Nếu tất cả những gì bạn muốn làm trong những ngày mưa là cuộn tròn trong chăn và ngủ một giấc ngon lành thì bạn không phải là người duy nhất muốn như vậy. Nhiều người khác cũng từng trải qua điều tương tự khi cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ khi trời mưa. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cơ sở khoa học đằng sau hiện tượng này.

Ảnh: Shutterstock.
Ảnh: Shutterstock.

Lý do bạn gần như không muốn rời khỏi giường ngủ vào một ngày mưa không hẳn là do bạn lười biếng. Có một số yếu tố khiến chúng ta hành động như vậy, nhưng hầu hết đều liên quan đến ảnh hưởng của thời tiết đối với cách thức cơ thể chúng ta hoạt động.

Thời tiết ảnh hưởng đến giấc ngủ

Có một mối liên hệ nhất định giữa thời tiết và trạng thái cảm xúc của chúng ta. Trong một nghiên cứu trên 497tình nguyện viên được công bố trên tạp chí Emotion vào năm 2011, Klimstra và các cộng sự phát hiện 9% số tình nguyện viên cảm thấy tức giận và cáu gắt hơn vào những ngày mưa so với những ngày nắng.

Giống như hầu hết các sinh vật sống khác, con người cần ánh sáng Mặt trời để tồn tại và phát triển thông qua việc kiểm soát đồng hồ sinh học bên trong cơ thể. Các tia UVA và UVB có trong ánh sáng Mặt trời thúc đẩy bộ não giải phóng serotonin, trong khi tuyến tùng giảm sản xuất melatonin. Serotonin thường được mệnh danh là hormone hạnh phúc, chịu trách nhiệm giúp con người tỉnh táo và tạo ra tâm trạng vui vẻ. Trong khi đó, melatonin có vai trò điều hòa chu kỳ thức-ngủ. Nếu nồng độ melatonin tăng cao, chúng ta sẽ buồn ngủ, còn khi nồng độ melatonin giảm xuống, cơ thể sẽ duy trì trạng thái tỉnh táo.

Nói tóm lại, ánh sáng Mặt trời giúp chúng ta tỉnh táo và vui vẻ nhờ serotonin, trong khi giảm thiểu cảm giác buồn ngủ do hạn chế sản xuất melatonin.

Tuy nhiên, thời tiết mưa thường đi kèm với những đám mây đen dày đặc, che kín bầu trời, làm giảm lượng ánh sáng mà chúng ta tiếp xúc được. Điều này tương tự như khi màn đêm buông xuống, khiến cơ thể giảm sản xuất serotonin và tăng sản xuất melatonin.

“Khả năng ngủ hoặc thức dậy của chúng ta bị ảnh hưởng đáng kể từ môi trường xung quanh. Nếu bạn quen ngủ trong bóng tối hoàn toàn, thì chỉ một chút ánh sáng trong phòng cũng có thể khiến bạn khó ngủ. Ngược lại, nếu chúng ta quen thức dậy khi trời đã sáng rõ thì sẽ khó thức dậy lúc trời còn đang tối, cho dù đó là do sự thay đổi của mùa hoặc thời tiết”, tiến sĩ Darius Loghmanee, chuyên gia về giấc ngủ tại Trung tâm Y tế Advocate Christ (Mỹ), nhận định.
Ngoài ra, độ ẩm tăng lên khi trời mưa có thể khiến cơ thể bạn phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt độ bên trong ổn định thông qua quá trình cân bằng nội môi (homeostasis) - và tất cả những hoạt động đó có thể khiến cơ thể bạn trở nên mệt mỏi.

Cùng với độ ẩm tăng cao, áp suất không khí cũng bị ảnh hưởng khi trời mưa. Thời tiết giông bão thường đi kèm với áp suất thấp hơn, làm giảm lượng oxy trong không khí. Mặc dù nồng độ oxy chỉ giảm ở mức độ nhẹ, nhưng nó có thể góp phần làm giảm nồng độ oxy trong máu và khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu oxy, dẫn đến đau đầu, mệt mỏi và buồn ngủ.

Ngay cả âm thanh của mưa cũng khiến chúng ta buồn ngủ. Mưa tạo ra một loại tiếng ồn hồng (pink noise), tương tự như tiếng ồn trắng (white noise). Cả hai đều giúp cải thiện giấc ngủ bằng cách tạo ra một âm thanh nền liên tục, giúp bạn không còn để ý đến những tạp âm gây mất tập trung. Khác với tiếng ồn trắng, tiếng ồn hồng có âm vực thấp hơn và êm dịu hơn. Tiếng lá xào xạc, tiếng gió và thậm chí cả tiếng nhịp tim của bạn đều được xếp loại là tiếng ồn hồng.

“Nếu bạn sống ở thành phố hoặc một nơi nào đó ồn ào, thì tiếng mưa bên ngoài cửa sổ có thể giúp bạn chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn bằng cách che lấp đi những âm thanh xung quanh bạn”, Sue Peacock, nhà tư vấn tâm lý sức khỏe tại Hiệp hội Tâm lý học Anh, cho biết. “Nhiều người thậm chí còn chủ động bật file ghi âm tiếng mưa để giúp họ dễ ngủ vào ban đêm”.

Nguyên nhân cuối cùng là do yếu tố tâm lý. Vào những ngày mưa, những con đường trơn trượt và việc đi lại trở nên khó khăn, hầu hết mọi người sẽ lựa chọn ở nhà nếu không có việc cần thiết phải đi ra ngoài. Trong không gian nhỏ hẹp tại nhà, các hoạt động thường bị hạn chế nên chúng ta nảy sinh tâm lý lười biếng, không muốn làm gì cả. Nhiều người thậm chí còn thích nằm trên giường xem tivi cả ngày. Trong hoàn cảnh như vậy, họ dễ rơi vào tình trạng uể oải và buồn ngủ.

Rối loạn cảm xúc theo mùa

Các tình trạng như rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) thường xuất hiện do sự thay đổi của các mùa và thời tiết. Nhiều người trải qua SAD do mức độ ánh sáng giảm trong những tháng mùa đông hoặc mưa dài ngày, mặc dù SAD có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm. Các triệu chứng của SAD tương tự như triệu chứng trầm cảm, bao gồm xu hướng ngủ quên và khó thức dậy vào buổi sáng.

Liệu pháp ánh sáng là một trong những phương pháp điều trị hàng đầu cho chứng rối loạn cảm xúc theo mùa, giúp người bệnh giải tỏa cảm giác buồn chán và xua tan cảm giác uể oải. Mặc dù liệu pháp này có thể diễn ra dưới hình thức tắm nắng để giúp người bệnh tăng cường tiếp xúc với tia UV, nhưng đối với hầu hết mọi người, cách phổ biến hơn là sử dụng hộp ánh sáng trị liệu - thiết bị phát ra ánh sáng có cường độ khoảng 10.000 lux.

“Liệu pháp sử dụng hộp ánh sáng trị liệu có thể cực kỳ hữu ích để chống lại cảm giác lờ đờ, uể oải khi vừa tỉnh dậy, và giúp tăng cường sự tỉnh táo vào ban ngày”, tiến sĩ Michelle Drerup, Giám đốc về Y học Giấc ngủ tại Phòng khám Cleveland (Mỹ), cho biết.

Vượt qua cơn buồn ngủ trong ngày mưa

Để xua tan cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ vào những ngày mưa, bạn có thể áp dụng các biện pháp đơn giản như tập thể dục, thực hiện các bài tập nhẹ nhàng trong khoảng thời gian từ 15 đến 30 phút. Hoạt động thể chất kích thích máu lưu thông tốt hơn, đồng thời giúp duy trì tinh thần tỉnh táo và minh mẫn.

Bạn có thể mở rộng cửa sổ, bật đèn hoặc di chuyển đến nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên để giúp cơ thể tiết ra nhiều serotonin và giảm sản xuất melatonin, từ đó bạn sẽ thoát khỏi tình trạng uể oải và buồn ngủ.

Để giảm cảm giác buồn ngủ, bạn cũng có thể uống cà phê hoặc trà.Caffeine sẽ giúp bạn tỉnh táo nhanh chóng và tránh xa cơn buồn ngủ. Hãy đảm bảo lượng cà phê hằng ngày của bạn khôngvượt quá 400 mg đối với người trưởng thành - tương đương mức tối đa từ 2 đến 4 cốc cà phê tùy thuộc vào độ đậm đặc.Đừng phá hỏng giấc ngủ ban đêm của bạn bằng cách uống cà phê vào buổi chiều muộn.

Nếu cơn mưa khiến bạn buồn ngủ và bạn không có việc gì thực sự cần phải làm, hãy cho phép bản thân tận hưởng một giấc ngủ ngắn.Điều này sẽ giúp bạn nạp năng lượng và trở nên tỉnh táo hơn ngay sau đó.

Theo iflscience
https://www.iflscience.com/why-does-rain-make-you-sleepy-72958