 


Nghệ thuật múa ở châu Á cũng phát triển nở rộ tại Trung Quốc thời cổ đại. Các nhà khoa học đã phát hiện nhiều hiện vật đồ gốm có niên đại vào thời kỳ đồ đá mới mô tả cảnh tượng người dân nhảy theo hàng và nắm tay nhau.

Những điệu múa sớm nhất ở Trung Quốc thường gắn liền với các nghi lễ shaman giáo, và chúng được ghi chép trong nhiều văn bản cổ, trong đó nổi bật nhất là cuốn Biên niên sử Lã Thị Xuân Thu có niên đại từ năm 29 trước Công nguyên. Theo thời gian, những điệu múa dân gian cổ xưa gắn liền với các nghi lễ đã phát triển thành những điệu múa cung đình, phục vụ mục đích giải trí cho tầng lớp quý tộc và nhà vua.

Trong thời nhà Tống (960-1279 sau Công nguyên) và nhà Nguyên (1271-1368 sau Công nguyên), nhiều điệu múa truyền thống được sử dụng trong nghệ thuật Kinh kịch [một thể loại ca kịch] với nhiều động tác cách điệu, thậm chí pha lẫn võ thuật.

Đến thế kỷ 19, nghệ thuật múa Trung Quốc ngày càng tinh tế và đa dạng hơn, với các biến thể tùy theo từng vùng miền, phản ánh sự đa dạng văn hóa của các nhóm dân tộc trong nước. Các hình thức múa như “múa rồng” và “múa sư tử” trở nên phổ biến trong các lễ hội và lễ kỷ niệm, tượng trưng cho sự thịnh vượng, may mắn và niềm tự hào về văn hóa.

Ai Cập và châu Phi

Mặc dù không quá cổ xưa như ở Ấn Độ, nhưng chúng ta có bằng chứng vững chắc cho thấy người Ai Cập cổ đại đã phát triển nghệ thuật múa từ năm 3000 trước Công nguyên. Múa là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ tôn giáo, các buổi họp mặt cộng đồng và tôn vinh các vị thần. Nhiều bức phù điêu trong đền thờ và tranh vẽ trong lăng mộ cung cấp những mô tả sống động về nghệ thuật múa của người Ai Cập cổ đại, thể hiện nhiều phong cách và động tác khác nhau.

Một ví dụ nổi bật là nghệ thuật múa Pyrrhic, thường diễn ra trong các nghi lễ tôn giáo và diễu hành quân sự, với nét đặc trưng là những bước chân nhịp nhàng và động tác tay ấn tượng. Một hình thức múa phổ biến khác là “múa sôi động” bao gồm các động tác nhào lộn, thường được trình diễn tại các lễ hội và yến tiệc.

Ngoài Ai Cập, phong cách múa truyền thống tại các vùng đất khác nhau ở châu Phi thay đổi tùy theo nhóm dân tộc. Mỗi phong cách múa có những chuyển động, nhịp điệu và ý nghĩa tượng trưng riêng – từ những bước nhảy mạnh mẽ và động tác dậm chân của điệu múa Zulu ở Nam Phi cho đến những chuyển động uyển chuyển, mềm mại của điệu múa Yoruba ở Tây Phi.
Hy Lạp cổ đại

Thần thoại Hy Lạp đầy ắp những câu chuyện về các vị thần và nữ thần nhảy múa trong lễ hội, chẳng hạn như điệu nhảy đầy cảm hứng của Dionysus – vị thần rượu vang và sinh sản. Đại hội thể thao Panathenaic diễn ra tại Athens thường có những cuộc diễu hành công phu, âm nhạc và các màn trình diễn múa ấn tượng để tôn vinh các vị thần.

Ngoài ra, múa còn là một phần quan trọng trong nghệ thuật biểu diễn ở Hy Lạp cổ đại, đặc biệt là trong nhà hát. Các vở bi kịch và hài kịch Hy Lạp thường bao gồm các bài thơ hợp xướng và màn nhảy xen kẽ gọi là “vũ điệu hợp xướng” do một nhóm diễn viên và nhạc công biểu diễn.

Các hình thức múa như “pyrrhichios” (vũ điệu chiến tranh) và “kordax” (múa hài) phản ánh sự đa dạng của các phong cách múa Hy Lạp, từ trang nghiêm và đứng đắn cho đến vui tươi và hài hước.

Từ Hy Lạp cổ đại, nghệ thuật múa đã lan rộng và phát triển khắp châu Âu. Vào thời Trung Cổ, múa là hoạt động không thể thiếu trong các lễ kỷ niệm của cộng đồng, nghi lễ tôn giáo và giải trí ở châu Âu. Thời kỳ Phục Hưng đánh dấu sự hồi sinh của nghệ thuật cổ điển, và điều này được thể hiện qua các điệu múa cung đình công phu và đẹp mắt. Những bậc thầy về múa như biên đạo người Ý Cesare Negri và nhà soạn nhạc múa người Pháp Thoinot Arbeau đã hệ thống hóa nhiều phong cách múa, đặt nền móng cho sự ra đời của múa ballet trong nhiều thế kỷ sau đó như một hình thức nghệ thuật độc lập.

Theo:

Ancient Origins