Chiến lược nhằm mục đích đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về công nghệ blockchain, tận dụng tiềm năng của công nghệ này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi số cho đất nước.

Chiến lược blockchain Việt Nam nhắm tới áp dụng trong nhiều lĩnh vực. Ảnh minh hoa tạo bởi DALL-E/ChatGPT
Chiến lược blockchain Việt Nam hướng tới áp dụng trong nhiều lĩnh vực. Ảnh minh hoa tạo bởi DALL-E/ChatGPT.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1236/QQĐ-TT về “Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Chiến lược xác định blockchain là công nghệ then chốt của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nhấn mạnh nhu cầu về một cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ để đảm bảo độ tin cậy và bảo mật dữ liệu. Nền tảng blockchain được coi là thiết yếu cho quá trình chuyển đổi số và hướng tới nền kinh tế số, xã hội số trong tương lai.

Với công nghệ blockchain, Chiến lược quốc gia của Việt Nam nhắm tới "một cách tiếp cận tới toàn dân" thông qua việc áp dụng phổ biến công nghệ này trong tất cả các lĩnh vực, từ tài chính - ngân hàng, giao thông - vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistic, bưu chính - chuyển phát, sản xuất công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp, cung cấp dịch vụ công v.v.

Chiến lược đặt ra các mục tiêu rất cụ thể cho Việt Nam tới năm 2030, bao gồm thành lập 20 thương hiệu blockchain có uy tín trong các nền tảng, sản phẩm và dịch vụ; đồng thời duy trì ít nhất ba trung tâm thử nghiệm blockchain hoặc các khu vực đặc biệt tại các thành phố lớn.

Ngoài ra, Chiến lược cũng tham vọng Việt Nam sẽ có đại diện trong Top 10 các cơ sở đào tạo và nghiên cứu blockchain hàng đầu tại châu Á.

Để đạt được các mục tiêu này, Chiến lược đã vạch ra một Chương trình hành động từ năm 2024 đến năm 2030 với 49 nhiệm vụ hợp phần, huy động sự tham gia của nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương. Trong số đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ (Bộ Quốc phòng) và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tham gia chủ trì, giám sát nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Các nhiệm vụ sẽ xoay quanh năm hoạt động chính là:

• Hoàn thiện môi trường pháp lý để tạo ra không gian phát triển mới cho ngành công nghiệp công nghệ số (10 nhiệm vụ), bao gồm: cơ chế thử nghiệm có kiểm soát/sandbox; các bộ tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm, công nghệ, dịch vụ liên quan đến chuỗi khối; các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về mật mã cho hạ tầng chuỗi khối; các hướng dẫn và điều chỉnh đối với quản lý công nghệ chuỗi khối; cơ chế ưu tiên cho các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và cơ chế ưu đãi cho các chuyên gia, cán bộ làm việc tại các trung tâm đổi mới sáng tạo này v.v

• Phát triển hạ tầng và hình thành hệ sinh thái công nghiệp chuỗi khối (11 nhiệm vụ), bao gồm: các cơ chế quản lý, sử dụng và phát triển nền tảng quản trị, vận hành hạ tầng chuỗi khối; khả năng tích hợp ứng dụng công nghệ chuỗi khối với các công nghệ khác như AI, IoT; hệ sinh thái số lưỡng dụng trên không gian mạng; ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong các hệ thống phục vụ chia sẻ thông tin, dữ liệu quốc gia; phát triển các trung tâm ươm tạo và thu hút đầu tư cho doanh nghiệp số liên quan tới blockchain v.v

•Phát triển nguồn nhân lực (4 nhiệm vụ), bao gồm: bổ sung nội dung về công nghệ chuỗi khối ở những ngành đào tạo phù hợp trong các trường đại học, ưu tiên đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ ở nước ngoài chuyên môn về công nghệ này; tăng cường các khóa học trực tuyến mở MOOC về công nghệ chuỗi khối; bồi dưỡng nhóm nhân tài cho lĩnh vực tài chính và khởi nghiệp Fintech; nâng cao nhận thức về các dịch vụ trên nền tảng blockchain v.v

•Thúc đẩy các ứng dụng của blockchain (4 nhiệm vụ), bao gồm: Thí điểm ứng dụng blockchain trong các dịch vụ đô thị thông minh, hạ tầng thông minh; Cung cấp dịch vụ tài chính BaaS trên hạ tầng chuỗi khối; đưa blockchain thành công nghệ ưu tiên đầu tư đầu tư, thuê, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách v.v

• Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực blockchain (20 nhiệm vụ), bao gồm: ưu tiên các đề tài nghiên cứu khoa học về blockchain; tổ chức các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về blockchain; tổ chức các cuộc thi để hoàn thiện nền tảng chuỗi khối quốc gia, tìm ra các ứng dụng tiềm năng; thí điểm ứng dụng công nghệ blockchain trong hoạt động khai báo và hoàn thuế VAT đối với khách du lịch quốc tế; thí điểm ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong vận hành, phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; ứng dụng blockchain trong thương mại điện tử, logistic, truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả, di sản văn hóa, an sinh xã hội v.v

Đăng KH&PT số 1318 (số 46/2024)