Chìm nổi ở Sài Gòn không chỉ nổi bật bởi một đề tài tương đối đặc biệt và rất hiếm có, mà còn nằm ở khả năng liên kết dữ kiện và cách trình bày một thứ văn xuôi mượt mà như tiểu thuyết, kết hợp với những số liệu mang tính khoa học.
Mọi thứ bắt đầu vào năm 1904, khi một cơn bão làm hư hại mùa màng, khiến cho việc buôn bán lúa gạo rơi vào hỗn loạn, gây cảnh khốn cùng ở khắp Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Như một giáo sĩ phương Tây nhận định: “Điều đặc trưng của người Việt ở Nam kỳ là... tính khí lãng du, thích di chuyển, họ dễ dàng rời bỏ một nơi trong đất nước mình để tạm thời đi lập nghiệp ở vùng khác. Họ từ bỏ ngôi nhà lợp tranh như những người du mục trên sa mạc gấp lại túp lều... không có gì đáng buồn bằng việc thấy họ bắt đầu cuộc di cư để thoát khỏi đói nghèo một lần nữa” (tr.74).
Và đó cũng là lý do khiến Lương Thị Lắm hay Nguyễn Văn Thủ rời Biên Hòa, Bình Định để tìm một cuộc sống mới. Vì nhiều hoàn cảnh khác nhau như nợ nần, không có đất đai, thiên tai hoành hành… cho đến đơn thuần mong muốn thoát khỏi nông thôn, họ như bị hút bởi “giấc mơ thành phố” và đến đây. Thế nhưng đời không như là mơ, khi họ không có nhiều cơ hội để ổn định cuộc sống. Từ đó mà các công việc như kéo xe, gom báo cũ, gánh nước, khuân vác, sửa dù, mài dao, bán súp, đạp xe, làm đĩ, cùng nhiều công việc tạm bợ khác bắt đầu ra đời.
Cherry cho thấy sự nghiên cứu kỹ lưỡng ở từng nhân vật và các trường hợp. Chẳng hạn, qua Lương Thị Lắm, ông cho thấy những bước biến chuyển của hoạt động mại dâm ở Sài Gòn, từ việc được thực hiện công việc này ở nơi cư trú theo sắc lệnh 1893 cho đến thời điểm 1908 bắt buộc phải có một khu riêng biệt. Tương tự, qua trường hợp của cô gái “lai” Aimée Lahaye, tác giả làm rõ vai trò của viện dục anh cũng như đời sống thật sự sau những bức tường với các bà sơ, khi một số đứa trẻ cho rằng cuộc sống trong đó “không đủ ăn và bị bắt làm quá nhiều việc” (tr.212). Trường hợp bệnh tật của Trần Văn Chỉnh thì cho thấy đời sống thiếu tiện nghi của những xóm nghèo và khu ổ chuột, từ đó gây ra các nạn dịch hạch, lao, sốt rét cũng như bệnh tả…
Tuy vậy ở mỗi bước đường, ta đều thấy những nỗ lực của chính quyền thuộc địa nhằm quản lý vùng đất mới khoa học hơn. Chẳng hạn, qua Lương Thị Lắm, tác giả cho thấy chính phủ đương thời đã rất nỗ lực kiểm soát hoạt động mại dâm bằng sổ đăng ký để người hành nghề tuân thủ quy tắc và pháp luật của thành phố. Hay trong trường hợp của Nguyễn Văn Thủ, đó là quy định về thuế thân và các phương pháp mới nhận dạng con người để kiểm soát dân cư, như dùng hệ thống nhận dạng tội phạm của Alphonse Bertillon, lập Sở Căn cước… Những người không đóng thuế thân phải đổi danh tính - Lương Thị Lắm thành Huỳnh Thị Kim, Nguyễn Văn Thủ thành Trần Văn Lang… - để có thể tiếp tục trụ lại Sài Gòn. Nhưng một khi bị phát hiện, họ sẽ bị đẩy về vùng đất xa, để rồi thiên tai, mất mùa… tiếp tục làm cuộc đời họ thêm phần khốn khó. Những người Pháp xuống đến mức bần cùng như Félix Colonna d’Istria cũng được ít nhiều quan tâm, bởi việc xuống cấp của chủng tộc da trắng và sự cười nhạo của người bản địa là một vết nhơ rất khó chấp nhận…
Cherry còn chủ ý khắc họa làn sóng âm ỉ phản đối sự thống trị của Pháp của dân cư nơi đây. Việc trục xuất Trần Dưỡng mà không có bằng chứng vì cho rằng y thuộc Thiên Địa Hội với mưu cầu làm phản, cho thấy những người mới đến tương đối e ngại khả năng bị lật đổ bởi hoạt động của hội kín này và chính quyền thuộc địa thà trục xuất nhầm còn hơn bỏ sót, nhất là sau khởi nghĩa do Phan Xích Long dẫn đầu. Gắn với thời điểm quân Nhật đang lên cả về sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng, tác giả đã tái hiện sinh động làn sóng hoang mang lan khắp nước, khi nhiều cuộc tấn công vào Sài Gòn của Thiên Địa Hội liên tục nổ ra để giải thoát người Việt khỏi ách đô hộ của thực dân và tàn sát người Pháp trong thành phố. Sự xuất hiện của quân Nhật bên cạnh quân Pháp càng tạo ra tâm lý lo sợ, dẫn đến những cuộc di tản, khiến những biến động về nhân khẩu học thêm phần khó quản lý. Cherry ngừng từng chương một ở ngay thời điểm mà các báo cáo của chính quyền thuộc địa không còn ghi nhận thêm thông tin nữa, như tiếng thở dài bất lực trước hiện thực ấy.
Từ trước đến nay, người nghèo và thân phận của họ thường bị bỏ qua trong các nghiên cứu hay câu chuyện lịch sử của học giả phương Tây. Với Chìm nổi ở Sài Gòn, một phần khuyết thiếu đã được lấp đầy, giúp ta hiểu thêm về số phận và những mặt người đã rất nỗ lực để tồn tại trong một thời đoạn thiếu sự khoan dung. Mặc cho vai trò tương đối nhỏ bé, nhưng họ là minh chứng cho sự bền bỉ, ngoan cường và tính sáng tạo khi luôn tìm cách tạo dựng cuộc sống ở vùng đất mới.
***
(1)Là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới, kéo dài từ năm 1929 đến năm 1939.
(2) Thuật ngữ chỉ khoảng thời gian 1920 – 1929, giai đoạn bùng nổ kinh tế thế giới sau Thế chiến thứ nhất, kéo theo sự bùng nổ về văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, khoa học… Đó cũng là giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ ở Sài Gòn.