Một nghiên cứu mới cho thấy việc sinh con có thể khiến cấu tạo xương của động vật linh trưởng cái bị thay đổi vĩnh viễn.

Theo nghiên cứu được công bố trên PLOS ONE của các nhà nhân chủng học, quá trình mang thai và sinh nở có thể để lại dấu vết vĩnh viễn trong bộ xương của khỉ cái. Họ phát hiện, sau khi sinh con, hàm lượng can-xi, phốt-pho và ma-giê trong xương của khỉ cái thấp hơn đáng kể so với những con chưa từng sinh sản.

Dù đối tượng trong nghiên cứu không phải là con người, những phát hiện này cho thấy các sự kiện lớn trong đời có thể để lại dấu vết như thế nào trong xương của các loài linh trưởng nói chung.

Là bộ khung cho phần cơ thịt phát triển, song xương của các loài linh trưởng lại có tính linh hoạt đáng ngạc nhiên. Xương dần dần phát triển lớn hơn trong suốt cuộc đời, và các yếu tố lối sống sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng xương hằng năm.

Hầu hết chúng ta đều biết rằng mật độ xương giảm dần theo tuổi tác, đặc biệt là sau thời kỳ mãn kinh; nhưng trong suốt cuộc đời, bệnh tật, chế độ ăn uống, khí hậu và việc mang thai có thể để lại dấu vết vĩnh viễn trong các mô xương đã bị vôi hóa - có thể được phát hiện ngay cả khi đã qua đời.

Trước đây, các nhà khoa học đã phát hiện bằng chứng cho thấy trong thời kỳ mang thai của con người, cơ thể người mẹ có thể phân giải hợp chất can-xi có trong xương và phóng thích vào máu để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi, dẫn đến giảm khối lượng, thành phần và mật độ xương trong một khoảng thời gian ngắn.

Khi cho con bú, xương của người mẹ cũng được "tái hấp thụ" vào máu để tạo ra sữa giàu can-xi và các khoáng chất bị mất có thể dễ dàng phục hồi khi kết thúc quá trình tiết sữa. Dù vậy, các nhà khoa học vẫn có cách để phát hiện sự thiếu hụt tạm thời này.

Trong pháp y và khảo cổ học, việc xác định một người có mang thai hay không chỉ dựa vào xương vẫn còn gây tranh cãi. Các dấu hiệu ở xương chậu khi sinh con bị coi là không đáng tin cậy, và hiện nay, có rất nhiều phương pháp và cách hiểu khác nhau về vấn đề này. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta phải có một cái nhìn sâu hơn về xương.

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã cung cấp thêm bằng chứng về tác động sâu sắc của quá trình sinh nở đối với cơ thể động vật linh trưởng cái, hơn nữa còn chứng minh rằng bộ xương không phải là một cơ quan tĩnh, mà thay đổi theo các sự kiện trong cuộc đời”, Paola Cerrito, người dẫn dắt nghiên cứu này khi đang làm nghiên cứu sinh ở Khoa Nhân học (Đại học New York), nói.

Hình ảnh hiển vi mặt cắt ngang của bảy xương đùi trong nghiên cứu, được phân loại theo độ tuổi và giới tính. Nguồn: phys.org
Hình ảnh hiển vi mặt cắt ngang của bảy xương đùi trong nghiên cứu, được phân loại theo độ tuổi và giới tính. Nguồn: phys.org

Trong nghiên cứu này, Cerrito cùng các cộng sự đã tìm hiểu về xương phiến (lamellar) - loại xương chính trong bộ xương của động vật trưởng thành. Đây là đối tượng nghiên cứu lý tưởng bởi nó thay đổi theo thời gian và để lại những dấu ấn sinh học, cho phép các nhà khoa học theo dõi những thay đổi trong suốt cuộc đời.

Họ kiểm tra tỉ lệ phát triển của xương phiến ở đùi của bảy con khỉ nâu (Rhesus macaques) đã sống và chết tự nhiên ở Sabana Seca Field Station - trụ sở của Trung tâm Nghiên cứu linh trưởng Caribbean ở Puerto Rico. Các bác sĩ thú y tại đây theo dõi và ghi lại thông tin về sức khỏe cũng như lịch sử sinh sản của những con khỉ này, cho phép các nhà nghiên cứu đối chiếu sự thay đổi cấu tạo xương của chúng qua các sự kiện trong đời với độ chính xác cao.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kính hiển vi điện tử và phương pháp tán xạ năng lượng tia X để tính toán sự thay đổi nồng độ can-xi, phốt-pho, ô-xi, ma-giê, và phosphorus, oxygen, magnesium và na-tri trong bộ xương của bầy khỉ.

Kết quả, có sự khác biệt đáng kể về hàm lượng các nguyên tố trong xương của khỉ cái đã sinh con so với khỉ đực và khỉ cái chưa từng sinh nở. Cụ thể, ở những con cái đã sinh con, nồng độ can-xi và phốt-pho trong xương đã suy giảm trong quá trình sinh sản. Hơn nữa, hàm lượng ma-giê cũng giảm đáng kể trong suốt thời gian khỉ cái cho con bú.

Các tác giả nghi ngờ đây là dấu hiệu của sự tiêu xương trong quá trình sinh sản, nhưng cần có thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định chắc chắn. Họ cũng đề xuất nên xem xét thêm các quần thể linh trưởng hoang dã để tìm hiểu điều tương tự có xảy ra với các loài động vật khác hay không. Nhóm nghiên cứu cho rằng, trong các quần thể hoang dã, những dấu hiệu về việc sinh nở và cho con bú có thể bị che lấp bởi các phản ứng sinh lý do thay đổi chế độ ăn uống và môi trường.

“Việc phát hiện ra dấu hiệu sinh nở từ các mô xương vẫn là một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn chưa được khám phá, có ý nghĩa quan trọng đối với nghiên cứu tiến hóa, bảo tồn và khảo cổ học", Cerrito nhận xét.


Nguồn: