Những tài sản số sử dụng công nghệ blockchain đang xuất hiện và thay đổi bức tranh hoạt động của nhiều ngành công nghiệp sáng tạo như nghệ thuật và giải trí.

Lotawana (2021) được xem là bộ phim đầu tiên trên thế giới được bán dưới dạng NFT, cho phép mọi người có thể mua cổ phần sở hữu bộ phim này | Ảnh: lotawanamovie
Lotawana (2021) được xem là bộ phim đầu tiên trên thế giới được bán dưới dạng NFT, cho phép mọi người có thể mua cổ phần sở hữu bộ phim này | Ảnh: lotawanamovie

NFT viết tắt cho cụm từ “Non-fungible token”, tức là các token không có giá trị thay thế lẫn nhau. Token hiểu đơn giản là những "tệp tin" để lưu trữ thông tin và giá trị trên Internet tại các blockchain, do vậy chúng sở hữu những đặc điểm cơ bản về tính công khai, minh bạch của công nghệ blockchain. Trong khi đó, "Non-fungible" (không có giá trị thay thế lẫn nhau) đề cập tính độc nhất vô nhị của NFT, nghĩa là phiên bản token này là duy nhất trên thị trường, khác với những vật dụng hay token có thể thay thế nhau.

“Một trong những giá trị thú vị tạo nên xu hướng ngày càng phát triển của hệ sinh thái NFT chính là việc cho phép người dùng phát hành và giao dịch các tài sản mà không cần đến sự tham gia của bên thứ ba. NFT đang làm tốt nhiệm vụ giúp người dùng nhận được nhiều giá trị nhất có thể nhờ vào một hệ thống liền mạch, trọn vẹn và tiết kiệm chi phí khi tham gia vào hệ sinh thái này”, ông Kendrick Nguyễn, Giám đốc điều hành nền tảng gọi vốn cộng đồng Republic.co, nhận định tại tọa đàm online “Làn sóng NFT thay đổi ngành đầu tư như thế nào?” ngày 11/7.

Theo các chuyên gia tại tọa đàm, xu hướng triển khai NFT vào các mô hình kinh doanh số đang từng ngày phát triển rộng đến nhiều lĩnh vực khác nhau, nổi bật là lĩnh vực nghệ thuật và giải trí như phim ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử (gaming)

Tại đó, công nghệ NFT đang giải quyết hai vấn đề: xử lý những rào cản tồn tại dai dẳng của ngành công nghiệp và tạo ra một nền kinh tế toàn toàn mới trong thế giới số.

Nhà đầu tư, đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Charlie Nguyễn cho rằng NFT phần nào cung cấp giải pháp cho những tranh chấp liên quan đến bản quyền, nạn phim lậu, đồng thời tạo điều kiện để bất kì ai cũng có thể làm các dự án studio sáng tạo của mình, theo đuổi đam mê mà không phải thông qua những "ông lớn" vốn khép kín trong ngành công nghiệp. Các dự án phim có thể gọi vốn cộng đồng bằng NFT từ hàng chục, hàng trăm nghìn người hâm mộ của nó trước khi bấm máy, cho phép cộng đồng trở thành một phần của bộ phim mà mình yêu thích. Nhà sản xuất có thể chia nhỏ quyền sở hữu bộ phim, mỗi người mua NFT sẽ có cổ phần trong đó. Khi bộ phim được phát hành trên Netflix, Hulu hoặc HBO thì doanh thu nhận lại sẽ được chia cho những người sở hữu đồng NFT. Người ta cũng có thể bán NFT của một vai diễn trong phim, một ngày đi theo đạo diễn nổi tiếng học việc, hay cơ hội tham dự buổi công chiếu và bước trên thảm đỏ cùng đoàn làm phim.

Ở Việt Nam, công nghệ blockchain đã được ứng dụng trong nghệ thuật và giải trí có FAM Central. Ông Cris D. Trần, nhà điều hành dự án, mô tả nền tảng này sẽ khiến các nhà sản xuất sáng tạo tại Việt Nam và trên thế giới có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng thông qua sử dụng công nghệ tokenization (số hóa thẻ).

"Chúng tôi hi vọng rằng nó sẽ giúp nâng tầm ngành điện ảnh Việt Nam thông qua công nghệ và những mô hình mới", ông Cris nói.

Các diễn giả cũng đưa ra nhiều ví dụ về việc NFT tạo ra một nền kinh tế hoàn toàn mới trên thế giới số.

Trước đây, hiếm có người nào trả tiền cho một bức tranh kỹ thuật số khi bất kỳ ai trên internet cũng có thể nhấp chuột phải và lưu chúng vào ổ cứng của họ. Giờ đây, với sự mở cửa của thị trường công nghệ, một nghệ sĩ có thể bán bức tranh số của mình bằng các NFT. Không chỉ thế, họ còn có thể được nhận một phần tiền (lợi tức từ quyền tác giả của tác phẩm) mỗi khi bức tranh đó được mua đi bán lại trong tương lai.

Hay mới đây, một dự án phát triển bất động sản "ảo" trong vũ trụ kỹ thuật số Metaverse trên nền tảng Decentraland vừa khai trương một khu phố mua sắm số. Republic đã mua lại một "mảnh đất" - tức các pixel số trên Decentraland - với giá hơn 913.000 USD. Đây được coi là thương vụ sở hữu bất động sản số sử dụng công nghệ NFT lớn nhất từ trước đến nay. Ông Kendrick Nguyễn cho biết, Republic tin rằng những pixel tại vị trí vàng này sẽ tăng giá và có thể mua đi bán lại trong tương lai.

Decentraland sử dụng Etherium để tạo ra một Metaverse trực tuyến. Tại đó, người dùng có thể mua bán các tài sản số bằng đồng token | Ảnh: Decentraland
Decentraland sử dụng Etherium để tạo ra một Metaverse trực tuyến. Tại đó, người dùng có thể mua bán các tài sản số bằng đồng token | Ảnh: Decentraland

"Thế hệ trẻ hiện nay dành rất nhiều thời gian trên các mạng ảo. Trong tương lai, một thế giới như Metaverse sẽ trở thành thực tế với các giá trị càng ngày càng lớn chứ không phải chỉ là một giấc mơ công nghệ", ông nói.

Ông Kendrick Nguyễn nhấn mạnh, các dự án NFT được đánh giá là tiềm năng khi nó có tính "ứng dụng lâu dài" và mang lại "giá trị cho cộng đồng". Ứng dụng công nghệ blockchain hay NFT sẽ ngày càng tạo tác động và phá bỏ những giới hạn trong tương lai khi cho phép người dùng vừa theo đuổi đam mê và sở thích của bản thân, vừa tạo ra lợi nhuận trong những thế giới mới.

Chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư NFT, các chuyên gia cảnh báo, người mới bắt đầu phải cẩn thận với rất nhiều dự án NFT không có giá trị khi bất kỳ ai trên Internet đều có thể tạo NFT một cách nhanh chóng. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều token vô giá trị, cùng với các trường hợp gian lận hoặc sử dụng tên giả. Do vậy, người dùng nên dành nhiều thời gian để học hỏi và đánh giá các dự án kỹ lưỡng trước khi tiến hành các khoản đầu tư lớn.

Trong quý 2/2021, thị trường NFT đã chạm mốc kỷ lục khi doanh số các tài sản số tính từ đầu năm đến nay đạt giá trị 2,5 tỷ USD, theo dữ liệu được công bố trên nền tảng Open Sea. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh số của thị trường này mới chỉ ở mức khiêm tốn là 13,7 triệu USD.

Theo Khảo sát Người tiêu dùng Toàn cầu của Statista năm 2020, thị trường Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ hai thế giới về mức độ phổ biến tiền mã hoá.