Mới hồi Tháng Tư, nước Anh vẫn còn thể hiện hình ảnh của mình như một người đi đầu cổ vũ “đạo đức” trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nhưng hiện giờ có vẻ họ lại đang phát triển những thứ chẳng mấy “đạo đức” như máy bay chiến đấu và các hệ thống vũ khí hoàn toàn tự động.
Cụ thể, chính phủ Anh thường bày tỏ rõ lập trường chính thức là không quan tâm đến việc phát triển robot sát thủ, song hầu hết đều từ chối những lời kêu gọi tham gia cùng các thành viên UN (Liên Hiệp Quốc) khác để cấm phổ biến công nghệ này trên phạm vi toàn cầu.
Trên The Guardian, một bài viết mang tựa đề “Off the leash: How the UK is developing the technology to build armed autonomous drones?” (Tạm dịch: Không bị ràng buộc, Anh Quốc đang phát triển công nghệ máy bay quân sự không người lái như thế nào?) cho biết, chính phủ Anh đang tài trợ cho hàng chục dự án khác nhau, liên quan đến những công nghệ nền tảng về drone, AI tự ra quyết định … để nhằm tích hợp chúng trên các hệ thống vũ khí chiến lược của quân đội. Mặc dù chưa được kiểm chứng, nhưng nếu thông tin trên là đúng, thì Bộ Quốc phòng Anh kỳ vọng, những thế hệ vũ khí mới (được trang bị AI này) sẽ sớm trở thành hiện thực và được triển khai trên chiến trường trước năm 2030 – khiến không ít người cảm thấy lo ngại.
Từ nay cho tới 2030 còn khoảng 12 năm nữa, và liệu các chính phủ, nhất là những cường quốc công nghệ như Anh, có quá vội vã khi đang đem sinh mạng con người đặt vào trong tay các thuật toán? Khi mà hiện nay, một số phần mềm nhận dạng khuôn mặt vốn đang được cảnh sát ở nhiều nơi sử dụng đã cho thấy rất dễ mắc lỗi hay bị lừa. Ngoài ra, các thuật toán cũng rất dễ có biểu hiện của sự thành kiến và thiên vị – do ảnh hưởng từ những người lập trình và dạy máy học (machine learning). Đó chính là hai khía cạnh đầu tiên cần phải tính đến khi xây dựng những thuật toán vì mục đích quân sự, như để tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu của kẻ địch. Bất cứ sai lầm nào, dù là nhỏ nhất, cũng đều sẽ phải trả giá, thậm chí gây ra những hậu quả khôn lường … và hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu AI (biết ra quyết định) tự thiết lập các quy tắc của riêng chúng.
Phương Hiền (Theo Futurism)