Trong một bức tranh vẽ từ năm 1675, người làm vườn hoàng gia quỳ gối và dâng tặng vua Charles II một món quà kỳ lạ.
Đó là một quả dứa - một trong những vật phẩm được ưa chuộng nhất ở thời đó, đại diện cho sự sang trọng và uy tín tột đỉnh. Xuất phát từ một vùng đất xa xôi, dứa đã trải qua một hành trình dài từ Tân Thế giới đến Anh. Người đầu tiên mang dứa đến châu Âu là nhà thám hiểm Christopher Columbus. Ông tìm thấy cây dứa ở Guadeloupe vào năm 1493 và mang về Tây Ban Nha.
Ngày nay, chẳng mấy ai nghĩ dứa là một món quà tặng cho hoàng gia. Nhưng vào thời kỳ đó, dứa là biểu tượng của sự giàu có và sang trọng, đặc biệt là ở Anh. Thậm chí, người ta còn điêu khắc trang trí hình quả dứa trên đỉnh các tòa tháp phía Tây của Nhà thờ St. Paul, một trong những địa danh mang tính biểu tượng nhất của London.
Bức tranh do chính vua Charles II đặt hàng, tác giả là họa sĩ người Hà Lan Hendrick Danckerts - họa sĩ triều đình của nhà vua. Người ta cho rằng bức tranh nhằm kỷ niệm quả dứa đầu tiên được trồng ở Anh. Nhưng thực ra, mãi đến sau này, dứa mới được trồng ở Anh.
“Dứa được săn đón ngay từ đầu, vì những nhà thám hiểm tình cờ thấy dứa ở Tân Thế giới đã viết về chúng một cách say mê, ca ngợi rằng dứa ngon như thế nào”, Beauman nói. Tên Latin của dứa là “ananas comosus”, bắt nguồn từ tiếng Guarani, có nghĩa là “trái cây thơm và tuyệt vời”.
Độ nổi tiếng của dứa đã lan rộng đến Bắc Mỹ thuộc Anh, nơi chàng trai trẻ George Washington là một trong những người hâm mộ loại trái cây này. “Không có món gì khiến tôi yêu thích bằng dứa”, ông viết trong nhật ký nhân chuyến đi tới Barbados năm 1751. Quả dứa cũng là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân, một trong những chiến lợi phẩm mang về từ những vùng lãnh thổ bị chinh phục.
Quả ngon nhà trồngDứa sinh trưởng ở nhiệt độ cao và mất hàng năm mới được thu hoạch. Nhưng khi chúng trở thành loại trái cây được ưa chuộng nhất, người ta bắt đầu trồng dứa ở Anh.
“Rõ ràng đó là một dự án ngớ ngẩn, vì Anh và Scotland có khí hậu lạnh và mưa, song vào những năm 1770, bất kỳ ai thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội Anh đều tự trồng dứa - nó đã trở thành một nét đặc trưng thiết yếu ở các khu vườn của những ngôi nhà lớn ở nông thôn (thuộc sở hữu của những gia đình giàu có hoặc tầng lớp quý tộc)”, Beauman nói.
Việc trồng dứa ở đây rất khó khăn và tốn kém. Người ta phải xây dựng những nhà kính đặc biệt gọi là nhà dứa (pinery), sưởi ấm cây trồng từ bên dưới, dùng bếp lò tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. “Hiếm có ai thực sự thành công”, Beauman nói. Do đó, “trồng được một quả dứa cũng là một thành tựu to lớn mà mọi người luôn khoe khoang”.
Theo tính toán của Beauman, chi phí xây dựng và sưởi ấm, cũng như thời gian cần thiết để được thu hoạch, đã khiến một quả dứa có giá lên tới 80 bảng Anh - tương đương 15.000 USD theo thời giá ngày nay.
“Khoản tiền này đủ để mua một chiếc xe ngựa mới kèm ngựa - tương tự mua một chiếc ô tô mới, trong thời kỳ các vua George của Anh (1714-1830)”, cô nói. “Người ta thuê một cậu bé làm vườn toàn thời gian ngủ trong vườn dứa để phòng ngừa hỏa hoạn. Đó là một cách để thể hiện sự giàu có, và nó nhanh chóng trở thành biểu tượng địa vị”.
Cho thuê dứaDứa trở thành một vật phẩm sang trọng và hấp dẫn trong văn hóa Anh song người ta hiếm khi ăn dứa.
“Nếu bạn rất giàu và có một người làm vườn tài giỏi, điều đầu tiên bạn muốn làm là gửi một quả dứa cho một người bạn yêu quý làm quà”, Beauman nói. “Nó sẽ được trưng bày trên bàn ăn như một biểu tượng địa vị, và thông thường, người ta sẽ để nó ở đó cho đến lúc nó bắt đầu thối rữa. Những người ở thời đó sẽ rất kinh ngạc nếu thấy bạn ăn dứa, chẳng khác nào bạn ăn một chiếc túi xách Gucci ở thời nay vậy”.
Để hiểu rõ sự xa xỉ của dứa vào thời điểm đó, hãy xem xét thị trường cho thuê quả dứa. Người ta khao khát loại quả này đến mức nếu ai không có tiền mua, họ có thể thuê một quả dứa trong vài giờ đồng hồ. Những người thuê thường mang dứa đi dự tiệc, không phải để làm quà cho chủ nhà mà để thể hiện khả năng chi trả cho một loại quả giá trị như vậy.
Dần dần, quả dứa xuất hiện trong mọi loại thiết kế, bao gồm cả kiến trúc và đồ sành sứ.
“Quả dứa vốn phù hợp để ứng dụng trong các đồ trang trí”, Beauman nhận xét. “Nó có tính đối xứng và khá đơn giản, dễ nhận biết và tạo kiểu. Đồng thời, nó cũng giúp tầng lớp quý tộc truyền đạt giá trị một cách rất thẳng thắn. Do vậy, hình thức thể hiện phổ biến nhất là quả dứa bằng đá trên trụ cổng. Đây là biểu tượng thường dùng để thể hiện sự cao quý vào những năm 1770 và 1780, và là một cách đánh dấu ranh giới tài sản một cách công khai”.
Nhiều quả dứa trong số này vẫn tồn tại trên những trụ cổng ở khắp nước Anh cho đến ngày nay, cũng như ở một số tòa nhà nổi tiếng gắn liền với hoàng gia, chẳng hạn như điền trang Dunmore Park gần Stirling, Scotland, nơi ở cũ của Bá tước Dunmore, được xây dựng vào năm 1761. Trên đỉnh tòa nhà có một quả dứa được chạm khắc bằng đá cao 53 feet. Một ví dụ nổi bật khác là quả dứa trang trí trên đỉnh cúp Wimbledon được trao cho nhà vô địch giải đơn nam.
Khi dứa được nhập khẩu với số lượng lớn từ năm 1820, vị thế của nó dần tuột dốc. “Vào năm 1850, cảng London tiếp nhận 200.000 quả dứa nhập khẩu mỗi năm”, Beauman cho biết. “Sau đó, khi công nghệ làm lạnh và đồ hộp xuất hiện, vào cuối thế kỷ 19, dứa thực sự trở nên phổ biến”.
Song chừng đó vẫn chưa khiến người ta ngừng săn đón loại quả này. Trong cuốn “David Copperfield” do Charles Dickens sáng tác vào năm 1850, nhân vật David nói rằng khi có tiền, anh ấy sẽ mua cà phê và bánh mì, nhưng khi không có gì, anh ấy sẽ đi dạo đến tận Covent Garden và “nhìn chằm chằm vào những quả dứa”.
“Đối với một cậu bé như David Copperfield, vào năm 1850, một quả dứa vẫn gợi về một thế giới xa hoa không thể tưởng tượng được”, Beauman nói.
Đến những thế kỷ sau, ở những vùng thuộc địa đầu tiên ở Mỹ, dứa trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và tình bạn. Những thuyền trưởng ở New England (một khu vực ở Đông Bắc nước Mỹ ngày nay) đến quần đảo Caribbean và mang về các loại trái cây và gia vị lạ. Khi những con tàu trở về, gia đình họ sẽ cắm một quả dứa trên trụ cổng như một biểu tượng chào đón bạn bè hàng xóm đến thăm viếng, chia sẻ đồ ăn và lắng nghe câu chuyện về những chuyến hải trình.
Ở những khu định cư đầu tiên, dứa thường được tặng như một món quà tình bạn. Theo thời gian, các chủ quán trọ đã thêm hình ảnh quả dứa vào bảng hiệu. Trong thời hiện đại, các khách sạn và ngành dịch vụ vẫn sử dụng quả dứa làm biểu tượng của lòng mến khách.
Nguồn: CNN, Historic-UK