Hãy tưởng tượng: những con robot quân sự có khả năng gây tổn hại cho người mà không cần được sự cho phép. Các nhà lập pháp Liên minh Châu Âu (EU) tin rằng thế giới đã không thể trở nên tốt đẹp hơn nếu chúng ta quên đi những bài học thương đau trong quá khứ, vì vậy họ đã thông qua một nghị quyết kêu gọi lệnh cấm quốc tế đối với robot sát thủ.
“Chuyện này nghe có vẻ giống như một cuộc tranh luận về tương lai còn xa, hay thậm chí là chuyện khoa học viễn tưởng”, Federica Mogherini – Đại diện cấp cao, phụ trách chính sách ngoại giao và an ninh của EU – nói với Reuters trong cuộc họp đầu tuần vừa rồi. “Nhưng vấn đề thực sự không chỉ như vậy”, bà nhấn mạnh.
Được biết, cả hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga đều phản đối đề xuất này, với luận điểm: rất khó để định nghĩa thế nào là robot sát thủ. Trong khi đó, một thực tế là các hệ thống vũ khí điều khiển từ xa vẫn đang ngày càng phổ biến. Như mới đây, thủy quân lục chiến Mỹ vừa đưa vào thử nghiệm loại robot trang bị súng máy tự động 50 li, hay máy bay không người lái (drone) cũng được xem như một nhân tố quan trọng trong Cuộc chiến chống khủng bố của nước này.
Trong tháng trước, Amandeep Gill – trưởng nhóm nghị sự của Liên Hiệp Quốc (UN), chuyên thảo luận về các vấn đề liên quan đến vũ khí sát thương tự động – đã thừa nhận, rằng “vấn đề hiện vẫn đang nằm ngoài luật”, hay liệu những hệ thống đang tồn tại (như pháo tự hành, chuyên bắn hạ các tên lửa của đối phương) có được tính là robot sát thủ hay không? Nếu đúng, có nghĩa là nhiều quốc gia đã vi phạm đề xuất cấm của EU.
Theo BBC, các thành viên Nghị viện EU kỳ vọng nghị quyết do họ thông qua sẽ mở đường cho một lệnh cấm toàn cầu đối với robot sát thủ, trong cuộc thương lượng vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, những đề xuất tương tự tại phiên thảo luận – diễn ra trong tháng 8, tại Geneva (Thụy Sĩ) – đã vấp phải sự phản đối từ các cường quốc, bao gồm Mỹ, Nga, Israel và Hàn Quốc.
“Thay vì cố gắng hạ thấp vai trò hay cấm đoán những công nghệ mới nổi trong lĩnh vực vũ khí sát thương tự động, nước Mỹ sẽ khuyến khích các sáng kiến nhằm hoàn thiện những mục tiêu đã đặt ra theo Công ước cấm phổ biến vũ khí giết người hàng loạt” – đại diện Mỹ tại UN viết trong một bản ghi nhớ vào hồi tháng 3.
Trong quá khứ, một số lệnh cấm như vậy đã từng mang lại hiệu quả, chẳng hạn đối với hoạt động sử dụng mìn (chôn đất) vào năm 1997. Điều này có thể sẽ làm gia tăng sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của EU nếu các thành viên UN không đưa vấn đề ra để trì hoãn trong tháng 11 tới.
Hải Đăng (Theo Futurism)