Những con robot lấy cảm hứng từ rắn, chim, côn trùng, … sẽ sớm được bổ sung vào biên chế quân đội Hàn Quốc để hỗ trợ và sát cánh cùng binh sĩ Hàn Quốc trên chiến trường.

Hôm 12/05, DAPA (Cục quản lý các chương trình mua sắm vũ khí và trang bị quốc phòng của Hàn Quốc) đã công bố những tài liệu liên quan đến kế hoạch triển khai các thiết bị mô phỏng sinh học “biomimetics” trong quân đội kể từ năm 2024. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy robot sẽ đóng vai trò quan trọng thế nào trong các chiến dịch quân sự tương lai.

“Robot mô phỏng sinh học hứa hẹn sẽ là người làm thay đổi cuộc chơi, và những công nghệ liên quan được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng phát triển” – phát ngôn viên của DAPA, Park Jeong-eun nói với hãng tin Yonhap (Hàn Quốc).

Robot mô phỏng sinh học của Hàn Quốc. Ảnh: DAPA.

Một robot mô phỏng sinh học của Hàn Quốc. Ảnh: DAPA.

Ý tưởng phát triển những robot lấy cảm hứng từ tự nhiên thật ra không hề quá mới. Thay vì bắt đầu từ con số 0, các kỹ sư sẽ nhìn vào cách thức tiến hóa hàng triệu năm của một loài cụ thể, quá trình quyết định đặc điểm sinh học của nó để thích nghi nhất với môi trường xung quanh; sau đó họ sẽ cố gắng mô phỏng lại sự sáng tạo tự nhiên đó trên các vật liệu hiện đại – dùng để làm ra những robot, được thiết kế riêng cho hoạt động điều hướng và nhiều nhiệm vụ khác trong thế giới thực.

Cũng theo Yonhap, DAPA cho biết quân đội đang có kế hoạch triển khai các robot mô phỏng người và côn trùng vào năm 2024, sau đó sẽ hướng đến những biobot khác lấy cảm hứng từ chim, rắn và các loài sinh vật biển. The Telegraph dự đoán, quân đội Hàn Quốc sẽ sử dụng những robot có khả năng bay và bơi này cho mục tiêu trinh sát, còn các robot mô phỏng rắn thì làm nhiệm vụ điều hướng tại những khu vực địa hình bị hạn chế.


Ý tưởng triển khai robot trong quân đội hiện đang là một chủ đề gây nhiều tranh cãi; và báo cáo của DAPA cũng không hề đề cập đến việc liệu họ có sử dụng biobot để làm vũ khí. Một số quan điểm ủng hộ cho rằng, robot mô phỏng sinh học chính là phương án thực tế nhất, vừa để làm an lòng các nhà lập pháp (những người thường xuyên nhấn mạnh vấn đề đạo đức), vừa hướng đến giảm thiểu rủi ro cho binh sĩ trên chiến trường. Tuy nhiên, những ý kiến phản đối lại tin rằng, các tiến bộ công nghệ trên có thể khiến chúng ta trượt dài, đến một viễn cảnh tương lai, khi các robot sát thủ có thể tự quyết định việc sử dụng hỏa lực gây chết người với đối phương.

Nguồn: