Từ các dược liệu Xấu hổ, Vông nem, Hậu phác nam, Cam thảo nam, nhóm tác giả ở Đại học Y Dược TPHCM đã bào chế ra viên nang điều trị mất ngủ, có thể thay thế thuốc có nguồn gốc hóa dược.

Mất ngủ do nhiều nguyên nhân gây ra. Hiện tượng này diễn ra quá lâu sẽ khiến con người trở nên mệt mỏi, dễ cáu gắt, khó tập trung và gây ra nhiều hậu quả sức khỏe nghiêm trọng khác. Mất ngủ có thể do trầm cảm, lo âu, căng thẳng và một số bệnh lý như tim mạch, tuyến giáp, dạ dày,…

Để điều trị mất ngủ hiệu quả, cần tìm nguyên nhân gây bệnh chính xác. Nếu do bệnh lý, người bệnh cần được điều trị dứt điểm bệnh lý để có giấc ngủ ngon. Một số trường hợp cần phải sử dụng thuốc đến thuốc an thần.

Thị trường trong nước hiện có nhiều sản phẩm thuốc an thần với nguồn gốc hóa dược. Những thuốc này cho hiệu quả tốt, nhanh, tuy nhiên nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây một số tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, nhiều người có xu hướng chuyển sang sử dụng thảo dược tự nhiên bởi ưu điểm an toàn, lành tính, hiệu quả bền vững.

c
Các loại thảo dược (từ trên xuống, từ trái qua: xấu hổ, vông nem, hậu phác nam, cam thảo nam) được sử dụng để điều chế viên nang chống mất ngủ. Ảnh: Internet

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng về thuốc an thần từ dược liệu, nhóm tác giả ở Đại học Y Dược TPHCM đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu bào chế viên nang và đánh giá tác dụng an thần từ thang thuốc điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, Vông nem, Hậu phác nam và Cam thảo nam".

Một số nghiên cứu cho thấy tác dụng của những loại cây như Xấu hổ giúp giảm lo âu, trầm cảm, tăng cường trí nhớ; Cam thảo nam có tác dụng an thần, giải lo âu; Vông nem có công dụng giảm lo âu và chống trầm cảm.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các nguyên liệu Xấu hổ, Vông nem, Hậu phác nam và Cam thảo nam được chiết thành cao dược liệu, sau đó bào chế thành viên nang. Nghiên cứu cho thấy, cao chiết dược liệu (cao đông khô quy về 0% độ ẩm) không thể hiện độc tính đường uống với liều tối đa 18,16g/kg thể trọng chuột thí nghiệm.

V
Viên nang an thần. Ảnh: NNC

Cùng với một số tá dược và tỷ lệ phù hợp, nhóm đã xây dựng được công thức bào chế viên nang cứng hỗ trợ điều trị mất ngủ từ bốn loại thảo dược trên. Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng đực và cái với liều 1 viên/kg và 2 viên/kg mỗi ngày một lần, liên tục trong 60 ngày, cho kết quả chuột phát triển bình thường; không thể hiện sự bất thường về hành vi, thể trạng tổng quát, chức năng gan, thận và công thức máu.

Đánh giá tác dụng an thần, giải lo âu, chống trầm cảm trên chuột bị stress cô lập (nuôi nhốt riêng biệt), viên nang liều 1 viên/kg và 2 viên/kg giúp hồi phục giấc ngủ, tương tự như diazepam. Đặc biệt, liều 1 viên/kg thể hiện tác dụng giải lo âu rõ rệt hơn, và cả hai liều đều có tác dụng chống trầm cảm. Dựa trên kết quả dược lý, liều dự kiến cho người là uống ngày 2 lần, mỗi lần 2-4 viên, vào buổi tối và 60 phút trước khi ngủ.

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.