Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn - Đại học Y Dược TP.HCM đã tìm kiếm những cách chế biến phù hợp để biến tam thất trở thành một loại dược liệu có khả năng kháng ung thư hiệu quả.
Được người xưa gọi với cái tên “kim bất hoán” - có vàng cũng không đổi, tam thất từ lâu đã nổi tiếng như một vị thuốc quý có thể giúp cầm máu, giảm đau, tiêu sưng, chữa sốt rét rừng, đau bụng…
“Đây là một dược liệu khá đặc biệt, bởi gần như toàn bộ các bộ phận của dược liệu này đều có thể sử dụng được”, TS. Lê Thị Hồng Vân (Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn - Đại học Y Dược TP.HCM) chia sẻ tại sự kiện Hợp tác công nghệ chủ đề “Quy trình công nghệ sản xuất cao định chuẩn và chế phẩm Cao lỏng từ Tam thất chế (Processed Panax notoginseng) hỗ trợ điều trị ung thư” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức. “Phần lớn người dân Việt Nam đã từng nghe đến nụ hoa tam thất - một loại nguyên liệu làm trà thảo dược. Gần đây, những sản phẩm được bào chế từ vỏ, củ, lá của tam thất cũng được sử dụng nhiều để làm mỹ phẩm, vị thuốc Đông Y”.
Bên cạnh các tri thức bản địa, chị cho biết nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng tam thất có nhiều tác dụng dược lý quan trọng. Tương tự các dược liệu thuộc chi Panax khác, Tam thất có thành phần hóa học chính là các saponin thuộc nhóm dammaran có cấu trúc protopanaxadiol (PPD) và protopanaxatriol (PPT) với hơn 80 saponin khác nhau đã được phân lập, trong đó các thành phần chính là ginsenosid Rb1, -Rd, -Rg1, notoginsenosid R1… Do đó, tam thất có những tác dụng dược lý đặc trưng của chi Panax như tăng lực, chống trầm cảm, tăng sinh thích nghi, tác dụng chống oxy hóa. Trong các nghiên cứu tác dụng điều hòa miễn dịch in vitro và in vivo, Tam thất có tác dụng kích thích miễn dịch, rút ngắn thời gian đông máu. [1]
Tuy nhiên, một trong những tác dụng của tam thất được các nhà khoa học thế giới đặc biệt quan tâm nghiên cứu là tác dụng chống ung thư. Bởi lẽ, tam thất có tác dụng làm giảm kích thước khối u trên chuột nhắt gây ung thư bằng cách cấy vào tế bào ung thư ác tính. Trong các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã chứng minh rằng Tam thất còn làm hạn chế sự di căn của tế bào ung thư và kéo dài thời gian sống ở chuột bị ung thư.
Điều này đã khơi gợi cho TS. Lê Thị Hồng Vân và các đồng nghiệp ý tưởng phát triển sản phẩm từ tam thất trồng tại Việt Nam để giúp hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các nhà khoa học phải giải quyết được một câu hỏi quan trọng: Nên chế biến tam thất theo dạng nào để có thể gia tăng tác dụng kháng ung thư một cách hiệu quả?
“Trên thị trường Việt Nam, đa phần người dân vẫn quen sử dụng tam thất ở dạng thô như dùng nguyên củ, hoặc xay bột ra sử dụng. Một số công ty dược phẩm thì chế biến các sản phẩm từ tam thất như sản phẩm viên nang, viên nén có kết hợp với một số dược liệu như nghệ, đan sâm trong điều trị các bệnh liên quan đến máu huyết, bệnh tim mạch như phòng ngừa và điều trị các chứng đau thắt ngực, tim hồi hộp; phòng ngừa và điều trị bệnh xơ vữa mạch vành…”, TS. Lê Thị Hồng Vân phân tích. “Tuy nhiên một nhược điểm lớn của viên nang đó là nó sẽ giới hạn liều lượng sử dụng, rất khó để điều chỉnh theo nhu cầu”.
Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu về các cách sơ chế nhân sâm (Panax Ginseng), một loại thuốc quý khác cũng cùng chi Panax với tam thất, để tìm kiếm phương án phù hợp. Hiện tại, nhân sâm ở Hàn Quốc được chế biến và sử dụng theo bốn cách phổ biến: nhân sâm tươi, bạch sâm, hồng sâm và hắc sâm. Với mỗi cách chế biến, sản phẩm sẽ có hàm lượng saponin khác nhau.
“Có rất nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tam thất chế biến theo kiểu hồng sâm (hấp ở nhiệt độ cao) có tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ung thư (in vitro) và ức chế tăng trưởng khối u (in vivo) trên nhiều dòng tế bào ung thư”, TS. Lê Thị Hồng Vân cho biết. Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, các nhà khoa học kết luận rằng việc chế biến tam thất dạng cao lỏng hồng sâm sẽ cho hiệu quả trong hấp thu hơn so với các dạng bào chế viên nén, viên nang.
Cần thêm nhiều thử nghiệm
Ngay từ đầu, TS. Lê Thị Hồng Vân đã xác định rằng không phải bất cứ tam thất nào cũng có thể cho ra thành phẩm như mong muốn. Để chế biến dạng hồng sâm, họ phải lựa chọn nguyên liệu tam thất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Để làm được điều đó, chị và các đồng nghiệp đã lặn lội thu 31 mẫu dược liệu tam thất tươi, khô từ các vùng nguyên liệu khác nhau ở cả Việt Nam và Trung Quốc để đánh giá chất lượng. Từ đây, nhóm nghiên cứu đã phân lập được tám chất tinh khiết làm chất chuẩn cho việc xây dựng tiêu chuẩn nguyên liệu đầu vào. “Các tiêu chuẩn này đã được thẩm định bởi cơ quan độc lập là Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM”, TS. Lê Thị Hồng Vân khẳng định.
Nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn cũng đã khảo sát quy trình chế biến tam thất dựa vào sự thay đổi hàm lượng ginsenosid và sự thay đổi hoạt tính ức chế phát triển tế bào ung thu phổi A549, ung thư vú MDA-MB-231, từ đó lựa chọn ra điều kiện chế biến phù hợp là hấp tam thất ở 1200oC trong 4 giờ.
Bằng cách hấp này, quá trình gia nhiệt sẽ làm cho những thành phần hoạt chất chống ung thư trong tam thất được chuyển hóa thành những thành phần có hoạt tính mạnh hơn so với dạng tam thất thô ban đầu.
Kết quả, họ đã thu được cao tam thất dạng lỏng chứa 88,3 mg saponin, có khả năng hấp thu vào cơ thể nhanh hơn so với dạng viên đang có trên thị trường. Sau quá trình chế biến, nhiều thành phần saponin mới đã được hình thành như G-Rh2, GRh1, G-Rk1, G-Rg5… - có tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ung thư in vitro và in vivo. Chế phẩm được định hướng hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị ung thư với liều sử dụng dự kiến khoảng 2-3 lần/ngày.
Từ đây, nhóm đã thiết lập năm tiêu chuẩn cơ sở với các chỉ tiêu cơ bản của nguyên liệu dược liệu và cao chiết của Nguyên liệu Tam thất, Tam thất chế, Cao định chuẩn Tam thất chế, Cao đặc Tam thất chế, và Cao lỏng Tam thất chế.
Các đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn của cao đặc tam thất, cao lỏng thành phẩm; và khảo sát độc tính cấp đường uống đã cho thấy cao chiết tam thất không thể hiện độc tính cấp đường uống trên chuột nhắt với liều tối đa có thể qua kim là 200 ml cao lỏng/kg và 55g cao đặc/kg.
Hiện nay, Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn cho biết họ đang tìm kiếm đối tác để tiếp tục phát triển sản phẩm ở pha tiếp theo, đó là sản xuất thực nghiệm cũng như thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân. TS. Lê Thị Hồng Vân nhận định chi phí ước lượng của sản phẩm tam thất chế biến chỉ vào khoảng 40.000 đồng/ngày (trong đó chi phí nguyên vật liệu chiếm 5-60%).[2]
Dù đã thu được những kết quả khả quan, nhưng nhóm nghiên cứu hiểu rõ rằng họ vẫn còn một quãng đường rất dài để có thể đưa sản phẩm rộng rãi ra thị trường. TS. Nguyễn Thành Vũ (Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. HCM) cho rằng trước mắt nhóm nghiên cứu cần đánh giá các giai đoạn ung thư của bệnh nhân để đưa ra khuyến cáo về cách dùng, liều dùng phù hợp, cũng như ổn định các dược chất khống chế ung thư để đảm bảo tính hiệu quả khi sử dụng.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Đào Văn Tuyết (Đại học Quốc tế Sài Gòn) đề xuất các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm các công năng, tính chất hỗ trợ điều trị ung thư ở từng vị trí cụ thể trên cơ thể người, đồng thời “cần làm chủ nguồn nguyên liệu đầu vào của tam thất”.
Nếu thành công, sản phẩm tam thất đã chế biến rất có thể sẽ trở thành một dược liệu hiệu quả có tiềm năng xuất khẩu, nhất là khi tam thất sở hữu hàm lượng saponin cao hơn gấp đôi so với nhân sâm, và đồng thời có một số tác dụng đặc biệt mà nhân sâm không có, trong khi đó giá thành lại rẻ hơn so với nhân sâm Hàn Quốc.
Chú thích:
[1] https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/cao-long-tam-that-ho-tro-dieu-tri-ung-thu/
[2] https://test.cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS1/tphcm-tim-co-hoi-hop-tac-phat-trien-cong-nghe-chuyen-giao-cong-nghe-cao-chiet-tam-that-che-ho-tro-dieu-tri-ung-thu-acada4c3-c928-4888-bbe7-5eb780293bf4