VinFast đang khắc phục lỗi phần mềm khiến màn hình trung tâm có thể trống trơn thông tin, dẫn đến việc phải triệu hồi lô xe đầu tiên xuất xưởng sang Mỹ. Lỗi này sẽ được khắc phục qua mạng, khách hàng không cần mang xe đến đại lý.

Nội thất xe điện VF8 của VinFast. Ảnh: L.P
Nội thất xe điện VF8 của VinFast. Ảnh: L.P

Theo Reuters, nhà sản xuất xe điện VinFast của Việt Nam đang triệu hồi lô xe VF 8 được xuất xưởng sang Mỹ vào tháng 12 năm ngoái, sau khi Cơ quan Quản lý An toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) cảnh báo lỗi phần mềm, khiến màn hình trung tâm của bộ phận giải trí đa chức năng có thể không hiển thị một số thông tin an toàn quan trọng và làm tăng nguy cơ va chạm.

Đây là lô 999 xe điện VF 8 City Edition đầu tiên được xuất sang Mỹ - trong đó 111 xe đã được giao đến tay khách hàng, 153 xe đang trong diện cho thuê và hoặc thuộc sở hữu của các doanh nghiệp để chạy dịch vụ, và 735 chiếc còn lại vẫn thuộc quyền quản lý của VinFast.

Trong một văn bản trả lời Reuters, VinFast cho biết họ đã ban hành lệnh triệu hồi an toàn tự nguyện đến khách hàng.

Trong các tài liệu nộp cho NHTSA, VinFast cho biết họ nhận thức được vấn đề bảng điều khiển lần đầu tiên vào ngày 27/4 khi đọc các bình luận và phản hồi của khách hàng. Theo thông tin từ NHTSA, vấn đề đã được VinFast ghi nhận 18 lần, dù "chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về sự cố xảy ra trên thực địa".

Một người dùng cho biết, màn hình trung tâm của bộ phận giải trí đa chức năng không hiển thị thông tin. VinFast quyết định theo dõi thêm các khiếu nại và trong khoảng thời gian từ ngày 29/4 đến ngày 2/5 đã phát hiện thêm 4 vấn đề về màn hình trống trơn thông tin từ khách hàng.

Đáng chú ý, VinFast VF 8 vẫn còn một màn hình HUD nhưng màn hình trung tâm mới là màn hình chính duy nhất trong xe.

Thông thường, khi do lỗi phần mềm, màn hình có thể không hiện thị các thông tin quan trọng, thì người lái chỉ cần khởi động lại xe, màn hình sẽ hoạt động trở lại. Nhưng trong trường hợp VF 8, vấn đề này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dù xe đang di chuyển hay dừng đỗ, trở thành mối lo ngại về các vấn đề an toàn.

NHTSA cho biết VinFast sẽ giới thiệu bản cập nhật phần mềm để khắc phục sự cố. Bản sửa lỗi phần mềm dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 25/5 và thư thông báo sẽ được gửi đến chủ sở hữu xe vào ngày 29/5. Các xe được cập nhật phần mềm từ xa, không cần đến đại lý.

Tuyên bố triệu hồi xe được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi VinFast thông báo sẽniêm yết tại Mỹthông qua việc sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC) Black Spade Acquisition Co (mã chứng khoán BSAQ).

Tháng Hai năm nay, VinFast cũng đã triệu hồi hơn 2.700 xe VF8 bán trong nước vì sự cố phanh trước của một số mẫu xe.

VinFast, được thành lập vào năm 2017 và bắt đầu bán xe điện tại California trong năm nay. Mới đây, đã có thêm1.098 xe VF 8 phiên bản Eco và Plus đến Mỹ với thông số quãng đường di chuyển theo tiêu chuẩn EPA cao hơn so với phiên bản trước. VinFast cũng cho biết đang có kế hoạch vận chuyển những chiếc xe đầu tiên của mình đến châu Âu vào tháng 7/2023.

Triệu hồi - một phần của ngành công nghiệp ô tô

Hầu hết các vụ triệu hồi xe trên thế giới đều liên quan đến các hỏng hóc "tiềm ẩn" và thường không phải là kết quả của một tai nạn đáng tiếc.

Ở mức "nguy cơ", Rolls-Royce Cullinan từng bị triệu hồi do đèn phanh không đủ độ sáng.

Ở mức "nghiêm trọng", hàng triệu mẫu xe của Toyota, Mercedes, Ford và Honda đã bị triệu hồi khi có lỗi túi khí, có thể khiến người ngồi trong xe bị chấn thương trong trường hợp xảy ra tai nạn.

Lô xe điện thứ hai của VinFast đến Mỹ vào tháng 5/2023. Ảnh: T.T
Lô xe điện thứ hai của VinFast đến Mỹ vào tháng 5/2023. Ảnh: T.T

Các hãng xe điện còn non trẻ thì càng đối mặt với nhiều vấn đề rủi ro, không chỉ liên quan đến phần cứng mà cả phần mềm.

Năm 2021, xe điện của hai hãng Hyundai KonaChevy Bolt EV bị triệu hồi do các bộ pin có nguy cơ dễ bị cháy.

Giai đoạn 2022-2023, hãng xe điện biểu tượng là Tesla đã triệu hồi hơn 450.000 xe tại Trung Quốc để sửa lỗi phần mềm có thể khiến đèn đuôi xe không sáng, và hơn 362.000 xe khác tại Mỹ có cài đặt phần mềm tự lái làm cho xe dừng quá chậm, tăng nguy cơ gây tai nạn. Tháng Năm này, Tesla cũng tiếp tục triệu hồi một số mẫu xe có cường độ tín hiệu camera yếu, hình ảnh chiếu hậu có thể không xuất hiện trên màn hình, gây ra vấn đề về tầm nhìn phía sau khi lùi và gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Khi việc triệu hồi được triển khai, các công ty sẽ chịu toàn bộ chi phí kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế phần mềm và phần cứng. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, hãng sẽ phải hoàn tiền cho khách hàng. Tuy không nhiều nhưng vẫn có trường hợp hãng xe bắt buộc phải mua lại xe lỗi.

Triệu hồi có thể là một tin tốt đối với các chủ sở hữu xe vì nó giúp ngăn chặn nguy cơ trước khi xảy ra. Các chủ xe có thể hợp tác với nhà sản xuất để xe được khắc phục lỗi nhanh nhất. Khách hàng thường sẽ nhận được thông báo về lệnh triệu hồi thông qua email hoặc điện thoại. Đối với các đợt triệu hồi lớn, chủ xe có thể theo dõi qua các phương tiện truyền thông hoặc kênh thông tin của nhà sản xuất.

Ngày nay, triệu hồi đã trở thành một phần của ngành công nghiệp ô tô bởi không một hãng xe nào dám khẳng định sản phẩm của họ luôn hoàn hảo.