Seaborg Technologies, một startup tư nhân tại Đan Mạch, hiện đang theo đuổi giải pháp nhà máy điện hạt nhân nổi nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của các quốc gia thuộc Thế giới thứ ba.
Những lãnh đạo của Seaborg (đặt theo tên nhà hóa học nguyên tử Glenn T. Seaborg, chủ nhân Nobel 1951) tin rằng điện hạt nhân giá rẻ hoàn toàn có thể thay thế nguồn từ nhiên liệu hóa thạch (than đá, khí đốt, dầu diesel, …) mà không phát thải CO2. Trong khi điện gió, mặt trời và nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác (sinh khối, thủy triều, sóng, mưa, điệt nhiệt, ...) hiện vẫn mới chỉ ở dạng tiềm năng – theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Tuy nhiên, phần lớn các nước nghèo và đang phát triển đều khó có khả năng phát triển điện hạt nhân do thiếu tiền, cơ sở hạ tầng, chuyên gia, … cùng cơ chế quản trị rủi ro hiệu quả, chưa kể nguy cơ chạy đua vũ trang (chế tạo vũ khí hủy diệt) như trường hợp Bắc Triều Tiên, Pakistan, Iran, …
Thế hệ lò phản ứng muối nóng chảy nhỏ gọn CMSR (Compact Molten Salt Reactor) của Seaborg ra đời để lấp đầy khoảng trống đó. Khi được triển khai trên bè, giàn nổi hay tàu kéo dọc bờ biển, nó có thể sẵn sàng cung cấp điện cho đất liền qua hệ thống truyền tải với hiệu suất rất cao. Ý tưởng này thực ra không hề mới, bởi năng lượng hạt nhân từ lâu đã được sử dụng trên các tàu ngầm và tàu chở dầu phá băng. Tháng 12/2019, Nga đã hạ thủy một nguyên mẫu lò phản ứng hạt nhân nổi trên biển như vậy để cấp điện và nhiệt sưởi ấm cho khu vực cảng Pevek tại Viễn Đông.
Nhưng khác với lò phản ứng nước nhẹ (LWR) sử dụng nước để làm mát, CMSR lại dùng muối - thứ chỉ nóng chảy ở nhiệt độ rất cao. Trong trường hợp lõi lò tan chảy, muối sẽ hóa rắn, bao phủ và nhốt vật liệu hạt nhân ở bên trong. Một ưu điểm nữa là CMSR có thể hoạt động ở áp suất gần với khí quyển thay vì mức gấp 75 – 150 lần (dễ gây nổ) ở những lò LWR thông thường. Ngoài ra, nó còn được trang bị một chốt [muối] đông lạnh tự tan chảy khi xảy ra hiện tượng quá nhiệt, cho phép lõi lò thoát vào bể làm mát.
Troels Schönfeldt, CEO của Seaborg, cho biết việc chế tạo một lò phản ứng CMSR cỡ nhỏ (công suất tối thiểu 100 MW) thường mất khoảng 2 năm. Còn tàu, bè, giàn nổi sẽ được đóng tại Hàn Quốc (nơi chiếm thị phần số 1 thế giới về đóng tàu). Sau khi hoàn tất khâu lắp đặt các cấu phần của lò phản ứng, công ty sẽ kéo sản phẩm cuối cùng tới bàn giao cho khách hàng theo kiểu “chìa khóa trao tay”. Một lò CMSR như vậy thường có vòng đời hoạt động lên tới 24 năm và cắt giảm được hàng chục triệu tấn CO2 so với nhà máy nhiệt điện than cùng công suất.
Seaborg hiện đã huy động được gần 20 triệu Euro từ nhiều nhà đầu tư tư nhân, trong đó có tỷ phú ngành bán lẻ Anders Holch Povlsen. Cục Vận tải Mỹ cũng đã phê chuẩn một số giấy phép cho công ty và Seaborg kỳ vọng sẽ nhận đơn hàng đầu tiên từ cuối năm 2022. Schönfeldt nhận định: “Nhu cầu về năng lượng trên thế giới đang tăng trưởng nhanh chóng. Nếu không thể tìm ra giải pháp nào ưu việt hơn, chúng ta sẽ khó từ bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và không thể đạt được mục tiêu khí hậu của mình”.
Nhà phân tích Chris Gadomski tại công ty Bloomberg New Energy Finance cho biết: “Khái niệm nhà máy điện hạt nhân nổi đã tồn tại từ lâu và được xem là khả thi, đặc biệt đối với những quốc gia đang phát triển có đường bờ biển dài, chẳng hạn Indonesia, Phillipines, ... Mặc dù vậy, hãy còn đó vài mối lo ngại liên quan đến rủi ro công nghệ, đòi hỏi các chính phủ và nhà đầu tư phải cân nhắc thận trọng. Như cách đây không lâu, Philippines vừa phải hứng chịu một đợt sóng thần thảm khốc.”
Nhà hoạt động Jan Haverkamp từ tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) cho rằng các lò phản ứng nổi tiềm ẩn nguy cơ khôn lường, dễ biến thành thảm họa. “Bên cạnh tất cả những rủi ro mà nhà máy điện hạt nhân trên cạn phải đối mặt, đó còn là sự bất định của môi trường tại các vùng biển đầy bão, sóng thần, …” ông nói.
Tuy nhiên, Schönfeldt khẳng định lò phản ứng CMSR tiên tiến của Seaborg sẽ được thiết kế theo những chuẩn mực an toàn cao nhất để đảm bảo an toàn ngay cả trong những sự cố nằm ngoài dự tính của con người dù xác suất cực thấp.
Vì là một nước đang phát triển và rất khát năng lượng, Việt Nam nên xem xét giải pháp lò phản ứng hạt nhân nổi CMST của Seaborg. Từ hơn 10 năm trước, khi tranh luận về kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn (chuyên gia năng lượng hạt nhân, người có nhiều kinh nghiệm thiết kế, xây dựng và xử lý sự cố tại các lò phản ứng ở Mỹ) từng đề xuất nhà nước chưa nên thực hiện dự án, nhưng không phải vì sợ thảm họa (điện hạt nhân trên thực tế khá an toàn, nguy cơ gây tai nạn chết người thậm chí còn thấp hơn cả vận tải hàng không) mà là do chi phí quá lớn, hiệu suất đầu tư không hiệu quả, dễ gây thêm gánh nặng nợ nần cho đất nước. Bên cạnh công nghệ khoan cắt phá thủy lực (hydraulic fracturing) để thăm dò, khai thác và sử dụng khí đốt (đá phiến) phát điện (thứ tạo nên cuộc cách mạng năng lượng tại Mỹ trong gần hai thập niên qua, góp phần đẩy giá dầu thế giới xuống thấp, làm suy giảm vị thế của Nga và các nước xuất khẩu dầu mỏ), ông Đoàn còn gợi ý chúng ta có thể hợp tác với Nga chế tạo các lò phản ứng nổi gắn trên tàu bè, vừa đa dạng nguồn cung điện, thúc đẩy sự phát triển của ngành đóng tàu, lại đảm bảo Việt Nam vẫn tiếp cận được công nghệ hạt nhân tiên tiến. Gần đây, ý tưởng này đang dần trở thành hiện thực, nhưng lại là do Trung Quốc làm. Nước này đang gấp rút chế tạo những nguyên mẫu nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên theo thiết kế của Nga và dự định sẽ sớm đưa vào triển khai trên biển Đông. |