Thời gian gần đây, NFT đang khiến thế giới “phát cuồng” với các thương vụ mua bán lên tới hàng triệu USD. Những người tiên phong đang nhìn thấy giá trị tương lai xa hơn khi các cộng đồng ứng dụng NFT.


Thế hệ trẻ hiện nay dành rất nhiều thời gian trên các mạng ảo. Trong tương lai, một thế giới số sẽ trở thành thực tế với các giá trị càng ngày càng to lớn chứ không phải chỉ là một giấc mơ công nghệ. Ảnh: Coinzilla

NFT xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 2017 nhưng mới bắt đầu tạo ra một cơn sốt trong giới đầu tư kể từ đầu năm 2021, khi bức tranh kỹ thuật số “Everydays: The First 5000 Days” được nhà đấu giá danh tiếng Christie’s bán gần 70 triệu USD. Tương tự, dòng Tweet đầu tiên của CEO Twitter Jack Dorsey cũng được bán với giá 2 triệu USD, và gần nhất là những dòng mã nguồn World Wide Web của TS. Tim Berners-Lee – cha đẻ của Internet - cũng được chào hàng với mức khởi điểm 5.4 triệu USD, thông qua hình thức NFT này.

NFT viết tắt cho cụm từ “Non-fungible token”, trong đó Token hiểu đơn giản là những “tệp tin” để lưu trữ thông tin và giá trị trên Internet tại các blockchain. NFT hoạt động tương tự như một đồng tiền điện tử - giao dịch từ người này sang người khác sẽ được ghi lại trên một cuốn sổ cái, được cộng đồng chứng kiến và tham gia xác thực.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa NFT và các đồng tiền điện tử đó là tiền điện tử có giá trị thay thế lẫn nhau (chẳng hạn như một đồng Bitcoin và một đồng Bitcoin khác là như nhau) nhưng mỗi NFT là một độc bản, có giá trị riêng.

Hẳn trong chúng ta sẽ có người bối rối vì thấy rằng tác phẩm “Everydays: The First 5000 days”, dòng tweet của Jack Dorsey hay những dòng mã nguồn của Tim Berners-Lee dẫu đã có người “mua” nhưng tại sao ai cũng vẫn có thể xem, sao chép và lưu vào máy tính cá nhân của riêng mình?

Đúng vậy, NFT không phải là tác phẩm, mà chỉ là giấy chứng nhận sở hữu, là một dạng “hóa đơn”, “hợp đồng” ghi nhận người A đã bán cho người B một tài sản số và được cộng đồng sử dụng NFT ngày càng lớn chấp thuận. (Còn việc chúng ta tự sao chép và lưu tranh cho mục đích cá nhân thì sở hữu đó…không được thừa nhận. Trong “thế giới” NFT, nó cũng giống như chúng ta ra chợ mua một bức tranh chép của Van Gogh hay Monet vậy)

Huy động vốn cộng đồng

NFT cho phép bất kì loại sản phẩm số nào đều có thể trở thành tài sản và mua bán được. Và, lí do khiến hệ sinh thái NFT ngày cáng phát triển “chính là việc cho phép người dùng phát hành và giao dịch các tài sản mà không cần đến sự tham gia của bên thứ ba.”, ông Kendrick Nguyễn, Giám đốc điều hành nền tảng gọi vốn cộng đồng Republic.co, nhận định tại tọa đàm online “Làn sóng NFT thay đổi ngành đầu tư như thế nào?” ngày 11/7.

Giờ đây, ngày càng nhiều nền tảng blockchain phổ biến hỗ trợ NFT. Ai cũng có thể tạo ra NFT (dễ như lập một tài khoản email) và trao đổi NFT (bằng tiền điện tử). Và phần xác thực còn lại, đã có…công nghệ lo. Đó là lí do NFT đang khoác một tấm áo mới cho hình thức gọi vốn cộng đồng.

Chúng ta biết rằng, hình thức gọi vốn cộng đồng cho phép người nghệ sĩ nhiều tự do hơn và gần gũi hơn với người hâm mộ. Chẳng hạn với điện ảnh, người làm phim không cần dựa vào các hãng phim, không phải “chiều lòng” các nhà sản xuất vì người tài trợ cho bộ phim chính là các khán giả tương lai.

Trước khi có NFT, có hai cách gọi vốn cộng đồng: Thứ nhất là sử dụng một nền tảng chuyên gọi vốn cộng đồng, thứ hai là tự kêu gọi vốn qua mạng xã hội. Cách thứ nhất, thuận tiện là bạn sẽ có nền tảng này ghi lại tất cả danh sách những người ủng hộ ở từng mức tiền khác nhau, nhưng “phiền phức” là nền tảng này sẽ duyệt và kiểm soát nội dung dự án của bạn.

Cách thứ hai, đúng là bạn toàn quyền đăng tải nội dung kêu gọi lên internet, nhưng mệt mỏi là bạn sẽ phải ghi và xác nhận bằng tay tất cả những người đã đóng góp để tri ân. Thì giờ đây, sự ra đời của NFT cho phép loại bỏ nhược điểm của cả hai cách này. Việc của bạn chỉ là nghĩ ra một dự án tốt và tri ân những người đóng góp bằng các “phần thưởng” số dựa vào NFT. “NFT đang làm tốt nhiệm vụ giúp người dùng nhận được nhiều giá trị nhất có thể nhờ vào một hệ thống liền mạch, trọn vẹn và tiết kiệm chi phí” – Kendrick Nguyễn cho biết.

“NFT rất thú vị vì nó cho chúng ta không gian để sáng tạo và chỉ bị giới hạn bởi sức tưởng tượng của con người”, đạo diễn Charlie Nguyễn, người đứng đằng sau một loạt các bộ phim doanh thu trăm tỉ, nhấn mạnh. Trong vài tháng qua, ông đã bắt tay với một số chuyên gia công nghệ blockchain để triển khai một dự án FAM Central nhằm cung cấp hệ sinh thái hỗ trợ cho các dự án điện ảnh và nghệ thuật, khiến họ có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng thông qua sử dụng công nghệ tokenization (số hóa thẻ).

Hơn nữa, NFT là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhưng chưa chắc đó đã là giấy chứng nhận bản quyền. Người tạo ra tác phẩm được buôn bán qua NFT vẫn có thể giữ bản quyền của tác phẩm của mình, tạo ra các sản phẩm phái sinh từ đó, hoặc thậm chí là vẫn hưởng hoa hồng nếu tác phẩm đó được giao dịch qua tay những người khác.

Công cụ hữu hiệu trong thế giới số

Khi mọi sự vật được số hóa đều có thể trở thành tài sản, đều có thể trao đổi, buôn bán thông qua NFT, việc giao dịch trong thế giới ảo (metaverse), đặc biệt là trong các game nhập vai có thể còn mạnh mẽ hơn thế giới thực. Nhất là khi, tất cả giao dịch đó không cần qua hệ thống ngân hàng hay hợp đồng truyền thống nữa.

“Thế hệ trẻ hiện nay dành rất nhiều thời gian trên các mạng ảo. Trong tương lai, một thế giới số sẽ trở thành thực tế với các giá trị càng ngày càng to lớn chứ không phải chỉ là một giấc mơ công nghệ”, ông Kendrick Nguyễn, nhận định.

Cũng giống như trong thế giới thật, nơi những khu trung tâm đông người qua lại là địa điểm tranh giành của những thương hiệu lớn để đặt biển quảng cáo, cửa hàng, tòa nhà văn phòng, “đất” ảo đang ngày càng tăng giá, thậm chí còn cạnh tranh với giá đất ngoài đời thực. Trong những nền tảng số như Decentraland hay các game như Fortnite, người chơi có thể xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng cho nhân vật của mình, đi mua sắm, xem phim và ngắm tranh không khác gì thế giới thật.

“Những trung tâm thương mại ngoài đời thực đang mất đi một nửa lượng khách hàng do các thương hiệu chuyển dần sang nền tảng trực tuyến. Trong khi đó, những trung tâm mua sắm kỹ thuật số đang được phát triển trong các metaverse, một ngành công nghiệp mới có tên ‘de-commerce’ (thương mại phi tập trung)”, Janine Yorio, đại diện truyền thông của Republic cho biết trong một phát ngôn cuối tháng sáu.

Trước đó, hồi tháng tư, Republic.co đã mua lại một “mảnh đất” - tức các pixel số trên không gian số Decentraland – bằng NFT với giá hơn 913.000 USD. Đây được coi là thương vụ “sở hữu bất động sản số” sử dụng công nghệ NFT lớn nhất từ trước đến nay. Republic tin rằng những pixel tại vị trí vàng này sẽ tăng giá và có thể mua đi bán lại trong tương lai.

Các thương hiệu lớn cũng đã bắt đầu ghi dấu ấn của họ trên không gian số. Ví dụ, Adidas gần đây đã hợp tác với siêu mẫu Karlie Kloss để giới thiệu những đôi giày Adidas (kỹ thuật số) cho người dùng trên Decentraland.

Nhà đấu giá tranh Sotheby’s cũng đã mua một mảnh đất nhỏ trong khu nghệ thuật của Decentraland và xây dựng một bản sao số của các phòng trưng bày ở London trên đó. Họ mới kết thúc buổi triển lãm tranh đầu tiên của mình trên thế giới số.

Ngay trước đại dịch, giao dịch NFT trong ngành công nghiệp game đã vượt xa ngành công nghiệp điện ảnh. “Vũ trụ game rất lớn. Đối với hàng triệu người trên toàn cầu, thế giới trò chơi điện tử cũng đắm chìm như ‘thế giới thực’. Họ thà đầu tư thời gian và tiền bạc để nâng cấp nhân vật (avatar) còn hơn là sửa sang căn hộ của mình”, Monica Eaton-Cardone, Đồng sáng lập của công ty quản lý tài chính Chargebacks911 (Mỹ), chia sẻ với tạp chí Finance Magnates hồi tháng tư.

Đánh giá về thị trường Việt Nam, ông Kendrick Nguyễn cho biết Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ hai thế giới về mức độ phổ biến tiền mã hóa, theo khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của Statista năm 2020. Theo ông, có thể nhìn thấy tiềm năng phát triển cao về tiền kỹ thuật số và startup trong lĩnh vực này, cả về năng lực đổi mới sáng tạo và nhu cầu tiêu thụ của người dùng Việt Nam.

***

Mặc dù NFT là một sự kiện thú vị nhưng tất cả những hứa hẹn của nó vẫn là câu chuyện của tương lai. NFT có thể là một cách mua bán minh bạch và công khai, nhiều người nhìn thấy và xác thực, nhưng “hóa đơn điện tử” đó chưa được pháp luật bảo vệ. NFT có thể ghi nhận người A đã bán cho người B một tài sản số nhưng không thể đảm bảo được người A có thực hiện đúng những gì đã thỏa thuận khi trao tài sản đó cho người B hay không.

Và khi một người giao dịch một tài sản số bằng NFT, thực ra người đó giao dịch tờ “hóa đơn điện tử” – tạm hiểu là tờ giấy chứng nhận họ là chủ sở hữu của tài sản đó. Nó rất khác so với việc chúng ta sở hữu một bức tranh treo trong nhà. Chính vì vậy, những người tham gia vào hệ sinh thái NFT kì vọng rằng, một ngày nào đó nó sẽ được chấp nhận rộng rãi, để những NFT mà họ sở hữu sẽ có giá trị lâu dài, có thể mua đi, bán lại, đấu giá sôi nổi không kém những tác phẩm vật lí.