Sau ba năm cung cấp những thông tin thời tiết giúp các nhà máy thủy điện, nhà máy năng lượng tái tạo, công ty du lịch… tối ưu kế hoạch sản xuất kinh doanh, điều WeatherPlus – một doanh nghiệp trẻ khai phá thị trường dịch vụ khí tượng thủy văn ở Việt Nam tự hào nhất chính là chưa khách hàng nào ngừng hợp tác với họ.

Đã bao giờ bạn tự hỏi, làm thế nào để biến những thông tin dự báo khí tượng thủy văn thành lợi nhuận?

Theo dự báo của Markets and Markets, trên thế giới thị trường này ước tính đạt 2,3 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 3,3 tỷ USD vào năm 2025. Ở Việt Nam, lĩnh vực này mới bắt đầu một vài năm trở lại đây. Chính điều đó đã kích thích WeatherPlus tham gia và nhanh chóng tìm được chỗ đứng trên thị trường mới mẻ này.

WeatherPlus là một doanh nghiệp trẻ khai phá thị trường dịch vụ khí tượng thủy văn ở Việt Nam. Trong ảnh là một cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Ban giám đốc WeatherPlus (AgriMedia). Nguồn: WP
WeatherPlus là một doanh nghiệp trẻ khai phá thị trường dịch vụ khí tượng thủy văn ở Việt Nam. Trong ảnh là một cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Ban giám đốc WeatherPlus (AgriMedia). Nguồn: WP

“Ngày hôm qua, chúng tôi vừa làm việc với một công ty thời trang lớn với yêu cầu rất cao về dự báo khí hậu để chuẩn bị cho sản xuất. Câu hỏi đầu tiên là mùa hè sẽ đến vào lúc nào, tháng 3 hay tháng 4?” – anh Trần Xuân Hùng, Giám đốc bộ phận Khí tượng thủy văn của WeatherPlus nói với Khoa học &Phát triển.

Những người mở đường

Thị trường dịch vụ khí hậu manh nha ban đầu đã có một số trung tâm và cơ sở nghiên cứu nhà nước tham gia. Tuy nhiên tính đến nay WeatherPlus là đơn vị tư nhân đầu tiên nhận được giấy phép cung cấp thông tin Dự báo thời tiết tại Việt Nam.

Ý tưởng ban đầu của họ chỉ là cung cấp thông tin dịch vụ nông nghiệp như giá cả, thời tiết… Nhưng càng đi sâu tìm hiểu, WeatherPlus càng nhận ra tiềm năng của thị trường này. Bởi vậy, năm 2017 khi có chủ trương xã hội hóa ngành khí tượng thủy văn và có hành lang pháp lý cho tư nhân tham gia, WeatherPlus (lúc ấy là AgriMedia) đã mạnh dạn xin giấy phép.

Anh Trần Xuân Hùng chia sẻ: “WeatherPlus gặp không ít khó khăn, có rất nhiều vòng để xác minh năng lực. Đây đúng là một lĩnh vực quá mới và quá khó, cả công nghệ lẫn đánh thức nhu cầu thị trường.”

WeatherPlus đã làm thế nào để có thể bước chân vào lĩnh vực khó đến mức mà ngay cả kỳ cựu như Trung tâm Động lực học thủy khí (Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) cũng phải thốt lên “ra ngõ gặp Thái Sơn” này?

Cách chuẩn bị của WeatherPlus rất căn bản: Để nâng cao năng lực nội bộ của mình, họ mời những chuyên gia đi học từ nước ngoài, lập ban cố vấn với các chuyên gia đến từ Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Tổng cục Khí tượng Thủy văn như: TS.Bùi Minh Tăng – Nguyên GĐ TT dự báo KTTV quốc gia; TS.Lê Đức – chuyên gia đồng hóa số liệu và mô hình số; TS.Nguyễn Lê Dũng – chuyên gia về khí hậu, mô hình số; TS. Bùi Hoàng Hải chuyên gia về mô hình khí hậu…

Thậm chí sau này khi đã quen với ngành, WeatherPlus còn phối hợp với các viện, trường trong hoạt động đào tạo như tổ chức tham quan giới thiệu công nghệ, hỗ trợ các bài giảng ngoại khóa và nhận sinh viên thực tập…

Là startup, WeatherPlus cần tìm được một thị trường đủ tiềm năng và người dùng sẵn sàng chi trả. Để làm được điều đó, doanh nghiệp đã mất tới nửa năm cho quyết định mở rộng từ lĩnh vực nông nghiệp chính xác sang hướng cung cấp dịch vụ cho các nhà máy thủy điện.

“Hơn 300 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ rải rác khắp cả nước đều là khách hàng tiềm năng của chúng tôi và họ sẵn sàng chi trả. Việc của chúng tôi là chứng minh giá trị các sản phẩm của mình đem lại giá trị cho họ” – anh Hùng bày tỏ.

Dự báo thông tin khí tượng/khí hậu là lĩnh vực nhiều thách thức, nó đòi hỏi việc có được dữ liệu đầu vào, các mô hình tính toán và một hệ máy tính hiệu năng cao đủ mạnh để chạy các mô hình, điều mà ngay cả Tổng cục Khí tượng thủy văn còn khá chật vật để có.

Hiểu sức mình, WeatherPlus thực hiện từng bước một, tiến hành xây dựng các hệ thống quan trắc trên từng khu vực vừa thực hiện lấp chỗ trống về hệ thống quan trắc tại địa phương còn đang thiếu. Đây được xem là một thuận lợi giúp họ có được nguồn dữ liệu đa dạng như nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, hướng gió, bức xạ mặt trời, lượng mưa… cho các mô hình số trị.

Hiện WeatherPlus là đơn vị tư nhân đầu tiên nhận được giấy phép cung cấp thông tin Dự báo thời tiết tại Việt Nam, sở hữu hơn 400 trạm quan trắc khắp cả nước. Nguồn: WP
Hiện WeatherPlus là đơn vị tư nhân đầu tiên nhận được giấy phép cung cấp thông tin Dự báo thời tiết tại Việt Nam, sở hữu hơn 400 trạm quan trắc khắp cả nước. Nguồn: WP

Do thông tin mà các nhà máy thủy điện cần chính là thông tin hạn nội mùa với khoảng thời gian ngắn trên dưới 10 ngày, vốn còn là bài toán khó với ngay cả Tổng Cục khí tượng thủy văn [1,2] nên đây cũng là vấn đề được WeatherPlus đầu tư nhiều công sức nhất.

“Từ đầu ra của các mô hình số, chúng tôi áp dụng các phương pháp hiệu chỉnh thống kê sau mô hình tiên tiến với các thuật toán Machine Learning. Bên cạnh đó, việc kết hợp số liệu từ gần 400 trạm quan trắc sở hữu với số liệu từ các nguồn khác giúp chất lượng dự báo ngày càng tin cậy.” – anh Hùng giải thích thêm về cách làm của mình.

WeatherPlus hướng đến mục tiêu phát triển thêm nhiều công nghệ, mở rộng hợp tác để trở thành đơn vị cung cấp thông tin dự báo thời tiết, khí hậu tin cậy nhất Việt Nam. Nguồn: WP
WeatherPlus hướng đến mục tiêu phát triển thêm nhiều công nghệ, mở rộng hợp tác để trở thành đơn vị cung cấp thông tin dự báo thời tiết, khí hậu tin cậy nhất Việt Nam. Nguồn: WP

Để khắc phục tính sai số của dự báo, Weatherplus đưa ra sản phẩm dạng tổ hợp cho phép cung cấp thêm thông tin, giúp khách hàng có thể có thêm thông tin, đặc biệt trong các dự báo hạn vừa đến hạn dài - khi mức độ biến động của khí quyển tăng cũng như khả năng nắm bắt của các mô hình thấp đi.

“Chúng tôi luôn cập nhật số liệu quan trắc vào mô hình tính toán, nhờ vậy kết quả dự báo sẽ được hiệu chỉnh tự động ngay trong phiên dự báo kế tiếp” – anh Trần Xuân Hùng giải thích thêm về cách làm của mình.

Đây là cách mà Weatherplus thuyết phục được khách hàng, những nhà máy ở các vùng địa hình khác nhau như Sông Tranh 2,3 (Quảng Nam), Bản Vẽ (Nghệ An) hay Nậm Mu, Nậm Ngần (Lai Châu)… lựa chọn mình làm người cung cấp dịch vụ.

Theo hợp đồng, WeatherPlus cung cấp các bản tin dự báo thời tiết thủy văn được cập nhật liên tục cho bản tin 24h, 3 ngày hay 6 ngày. Năng lực hệ thống với các dự báo xa hơn như 45 ngày thì tần suất cập nhật là 4 lần/ngày, 90 ngày cập nhật 1 lần/ngày, dự báo 6 tháng cập nhật 1-2 lần/tuần. Trước khi gửi thông tin tới khách hàng, đội ngũ chuyên gia cố vấn sẽ hiệu chỉnh lần cuối cùng - theo chuẩn của quy trình dự báo thế giới - để khách hàng có quyết định tốt nhất cho trong hoạt động sản xuất.

Mở rộng thị phần cho nhiều lĩnh vực

Sau hơn hai năm cung cấp dịch vụ cho hơn 50 nhà máy thủy điện, điều mà những người sáng lập WeatherPlus hài lòng nhất chính là việc chưa có khách hàng nào hủy hợp đồng. Đây có lẽ là bằng chứng xác thực nhất cho thấy hiệu quả mà startup này mang lại ở cả hai mục tiêu là vận hành an toàn và tối ưu.

“Thời điểm này câu hỏi mà các nhà máy đặt ra là bao giờ sẽ có đợt lũ tiểu mãn đầu tiên” – anh Trần Xuân Hùng tiết lộ. Khi dự báo được chính xác về thời điểm, lượng nước thì nhà máy thủy điện sẽ có kế hoạch vận hành hợp lý để giữ an toàn cho đập cũng như có kế hoạch phát điện để tận dụng hiệu quả những cơn lũ bởi “có nước có điện, có điện là có doanh thu”.

Bởi vậy trong tương lai "Mục tiêu mà WeatherPlus hướng tới là có thể giúp khách hàng trong nhiều lĩnh vực tăng 10% doanh thu nhờ sử dụng thông tin dự báo thời tiết tin cậy của chúng tôi".

Là người phụ trách bộ phận nghiên cứu phát triển tại WeatherPlus, anh Trần Xuân Hùng cho biết, công ty phát triển thêm nhiều công nghệ và cân nhắc việc đầu tư siêu máy tính nhằm chủ động chạy mô hình số như cách mà trung tâm dự báo trên thế giới đang làm, rồi hiệu chỉnh thông số phù hợp với Việt Nam.

"Tên thương hiệu WeatherPlus có nghĩa là ‘Thời tiết và các giá trị gia tăng của thời tiết". Chúng tôi muốn WeatherPlus sẽ trở thành thông tin mang lại lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp" - ông Hùng nói. Giờ đây, không chỉ là các nhà máy thủy điện, đối tượng khách hàng của WeatherPlus hiện đang ngày càng mở rộng. Mới đây các công ty năng lượng điện gió, điện mặt trời, công ty du lịch, sự kiện, bán lẻ… đã tìm đến họ.

Ngoài tìm kiếm lợi nhuận, WeatherPlus cũng không quên trách nhiệm của mình với cộng đồng. Mỗi mùa mưa bão về, hệ thống quan trắc và các thông tin dự báo sẽ phát huy tác dụng. Hàng chục triệu tin nhắn miễn phí cập nhật tình hình mưa bão được gửi đến bà con vùng bị ảnh hưởng. Tổng đài tư vấn miễn phí này của WeatherPlus luôn ‘cháy máy’ bởi khi điện và internet đều mất, bà con chỉ có thể gọi điện cập nhật tình hình thời tiết, khí hậu.

Dẫu tiềm năng lớn và có thể trở thành thông tin mang lại giá trị gia tăng cho nhiều ngành nhưng WeatherPlus cũng gặp không ít chướng ngại. Như lời tâm sự của anh Hùng, người Việt vốn quen với nếp nghĩ, bỏ tiền ra mua món hàng sẽ quan tâm đến giá trị nhận lại ngay lập tức. Nhưng dịch vụ dự báo lại là một thứ hoàn toàn khác, giống như dịch vụ giá trị gia tăng, nghĩa là cần sự đồng hành và trải nghiệm sẽ giúp hoạt động sản xuất kinh doanh đạt mức tối ưu.

Dẫu vậy, với một thị trường quá lớn và còn đang ở giai đoạn đầu, WeatherPlus không ngại cạnh tranh, thậm chí còn mong có nhiều công ty khác cùng gia nhập để thúc đẩy thị trường phát triển.

[1]:https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/gs-phan-van-tan-nang-luc-ung-pho-bao-lu-phu-thuoc-mot-phan-vao-thong-tin-du-bao/20201029090758804p1c785.htm
[2]: https://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Nhung-khoang-cach-can-duoc-thu-hep-15248