Giữa vòng cạnh tranh với những “ông lớn”, Robot3T, một thương hiệu robot công nghiệp do KS. Trương Trọng Toại sáng lập, đã chọn cho mình một hướng đi khác biệt, đó là đưa ra thị trường những dòng robot chuyên dụng vào trong các cơ sở sản xuất siêu nhỏ chỉ khoảng 10-20 nhân công.

Đây không chỉ là cách Robot3T tìm được thị trường mà quan trọng hơn, họ còn thực sự góp phần thay đổi đáng kể việc ứng dụng robot “make in Vietnam”.

Cánh tay Robot dùng cho công nghiệp nhẹ. Ảnh: Robot3T
Cánh tay Robot dùng cho công nghiệp nhẹ. Ảnh: Robot3T

Tìm khách hàng ở phân khúc SME

Câu chuyện ứng dụng robot vào sản xuất ở Việt Nam không còn quá lạ lẫm. Tuy nhiên, đa phần robot được sử dụng trong nước là mua từ các nhà sản xuất nổi tiếng nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam. Mặc dù tiềm năng thị trường robot của Việt Nam rất lớn nhưng các công ty nội địa “không sản xuất, nghiên cứu robot mà chủ yếu chỉ thương mại hóa robot – tức mua về để bán”, theo chia sẻ của TS. Lê Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển PRATI (trường Đại học Phenikaa) trong buổi tọa đàm giữa các chuyên gia trong hệ sinh thái phát triển robot vào cuối tháng 12/2020. Do đó, ông cho rằng việc làm chủ các công nghệ về robot là khoảng trống cần sớm phải lấp đầy.

Rào cản chính của việc ứng dụng robot công nghiệp ở Việt Nam nằm ở chỗ chi phí của một giải pháp robot vẫn đang khá cao và chưa cạnh tranh bằng nguồn nhân lực giá rẻ. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn dừng ở mức sử dụng công nhân để vận hành trực tiếp như thời ‘công nghệ 2.0’.

Trong khi đó, các ứng dụng cơ bản chiếm tỷ trọng khá cao trong quy trình sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu sử dụng robot của các hãng nước ngoài được thiết kế đa năng để phù hợp với nhiều dạng nhiệm vụ khác nhau thì sẽ giống như lấy dao mổ trâu để giết gà. Những robot đó có thể dư thừa về tính năng nhưng lại thiếu các thành phần cần thiết để tích hợp thành một hệ thống robot hoàn chỉnh. Doanh nghiệp SME có thể mạnh dạn bỏ tiền cho một vài robot, nhưng khi có ý định tăng quy mô robot để thay thế con người thì sẽ trở thành bài toán cân nhắc lớn về hiệu quả đầu tư.

Đó là điểm mấu chốt để Robot3T nắm lấy cơ hội. “Ý tưởng của chúng tôi là tạo ra những robot chuyên dụng cho từng nhóm ứng dụng. Bằng cách phân tích và đánh giá thật chi tiết, tỉ mỉ về mỗi ứng dụng; áp dụng các quy trình phát triển sản phẩm tiên tiến để tối ưu hóa giải pháp và sáng tạo cấu hình, chúng tôi chế tạo ra những robot có tính linh hoạt cao trong phạm vi của ứng dụng đó với chi phí phải chăng” KS. Trương Trọng Toại chia sẻ.


Trong bối cảnh nhiều thương hiệu tự động hóa trên thế giới như ABB, Universal Robots, Yaskawa, Kuka Robot đã đến Việt Nam để chiếm thị trường ước tính trên 414.000 robot, việc xuất hiện những tay chơi nội địa như Robot3T nhắm vào phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn không được chú ý nhiều do lợi nhuận thấp có thể là bước chèo chống để kéo gần khoảng cách công nghệ giữa các khu vực doanh nghiệp trong nước.


Bằng cách tư duy này, họ đã thiết kế ra 10 cấu hình robot công nghiệp khác nhau cho các tác vụ chuyên dụng như dập, hàn, tải, cấp phôi... Những cánh tay robot này có giá thấp hơn từ 40 - 60% so với sản phẩm nhập ngoại, năng suất bằng khoảng 2-4 công nhân và thời gian thu hồi vốn đầu tư từ 6-12 tháng. Mặc dù mới thương mại hóa robot từ đầu năm 2019 nhưng đến nay công ty khởi nghiệp này đã bán được trên 100 robot cho hơn 30 khách hàng doanh nghiệp, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất hàng cơ khí tiêu dùng, công nghiệp điện tử, may mặc…

Kỹ sư Trương Trọng Toại đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo sản phẩm Robot3T giúp tự động hóa một số công đoạn trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ đạt hiệu quả cao.Ảnh: Robot3T.com
KS. Trương Trọng Toại đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo sản phẩm Robot3T giúp tự động hóa một số công đoạn trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ đạt hiệu quả cao.Ảnh: Robot3T.com

“Đa phần các công ty trong nước rất ủng hộ sử dụng hàng Việt Nam, nên khi có đề xuất cho phép thử nghiệp robot thì hầu như những đối tác của chúng tôi đều đồng ý. Các doanh nghiệp cùng ngành đã giới thiệu cho nhau, dần dần mở rộng nhu cầu về ứng dụng robot của công ty mình”, anh Toại chia sẻ.

Một điểm cộng nữa cho Robot3T là chi phí thời gian. Nếu mua các robot của hãng nước ngoài, họ sẽ cần thông qua một công ty tích hợp hệ thống để đồng bộ thiết bị thành một hệ thống robot hoàn chỉnh. Tất cả quá trình này có thể mất từ 12-16 tuần. Trong khi đó, với sản phẩm có tỉ lệ nội địa hóa cao, sẵn có nền tảng về thiết kế cơ khí, phần cứng, phần mềm và các chuẩn giao tiếp công nghiệp, đại diện Robot3T cho biết họ chỉ mất 3-4 tuần để hoàn thiện đơn hàng với những nhóm ứng dụng đã phát triển và 8-10 tuần để xây dựng những ứng dụng mới theo yêu cầu.

Với mong muốn xây dựng một “thương hiệu quốc gia”, Robot3T đặt tham vọng chiếm từ 40-50% thị phần robot chuyên dụng tại Việt Nam trong 3-5 năm tới. Mặc dù chưa thể đoán định được chắc mức độ khả thi của doanh nghiệp này nhưng những bước tiến hiện nay về chất lượng sản phẩm cũng hé lộ phần nào tiềm năng hiện thực hóa của họ. Từ những thử nghiệm nho nhỏ ban đầu ở các doanh nghiệp SME chỉ với 10-20 nhân công, Robot3T đã thuyết phục được cả những tập đoàn FDI ở Việt Nam sử dụng, nổi bật trong đó là hai nhà sản xuất cảm biến và linh kiện điện tử toàn cầu Premo (Tây Ban Nha) và Pepperl+Fuchs (Đức). Premo hiện có ba nhà máy trên thế giới, hai trong số đó nằm tại Morocco và Trung Quốc. Sau khi ứng dụng robot trên dây chuyền ở Việt Nam, hãng đã đưa robot này đến dây chuyền ở Morocco. Tương tự, nhà máy Pepperl+Fuchs ở Việt Nam cũng đã giới thiệu robot này đến công ty cấp trên Pepperl+Fuchs châu Á để có cơ hội áp dụng sang các dây chuyền khác tại Singapore, Trung Quốc và Indonesia.

Cố gắng làm chủ tối đa công nghệ

Có lẽ, khi nhìn vào những thành quả ban đầu của Robot3T, ai cũng dấy lên trong đầu câu hỏi “Làm thế nào mà Robot3T thương mại hóa được trong khi không ít ý tưởng robot khác đều dừng lại ở khâu nghiên cứu?”.Trước câu hỏi này, anh Toại cho rằng có hai lý do khiến các nghiên cứu trước đó chưa thể đi tiếp. Một là những đề tài đã có trong các trường đại học, viện nghiên cứu thường chỉ giải quyết một khía cạnh nhỏ của robot, trong khi một sản phẩm tổng thể đòi hỏi nhiều hơn thế. Hai là gần như các đề tài thiếu về nghiên cứu và thử nghiệm độ ổn định và độ tin cậy, vốn là những tiêu chuẩn rất quan trọng khi áp dụng robot vào môi trường công nghiệp.

Để vượt qua được trở ngại đó, anh cho biết bí quyết của mình là tập hợp được mạng lưới chuyên gia đa dạng: “Robot là một lĩnh vực đa ngành, do vậy cần rất nhiều chuyên môn liên quan - từ cơ khí, vật liệu, điện-điện tử, tự động hóa cho đến công nghệ thông tin. Một người không thể nắm hết được kiến thức và kinh nghiệm ở những lĩnh vực rất đa dạng như vậy nên chúng tôi phải dựa vào sức mạnh của nhiều người”. Với đội ngũ R&D trên 15 kỹ sư và 30 chuyên gia từ nhiều viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước, Robot3T đã có được những bước định hình cơ bản ban đầu. Sau hơn ba năm thử nghiệm, cuối cùng các nhà sáng lập đã bắt đầu làm chủ công nghệ robot, đáp ứng được các tiêu chuẩn công nghiệp.

“Sự chủ động về mặt công nghệ là yếu tố quan trọng để giảm chi phí sản xuất robot xuống mức vừa khả năng chi trả của khách hàng. Bên cạnh đó, khi làm chủ được những nền tảng này, chúng tôi có thể tạo ra được những giải pháp sáng tạo mới”, anh Toại nhấn mạnh.

Điều đáng chú ý là việc làm chủ công nghệ ở đây không hẳn là một cách nói chung chung mơ hồ mà có mốc định lượng rất cụ thể. Tỷ lệ nội địa hóa của Robot3T lên tới 70-80%, trong đó thành phần cốt lõi là các phần mềm nhúng về điều khiển tự động. Không những thế, họ cũng chủ động được khâu thiết kế bo mạch – vốn là ưu thế của mỗi hãng robot, từ đó nhập khẩu các vật tư phụ kiện công nghệ cao để lắp ráp bo mạch điện tử. Tuy nhiên làm chủ công nghệ không có nghĩa là tự làm từ A đến Z, với các chi tiết gia công cơ khí hoặc ngoại vi tích hợp đơn giản, họ vẫn hợp tác với các doanh nghiệp nội địa khác.

Từng bước mở rộng thị trường

Robot3T có nhiều mục tiêu để hướng tới. KS. Trương Trọng Toại cho biết tập trung vào robot công nghiệp mới là chiến lược ngắn hạn của công ty. Nhìn ra được viễn cảnh dần dần robot sẽ ứng dụng phổ biến vào cuộc sống như một thiết bị dân dụng, vị giám đốc công ty tự hào nói: “Robot công nghiệp tạo tiền đề rất tốt để chúng tôi phát triển các dòng sản phẩm robot cho thị trường mới”.

Họ đang bắt đầu tích hợp những công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp kết nối vạn vật IoT vào robot. Cùng với đó, các kỹ sư ở đây cũng bắt tay vào những ứng dụng robot cụ thể, trước hết trong lĩnh vực sản xuất thông minh (Smart Manufacturing) và Y học từ xa - Chăm sóc sức khỏe tại nhà (Telehealth & In-home healthcare).

Khi được hỏi về nhu cầu gọi đầu tư, anh Toại cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi đã và đang nhận được một số nguồn tài trợ cho các dự án R&D robot, bao gồm Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Sở KH&CN TP.HCM và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF). Ngoài ra, cũng có một số công ty đặt hàng để nghiên cứu và phát triển những giải pháp và sản phẩm chuyên dụng cho các nhu cầu thực tế của nhà máy về tự động hóa và robot”. Tuy vậy, để mở rộng quy mô phát triển, họ cũng đang tìm kiếm các nhà đầu tư phù hợp.

Nhưng một điều băn khoăn mà người viết chia sẻ với giám đốc công ty này là dường như đội ngũ của họ đang dồn lực về phát triển sản phẩm mà chưa quá chú trọng đến các mảng bổ trợ khác? Anh bộc bạch rằng từ đầu năm nay, các hoạt động về thương mại, marketing và quản trị mới bắt đầu được triển khai và xây dựng nhiều hơn. Là một doanh nghiệp khởi nghiệp đã ở giai đoạn phát triển, anh Toại hi vọng những chương trình hỗ trợ startup sẽ có những cơ chế nhắm đúng đến các nhu cầu đặc thù này để tạo ra động lực mạnh mẽ hơn, không chỉ cho Robot3T mà còn nhiều doanh nghiệp tương tự./.

Mật độ Robot công nghiệp của Việt Nam còn thấp so với khu vực châu Á

Mật độ robot - thước đo thực sự để so sánh quy mô tương đối của các thị trường tại các nền kinh tế khác nhau - chỉ ra khoảng cách rất lớn của Việt Nam với các quốc gia khác. Theo báo cáo World Robotics mới nhất của Liên đoàn Robot Quốc tế IFR, tính đến hết năm 2019, châu Á là khu vực có mật độ robot công nghiệp trong ngành chế biến chế tạo cao nhất, với trung bình 118 robot trên 10.000 lao động.

Các quốc gia châu Á có mật độ robot cao nhất hiện nay là Singapore (918 robot, chủ yếu trong ngành điện tử) và Hàn Quốc (855 robot, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất). Nói tóm lại, cứ 10 công nhân ở hai quốc gia này thì có khoảng 0,9 là robot, với mỗi robot có thể làm công việc của khoảng 15 người không ngừng nghỉ. Tỷ lệ robot ở Nhật Bản (364 robot) và Trung Quốc (187 robot) nhỏ hơn đáng kể. Tuy vậy, ở Việt Nam, con số này thuộc nhóm thấp trong khối các nước ASEAN-6, ước tính khoảng dưới vài chục robot trên 10.000 lao động.