Khoảng 30.000 năm trước, ở một địa điểm ngày nay là Cộng hòa Séc, có vài đứa trẻ đã ngồi đào đất sét và nặn thành các bức tượng hình con vật và người. Khi cha mẹ gọi chúng về, có lẽ là để ăn cơm, đám trẻ đã bỏ lại những bức tượng hoàn chỉnh, các bộ phận rời rạc như chân và đầu, cùng những món vật không xác định rải rác trên mặt đất. Một số bức tượng sau đó được đưa vào lò nung, số khác bị bỏ lại ngoài trời dãi dầu sương gió.
Món đồ gốm lâu đời nhất mà chúng ta biết đến được khai quật từ một số địa điểm ở Cộng hòa Séc, có niên đại từ khoảng năm 280.000 TCN, gần 10.000 năm sau khi người Neanderthal tuyệt chủng. Một bức tượng phụ nữ mang tính biểu tượng và đủ loại gốm khác nhau được tìm thấy tại địa điểm Dolni Vestonice thuộc Séc vào năm 1925. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy thêm các bức tượng nhỏ có hình người và dạng thú trong nhiều thập kỷ sau đó, và vào năm 2002 họ phát hiện được dấu vân tay trên nhiều đồ vật.
Hai mặt của một đầu sư tử bằng gốm và một bức tượng phụ nữ từ Dolni Vestonice. Nguồn: Becky Farbstein Tiến sĩ April Nowell, một nhà khảo cổ học thời đồ đá cũ, giáo sư tại Khoa Nhân chủng học ở Đại học Victoria (UVic), nhận thấy có những khoảng trống trong hồ sơ khảo cổ về trẻ em ở Kỷ Băng hà trong thời gian viết cuốn sách
Growing Up in the Ice Age vào năm 2020.
Trong quá trình hoàn thành tác phẩm, cô để ý thấy phần lớn các ghi chép khảo cổ có thông tin về việc trẻ em học cách làm các công cụ bằng đá và vẽ vời, nhưng không thấy thông tin về việc làm đồ thủ công của trẻ em ở thời kỳ này. Nowell cho biết trong những thời kỳ và địa điểm khác, trẻ em rất tích cực tham gia sản xuất đồ gốm. Bằng chứng cho thấy trẻ em làm gốm tới từ các địa điểm ở Ai Cập có niên đại từ năm 1800 đến năm 1700 TCN, ngoài ra còn có các địa điểm tại Anh ở đầu và giữa Thời đại đồ đồng có niên đại từ năm 1500 đến 1150 TCN. Trẻ em có thể an toàn tiếp xúc với đồ gốm khi còn rất nhỏ bằng cách nghịch đất sét, chính vì thế Nowell đưa ra giả thuyết rằng tại các địa điểm ở Séc ít nhất phải có một số đồ gốm do trẻ em làm ra.
Việc nghiên cứu trẻ em và thanh thiếu niên ở Kỷ Băng hà vô cùng thú vị, bởi vì chúng ta thường đánh giá thấp đóng góp của họ trong hồ sơ khảo cổ. Nhưng trên thực tế, chúng ta có thể thấy rằng thông qua các lựa chọn của mình, họ thực sự ảnh hưởng tới phương hướng phát triển của văn hóa nhân loại.
April Nowell
|
Cô liên hệ với Becky Farbstein, một học giả độc lập và chuyên gia về đồ gốm thuộc Kỷ Băng hà. Farbstein đã thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu về những món đồ tìm thấy tại các địa điểm ở Séc. Cả hai đã cùng tiến hành nghiên cứu có hệ thống đầu tiên về dữ liệu của Farbstein, gồm các bức ảnh chất lượng cao chụp 489 hiện vật bằng gốm. Họ muốn tìm thấy bằng chứng về những người mới làm đồ gốm – và liệu họ có thể biết người mới đó là trẻ em hay không.
Nghiên cứu của Farbstein tập trung vào tác phẩm nghệ thuật di động thời Đồ đá cũ, nhưng cô không không chỉ dừng lại ở việc xem xét món đồ đó là gì và có hình dạng thế nào. Cô còn nghiên cứu về cách tạo tác đồ vật và nó tiết lộ điều gì cho chúng ta về ý nghĩa của mình trong xã hội.
Farbstein và Nowell chú ý tới kích thước của món vật, vì tay trẻ em vốn nhỏ nên thường sẽ làm ra các bức tượng nhỏ hơn. Họ kiểm tra tính bất đối xứng để xem liệu bức tượng có giống nhau ở cả hai mặt hay không. Họ cũng tìm hiểu độ khó của từng bước cần thiết để làm ra bức tượng.
Hai nhà khoa học loại trừ những món đồ làm từ ngà voi, xương, nhung hươu và đá, bởi vì những vật liệu này có thể được thu thập từ khu vực rộng hơn và cần nhiều người hợp sức để mang về các địa điểm cư trú mà nay là nơi khai quật. Trong khi đó, để tạo hình gốm thì người làm có thể đào đất sét trong khu vực. Farbstein cho biết trẻ em nhiều khả năng đã dùng vật liệu mà chúng có thể dễ dàng lấy được, thay vì những thứ cần nhóm săn bắt hay tìm kiếm thức ăn mang về. Cô nói thêm rằng các hiện vật gốm có nhiều hình dạng và bất đối xứng hơn so với tác phẩm làm từ ngà voi, xương và nhung hươu – một trong những dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng các món đồ gốm là do trẻ em làm ra.
Những bức tượng này được làm gần lò nung, sau đó được nung và bỏ lại đấy. Trong khi những món đồ làm từ xương, ngà voi và nhung hươu được sử dụng ở khắp các địa điểm và nằm trong cả nơi mai táng. “Không có một mảnh gốm nào được tìm thấy trong mộ”, Nowell nói. “Vì thế có vẻ như đám trẻ con đang thực hành, thử nghiệm và chơi nặn đất sét, để rồi bỏ lại đó khi làm xong”.
Nhiều món đồ có thể đã được nung cho thấy đứa trẻ hẳn đã học tới bước này. Một số bộ phận như chân, tay chưa được nung và các món đồ không rõ hình thù cũng xuất hiện tại địa điểm khai quật, có thể chúng được làm để luyện tay nghề. Điều này có thể gợi ý rằng những đứa trẻ học toàn bộ quy trình thông qua việc chơi. Ngoài ra, trong các nghiên cứu trước, dấu vân tay và vết cào xuất hiện trên các món đồ được xác định là của trẻ em trong khoảng từ 6 tới 10 tuổi, và trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 10 tới 15.
“Tôi cho rằng bằng chứng mà họ đang xem xét vô cùng mạnh mẽ, và đây là một lời giải thích thực sự khả thi cho cái mà họ đang tìm kiếm”, theo nhà nhân chủng học Jane Baxter tại Đại học DePaul và là tác giả của cuốn sách
The Archaeology of Childhood, bà không tham gia vào nghiên cứu. “Chúng ta đang cố hiểu được tổ tiên của mình và... làm sao chúng ta phát triển tới mức này. Những cách diễn giải như thế này mở ra không gian cho chúng ta suy nghĩ về thực tế rằng đây là những cộng đồng người thực hiện các hoạt động con người và tương tác với nhau, chúng là điều vô cùng quan trọng”.
Công trình của Nowell và Farbstein cho thấy các nhà khảo cổ đang thay đổi thái độ đối với tầm quan trọng của việc nghiên cứu trẻ em và và vai trò của chúng trong các xã hội tiền sử. Giới khảo cổ học thường tiếp cận với câu hỏi làm sao chúng ta đến được hiện tại qua các chủ đề lớn như nông nghiệp và di cư. Tuy nhiên, nhiều thay đổi và phát triển của một nền văn hóa diễn ra ở quy mô rất nhỏ. Ví dụ, xã hội có thể thay đổi dựa trên kiến thức mà trẻ em mang theo khi trưởng thành. Những quy mô nhỏ hơn như gia đình, cộng đồng và các tương tác giữa các thế hệ cá nhân là vô cùng quan trọng.
Các xã hội luôn tiến lên thông qua việc truyền bá kiến thức, nhưng không phải mọi thông tin đều được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trẻ em và thanh thiếu niên là những người quyết định những điều sẽ được truyền lại cho thế hệ kế cận, điều này khiến họ trở thành những người có ảnh hưởng ban đầu. Nowell nói: “Đó là lý do vì sao việc nghiên cứu trẻ em và thanh thiếu niên ở Kỷ Băng hà vô cùng thú vị, bởi vì chúng ta thường đánh giá thấp đóng góp của họ trong hồ sơ khảo cổ. Nhưng trên thực tế, chúng ta có thể thấy rằng thông qua các lựa chọn của mình, họ thực sự ảnh hưởng tới phương hướng phát triển của văn hóa nhân loại”.
Nguồn: smithsonianmag