Lượng khí thải CH4 từ các hoạt động của con người đã tăng 20% trong hai thập kỷ vừa qua, bắt nguồn từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp (như trồng lúa và chăn nuôi gia súc), khai thác nhiên liệu hóa thạch, bãi chôn lấp và xử lý chất thải.
Trong 5 năm qua, lượng khí thải thải methane (CH4) vào khí quyển tăng nhanh nhất kể từ khi con người bắt đầu ghi chép dữ liệu về loại khí nhà kính này từ thập niên 1970, làm xói mòn những nỗ lực của nhân loại để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, theo báo cáo Phát thải Methane Toàn cầu năm 2024do nhóm nghiên cứu quốc tế thuộc Dự án Carbon toàn cầu (GCP) thực hiện và công bố 5 năm một lần.
Nồng độ CH4 đang tăng nhanh hơn bất kỳ loại khí nhà kính nào khác, với hoạt động của con người là nguyên nhân chủ yếu, chiếm ít nhất 2/3 lượng phát thải CH4 toàn cầu. Báo cáo cho thấy lượng khí thải CH4 từ các hoạt động của con người đã tăng 20% trong hai thập kỷ vừa qua, bắt nguồn từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp (như trồng lúa và chăn nuôi gia súc), khai thác nhiên liệu hóa thạch, bãi chôn lấp và xử lý chất thải.
Khoảng 1/3 lượng phát thải CH4 toàn cầu còn lại đến từ các nguồn tự nhiên như lớp băng vĩnh cửu tan chảy, các bãi than bùn và vùng đầm lầy. Những nguồn phát thải này gia tăng nhanh chóng khi tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Khi so sánh trong vòng 100 năm, CH4 gây ra hiệu ứng nhà kính gấp 28 lần CO2. Trong vòng 20 năm, tác động của methane mạnh hơn CO2 đến 80 lần.
Cho đến nay, khí CH4 đã góp phần làm Trái đất nóng lên 0,5°C, chiếm khoảng 1/3 tổng mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu (1,3°C) do phát thải khí nhà kính kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.
Tổng cộng 160 quốc gia đã cam kết cắt giảm giảm 30% lượng khí thải CH4 vào năm 2030 so với mức của năm 2020. Hầu hết các nỗ lực giảm phát thải CH4 hiện nay, bao gồm các quy định của Liên minh châu Âu, chỉ tập trung vào ngành dầu khí, nơi khí thải CH4 dễ kiểm soát và xử lý hơn so với lĩnh vực nông nghiệp.
Nguồn: Reuters.com
Tin đăng KH&PT số 1318 (số 46/2024)
Quốc Hùng cùng nhóm tác giả