Công ty khởi nghiệp Selex đang đặt cược vào việc hoán đổi pin như một giải pháp để cung cấp năng lượng và phổ biến xe điện Việt Nam.
Chỉ sau một tuần sử dụng, shipper Huy Trần đã vô cùng yêu thích chiếc xe máy điện của mình. Chiếc xe hai bánh chạy bằng pin, không gây tiếng ồn hoặc xả ra bất kì loại khí nào. Nó có khung xe rộng để chở hàng hóa đến các địa điểm trong vòng bán kính vài chục km và có thể theo dõi thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh. Hơn hết, nó chỉ mất 2 phút để sạc đầy.
Đó là bởi vì Selex Motor, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Hà Nội, đã bán cho anh chiếc xe máy điện Selex Camel với gói đổi hai pin tự sạc, cho phép Huy Trần đi tối đa 3000km với chi phí là 650,000 VND/tháng (áp dụng trong chương trình mua sớm giảm giá 50%).
Mỗi ngày, khi người thanh niên 24 tuổi này đi chở hàng ở các quận nội thành Hà Nội, ứng dụng của anh sẽ xác định trạm đổi gần nhất có pin sạc dự phòng. Huy Trần sẽ rút pin đã cạn kiệt từ xe điện, quét mã QR và lắp chúng vào một ngăn tủ đổi pin thoạt nhìn giống như máy bán hàng tự động, sau đó lấy một khối pin khác đã sạc đầy để lắp vào xe. Tất cả các thao tác chỉ mất chưa đến hai phút, anh lại lên đường với phạm vi 150km di chuyển mới.
Nếu không có các trạm đổi pin, Huy Trần có lẽ đã không mua một chiếc xe điện. Trong hơn bốn năm, anh lái chiếc xe máy chạy xăng và có thể tạt vào bất kỳ cây xăng nào trên đường để đổ. Anh nghe nói đến xe điện từ lâu và cũng khá hào hứng tới lợi ích mà nó đem lại cho môi trường nhưng vẫn thấy ngần ngừ vì không biết xử lý thế nào nếu đột ngột hết pin giữa đường. Với chiếc xe điện mới của Selex, anh nói rằng “dịch vụ đổi pin thực sự hấp dẫn vì nó thuận tiện và tiết kiệm được rất nhiều thời gian”.
Huy Trần là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam chuyển sang xe điện với sự trợ giúp của các trạm hoán đổi pin nhanh. Khác với ô tô điện rất khó can thiệp vào pin, các loại xe hai bánh và ba bánh cực kỳ phù hợp với việc đổi những khối pin nhỏ, nhẹ và dễ dàng tháo lắp. Đó là lý do mà rất nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đang xuất hiện những công ty xe điện hoán đổi pin cho phân khúc xe hai bánh.
Năm 2020, chỉ 2% xe hai bánh ở Đông Nam Á là xe điện, tuy nhiên BloombergNEF dự kiến con số đó sẽ đạt 20% vào năm 2030, một phần nhờ vào mô hình hoán đổi pin.
Giải pháp đổi pin đột phá
Selex Motor là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên áp dụng mô hình đột phá này. Họ tiết lộ, các khối pin tiêu chuẩn của mình có thể tương thích với 70% xe máy điện khác trên thị trường. Pin Lithium-ion được sản xuất trong nước với công nghệ bản quyền do các kỹ sư người Việt sáng tạo ra, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe về độ an toàn cho người sử dụng. Với chu kỳ tới 2000 lần sạc – xả, mỗi khối pin của Selex có vòng đời lên tới 10 năm.
Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO của Selex nói rằng việc người lái xe có thể đăng ký quyền truy cập pin theo ý muốn sẽ giúp cho việc phổ biến xe điện dễ dàng hơn về mặt tài chính, vì pin thường chiếm khoảng một nửa chi phí của xe điện.
Với mô hình này, người ta có thể mua một chiếc xe điện với chi phí thấp (khoảng 20 triệu đồng) và trả thêm một khoản phí nhỏ hàng tháng để thuê hoặc đổi pin với hãng xe. Gánh nặng về quản lý hiệu suất, bảo quản và nạp năng lượng pin sẽ rời từ vai người tiêu dùng đến công ty.
Đối với Selex, điều này cũng giúp họ giải quyết bài toán đau đầu khi phát triển hạ tầng cho xe điện. Một số công ty xe điện không đổi pin mà xây dựng trạm sạc để sạc trực tiếp điện vào xe. Các trạm sạc này khá phức tạp, phải đấu vào lưới điện có công suất cao và chi phí cũng khá đắt đỏ. Khi số lượng người dùng xe điện tăng lên, các trạm sạc sẽ gây căng thẳng với lưới điện, đặc biệt là giờ cao điểm.
Trung Quốc đã chứng kiến vấn đề này trong đợt nắng nóng kỷ lục năm ngoái. Như một hiệu ứng dây chuyền, thời tiết bất lợi ở Tứ Xuyên khiến sản lượng thủy điện của các nhà máy sụt giảm, gây thiếu điện sinh hoạt trên diện rộng, và chính quyền địa phương buộc phải ra lệnh dừng các trạm sạc xe điện vào một số khung giờ nhất định. Ở Việt Nam, tình trạng thiếu điện cũng thường xuyên xảy ra vào tháng 5-7 ở miền Bắc.
Nhưng với mô hình đổi pin, Selex có thể nhanh chóng mở rộng hệ thống trạm để đuổi kịp nhu cầu thị trường. “Xây dựng các trạm đổi pin có chi phí thấp và ít ràng buộc với lưới điện hơn. Chỉ mất vài ngày để thiết lập một trạm đổi pin. Khi quy mô mở rộng, chúng tôi có thể đem pin đến nạp tập trung ở những trang trại điện lớn ở ngoại thành rồi chở vào thành phố mỗi ngày”, Nguyễn Hữu Phước Nguyên cho biết.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc Selex hoàn toàn có khả năng lựa chọn xem điện của mình có “sạch” hay không. “Khi nói đến xe điện, rất nhiều người lo ngại liệu nó có cắm vào nguồn điện chạy bằng than. Nếu thế thì lợi ích khí hậu của việc dùng xe điện sẽ không lớn, thậm chí còn có thể tạo phản ứng ngược gây ô nhiễm hơn khi số lượng xe tăng cao”, chuyên gia năng lượng Vũ Chi Mai, Trưởng hợp phần Năng lượng Tái tạo (Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ) bình luận trong một tọa đàm năm ngoái.
CEO của Selex nói rằng trong giai đoạn khởi điểm hiện nay, họ vẫn đang sử dụng hệ thống điện thông thường nhưng trong tương lai khi quy mô đủ lớn, công ty sẽ tính đến giải pháp mua điện tái tạo từ các trang trại điện mặt trời như ở Bình Thuận để dùng cho nhu cầu tại Hà Nội, TPHCM…
Thành lập khi thị trường Việt Nam chưa có bất kì hãng xe điện trong nước nào, Selex đã mất 6 năm để hoàn thiện tất cả công nghệ về động cơ, pin và trạm đổi pin của mình. Công ty này đã thiết lập một nhà máy ở Gia Lâm (Hà Nội) để sản xuất xe máy điện và bộ pin lithium-ion với công suất 20.000 xe và 100.000 khối pin/năm.
Selex đang thử nghiệm những sản phẩm đầu tiên với đối thủ nặng ký là Lazada. Họ cũng đã ký cam kết thử nghiệm xe máy điện với một số ứng dụng giao hàng nổi tiếng như Baemin và Grab ở TP.HCM. Số xe điện triển khai trong năm 2023 không được tiết lộ.
Startup này hiện có khoảng 30 trạm đổi pin tại Hà Nội và hơn 20 trạm tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên cuối tháng trước, Selex vừa huy động thành công
3 triệu USD trái phiếu chuyển đổi từ các quỹ nước ngoài. Một phần số tiền này để được dùng để thiết lập một loạt hệ thống hoán đổi pin tại các thành phố trọng điểm trên khắp Việt Nam. “Nếu giải được bài toán độ phủ thì xe điện sẽ cạnh tranh sòng phẳng với xe xăng”, CEO Selex khẳng định.
Tư duy của thị trường Việt Nam khá khó khăn với những người tiên phong, nhất là trong việc chuyển đổi một tài sản gắn bó mật thiết với đời sống thường ngày như xe máy. Khi Nguyễn Hữu Phước Nguyên và hai đồng sáng lập thiết kế những chiếc xe điện đầu tiên vào năm 2018, việc áp dụng xe điện ở Việt Nam bị hạn chế bởi chi phí trả trước quá cao và cơ sở hạ tầng sạc hầu như không có. Họ đã mất nửa thập kỷ để phát triển một doanh nghiệp có thể phá vỡ những rào cản đó.
Nhìn lại quá khứ, Selex đã chọn logistics làm phân khúc đầu tiên để vào thị trường vì chúng rất rõ ràng và hữu hiệu. Nhưng startup này có tham vọng bán những chiếc xe điện cho bất kỳ người dùng nào. Đội ngũ kỹ sư của công ty đang ra sức phát triển những mẫu xe cá nhân mới có chất lượng tốt và hợp thời trang. Điều đó có nghĩa là trong tương lai, Selex sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với những hãng xe điện nội địa như DatBike và Vinfast.