Covid-19 đã làm thế giới thay đổi theo cách không ai nghĩ đến, những quỹ đầu tư ở Mỹ quyết định đầu tư vào một startup ở Việt Nam hàng chục triệu USD mà không cần bất cứ cuộc gặp trực tiếp nào. Phải chăng từ đây những chương khác trong chuyện gọi vốn sẽ được mở ra.

Ảnh: PV
Ảnh: PV

“Chúng tôi không phải thực hiện bất cứ chuyến bay nào”

Trong Lễ công bố gọi vốn thành công, ông Phạm Thành Đức– Tổng giám đốc Ví điện tử MoMo đã nói như vậy để kể về hành trình gọi vốn, theo một cách không giống ba vòng trước đó nhưng là lẽ đương nhiên trong thời kỳ tất cả các chuyến bay đều bị cấm.

Sau 14 năm có mặt ở Việt Nam, MoMo - đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán di động ở mọi lĩnh vực từ chuyển tiền đến thanh toán di động, hóa đơn tiêu dùng, dịch vụ công, quyên góp từ thiện,tài chính tiêu dùng, bảo hiểm… đã trải qua ba vòng gọi vốn. Đúng 12 tháng trước đây kế hoạch gọi vốn lần thứ tư để thực hiện những tầm nhìn dài hạn cho 5 năm tới được MoMo lên kế hoạch. Như mọi lần họ cũng lên kế hoạch đi tới Mỹ, Singapore để tìm kiếm nhà đầu tư.

Lần gọi vốn trong bối cảnh Covid-19 này, ông Phạm Thành Đức nói ‘đây là lần gọi vốn đầu tiên chúng tôi không phải đi đâu cả, cũng không cần tiếp đón ai cả và chúng tôi làm việc từ xa với các nhà đầu tư”,dẫu rằng, để thuyết phục được sáu nhà đầu tư này, họ cũng nhận được không ít những cái lắc đầu.

Giãn cách xã hội ít nhiều cũng tạo cơ hội cho thanh toán phi tiền mặt lên ngôi, những ứng dụng công nghệ hạn chế tiếp xúc được ưa chuộng. Bởi thế mà nếu như giao dịch offline sụt giảm mạnh thì giao dịch online lại tăng trưởng mạnh mẽ. Trong năm 2020, số người dùng của ví điện tử này tăng trưởng gấp đôi, từ 10 triệu lên 23 triệu và tổng giá trị xử lý trên hệ thống cũng tăng 3,5 lần, đạt 14 tỷ USD. Không chỉ có lượng khách hàng lớn và đội ngũ kỹ sư đảm bảo mang đến trải nghiệm tốt nhất, MoMo còn tin rằng, những nhóm dịch vụ mới mà mình sắp cung cấp sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt chuyển đổi số thành công và có cơ hội tiếp cận với hàng chục triệu khách hàng của mình. Những dữ liệu mà MoMo có được sẽ phục vụ việc phân tích và giúp doanh nghiệp hiểu khách hàng và đưa ra giải pháp phục vụ khách hàng tốt hơn.

“Những con số tăng trưởng đã gây ấn tượng với nhà đầu tư và cho thấy tiềm năng của thị trường fintech Việt Nam” – ông Đức nói.Không thể trực tiếp đến Việt Nam các nhà đầu tư từ thung lũng Silicon với hệ thống chân rết và thậm chí là thuê công ty nghiên cứu thị trường để thực hiện những cuộc điều tra và đưa những bản báo cáo về thị trường, con người, tập quán tiêu dùng của Việt Nam cũng như vai trò và sức ảnh hưởng của MoMo tại thị trường Việt Nam. “Họ hiểu người Việt còn hơn người Việt hiểu về mình. Họ hiểu về MoMo hơn cả chúng tôi hiểu về mình” – ông Đức nhấn mạnh.

Chính ông Eric Kim, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Goodwater Capital – 1 trong 6 nhà đầu tư của Momo cũng cho biết đơn vị này thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn với đối tác và người dùng của MoMo để đi đến quyết định. Đại diện MoMo nói rằng, câu chuyện có thật này là bằng chứng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khác thấy rằng, hãy cố gắng và nỗ lực để có sản phẩm tốt thì gọi vốn sẽ thành công.

Câu hỏi đặt ra là vì sao MoMo thuyết phục được các quỹ quyết định đầu tư chỉ thông qua các cuộc gặp gỡ làm việc trực tuyến? Có những yếu tố nào đã tác động đến quyết định của các nhà đầu tư thời điểm này, bởi chắc chắn số tiền đầu tiên trong vòng gọi vốn của họ có thể lên tới hàng chục thậm chí là hàng trăm triệu USD? Và liệu rằng, MoMo có thể trở thành hình mẫu điển hình cho câu chuyện startup đi gọi vốn và các nhà đầu tư cởi mở hơn với hình thức làm việc trực tuyến và có thêm phương thức để thẩm định cũng như đi đến quyết định đầu tư?

Yếu tố quyết định thành công

Đánh giá về thành công của Momo, ông Trần Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, việc một công ty ở nước ngoài rót hàng chục triệu USD vào một công ty ở Việt Nam mà mọi cuộc làm việc đều theo hình thức trực tuyến là điều chưa từng thấy. Đây đều là những nhà đầu tư có tiếng trên thế giới với nhiều thương vụ thành công lớn. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam khi bước chân vào thị trường quốc tế đã chứng minh được chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm chỉ là một chuyện, MoMo ở thời điểm này cũng có thể coi là hội tụ nhiều yếu tố có thể khiến nhà đầu tư quyết định xuống tiền. Theo nhận định của ông Bùi Thành Đô – CEO của ThinkZone, sau hơn 10 năm hoạt động MoMo có những lợi thế để gọi vốn online so với những startup non trẻ để có được lòng tin tưởng từ nhà đầu tư dù họ không cần hiện diện ở Việt Nam.

“Ở các vòng gọi vốn giai đoạn late stages như series D (vòng gọi vốn thứ tư sau series A, B,C) các chỉ số tài chính, chiến lược chiếm lĩnh thị trường có vai trò quan trọng. Trong đó, chỉ số tài chính với các startup lớn như MoMo, các quỹ đều có thể xác nhận thông tin qua những công ty kiểm toán lớn nên việc gặp trực tiếp cũng không quá cần thiết. Điều này khác với các startup giai đoạn early stage. Khi đó, họ mới có ít nhân sự, công ty phụ thuộc lớn vào đội ngũ sáng lập nên nhà đầu tư thường cần gặp và trao đổi kỹ, cũng như cảm nhận rõ về các founder” – ông Đô nói.

Ở một góc nhìn khác, ông Tùng Trần - Giám đốc Điều hành Quỹ VIC Partners cho biết khi Covid-19 xảy ra, tâm lý của các nhà đầu tư là hạn chế đầu tư mới nếu thương vụ không thực sự hấp dẫn và tập trung hỗ trợ cho các công ty trong danh mục đầu tư của mình. Tâm lý này trong trường hợp của MoMo là khá tương thích khi MoMo tiếp tục nhận đầu tư từ ba cổ đông hiện hữu là Warburg Pincus, Affirma Capital, và Tybourne Capital Management.

Bên cạnh đó, đến quý IV năm 2020 khi tình hình dịch bệnh đã khả quan với những thông tin tích cực từ vaccine thì sự tự tin của các nhà đầu tư đã quay trở lại. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư cũng bắt đầu đi tìm những startup tiềm năng để giải ngân. Thêm nữa, sản phẩm mà MoMo cung cấp là thanh toán điện tử - lĩnh vực đã nhận được nhiều cơ hội khi thương mại điện tử tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Việc thị trường thương mại điện tử tăng trưởng mạnh trong năm 2020 cho thấy, hệ sinh thái fintech mà startup này cung cấp là hợp thời, nhất là trong bối cảnh ví điện tử này đang chiếm thị phần tương đối lớn tại Việt Nam với 23 triệu người dùng.

Đánh giá này của ông Tùng cũng trùng khớp với đại diện ThinkZone khi cho rằng, Momo có thể thuyết phục được các nhà đầu tư dù không cần gặp trực tiếp là bởi họ đã chứng minh được sản phẩm của mình đủ tốt và cho thấy tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này khi hướng tới việc phát triển một hệ sinh thái với nền tảng lõi là thanh toán điện tử trên mọi lĩnh vực của cuộc sống từ tiêu dùng đến y tế, giáo dục, bảo hiểm, tài chính… với mục tiêu “tất cả người dân Việt Nam có thể tiếp cận các dịch vụ và sản phẩm tài chính dễ dàng và rẻ nhất”.

Để có thể gọi vốn thành công như MoMo startup có lẽ cần sự hội tụ của những yếu tố kể trên. Không dễ để nói đây là câu chuyện sẽ phổ biến, nếu số tiền đầu tư lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD nhưng chắc chắn nó sẽ không phải là hi hữu.