Từ các hình ảnh và bản nhạc cho đến tất cả các hình thức nghệ thuật kỹ thuật số khác, thị trường mã thông báo không thể thay thế (NFT) đang bùng nổ. Và bây giờ, giới khoa học cũng đang bước vào thị trường các tệp kỹ thuật số được mua và bán trực tuyến này.

Ngày 8/6, Đại học California, Berkeley, đã bán đấu giá một NFT các tài liệu liên quan đến công trình của nhà nghiên cứu ung thư đoạt giải Nobel James Allison, với giá hơn 50.000 USD. Ngày 17/6, Lực lượng Không gian Hoa Kỳ - một nhánh của Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ - bắt đầu bán đấu giá một loạt NFT hình ảnh thực tế tăng cường chụp từ các vệ tinh.

Và, từ ngày 23 đến ngày 30/6, nhà khoa học máy tính Tim Berners-Lee, người đã phát minh ra World Wide Web, sẽ bán đấu giá một NFT có mã nguồn của trình duyệt web đầu tiên.

Hình ảnh động một đoạn mã nguồn của World Wide Web - một phần của NFT sẽ được đấu giá bởi Tim Berners-Lee vào cuối tháng 6.

NFT (non-fungible tokens) - hay mã thông báo không thể thay thế - là các tệp độc nhất được lưu trữ trên một chuỗi khối, và có thể xác minh quyền sở hữu một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số. NFT cho phép mua bán quyền sở hữu các mặt hàng kỹ thuật số độc nhất, và theo dõi ai đang là người sở hữu chúng, bằng cách sử dụng chuỗi khối.

Chuỗi khối, bằng cách xếp các giao dịch theo thời gian, cho phép người dùng xác thực rằng không có giao dịch nào trùng lặp. Mỗi khối trong chuỗi – bao gồm danh sách của vài nghìn giao dịch xảy ra trong vòng khoảng mỗi 10 phút – phải được xác thực trước khi nối vào chuỗi.

NFT có thể chứa bất kỳ sản phẩm/tác phẩm kỹ thuật số nào - bản vẽ, ảnh GIF động, bài hát, v.v... Một NFT có thể là độc nhất vô nhị, giống như một bức tranh ngoài đời thực, và chuỗi khối sẽ theo dõi và xác minh xem ai là người có quyền sở hữu tệp.

NFT đã được ca tụng vì giúp nâng tầm nghệ thuật kỹ thuật số, nhưng đồng thời có nhiều chỉ trích coi NFT là vô nghĩa và tốn tài nguyên, để lại lượng khí thải carbon khổng lồ do sức mạnh tính toán cần thiết để duy trì chuỗi khối - nền tảng của NFT.

NFT trong giới khoa học cũng đang gây tranh cãi tương tự, một số người nói rằng đây là cách để giới thiệu khoa học với công chúng, và là một phương pháp gây quỹ mới. Những người khác thì nói rằng NFT - hoạt động theo cách tương tự như tiền điện tử kỹ thuật số - làm tốn năng lượng không cần thiết và là một bong bóng thị trường chắc chắn sẽ vỡ trong tương lai.

Nicholas Weaver, người nghiên cứu về tiền điện tử tại Viện Khoa học Máy tính Quốc tế ở Berkeley, cho biết: “Càng quan sát, bạn càng nhận ra việc bán NFT điên rồ như thế nào”.

Bong bóng NFT

NFT sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) làm nền tảng cho các loại tiền điện tử như Bitcoin để chứng nhận quyền sở hữu tệp. NFT được tạo ra theo cách tương tự như tiền điện tử - chúng được thêm vào sổ cái blockchain chống giả mạo và sau đó được bán trực tuyến. Mọi người có thể mua và giao dịch các chứng chỉ NFT này tương tự như một vật phẩm sưu tầm. Ai cũng có thể xem và tải tác phẩm hoặc dữ liệu chứa trong NFT, người mua và sở hữu NFT chỉ đơn giản là được xác nhận quyền sở hữu.

Khái niệm NFT ra đời vào đầu những năm 2010 nhưng vừa mới bùng nổ vào năm nay: hồi tháng 3, một NFT tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của một nghệ sĩ người Mỹ, nghệ danh Beeple, đã được bán với giá gần 70 triệu USD. Vào tháng 5, thị trường NFT đã đạt kỷ lục giao dịch trong 30 ngày là 325 tỷ USD. Vào tháng 6, nó đã hạ nhiệt đáng kể, nhưng nó vẫn đạt doanh thu hơn 10 triệu USD mỗi tuần.

Michael Alvarez Cohen, giám đốc phát triển hệ sinh thái đổi mới tại văn phòng sở hữu trí tuệ của Đại học California, Berkeley, đã quyết định sử dụng NFT để gây quỹ cho trường. Nhóm đem scan các giấy tờ pháp lý mà James Allison nộp cho Đại học California, cùng với các bản fax và ghi chú viết tay liên quan đến những khám phá có giá trị của Allison thành tác phẩm tổng hợp có tên The Fourth Pillar, có thể xem trực tuyến miễn phí. Ngoài ra, nhóm đã tạo ra một NFT để người mua có thể xác lập quyền sở hữu tác phẩm.

Các bằng sáng chế cho công trình đoạt giải Nobel của Jim Allison, là một phần của NFT được bán bởi Đại học California, Berkeley.

Sau một cuộc đấu giá ngắn, NFT The Fourth Pillar được bán vào ngày 8/6 với giá 22 ethereum (tương đương khoảng 54.000 USD). Người mua là một nhóm cựu sinh viên Đại học California có tên là FiatLux DAO - nhóm này được thành lập vài ngày trước bởi chính các chuyên gia blockchain đã tư vấn cho Đại học California về cách tạo NFT. Một phần số tiền bán NFT sẽ được chia cho trang web đấu giá NFT - trang Foundation, một phần dành cho một quỹ nghiên cứu của Berkeley, và một phần dành cho các khoản bù đắp lượng phát thải carbon.

"Đây là một sự kết hợp thú vị giữa việc trưng bày những tài liệu lịch sử này, đồng thời sáng tạo nghệ thuật và tài trợ cho nghiên cứu và giáo dục", Cohen nói.

Nhưng những người khác phản bác rằng việc tạo ra và bán NFT là một sự lãng phí, bởi vì hệ thống blockchain đòi hỏi rất nhiều năng lượng để tính toán và lưu trữ. Chẳng hạn, nhà khai thác tiền tệ kỹ thuật số Ethereum hiện có mức sử dụng năng lượng tương tự như toàn bộ đất nước Zimbabwe. Năng lượng tiêu tốn làm cho NFT “thực sự là một thứ lãng phí không để làm gì”, Weaver nói, đồng thời cho rằng việc bán đấu giá trực tiếp bản thật của các giấy tờ sẽ có ý nghĩa hơn.

Nhóm Đại học California tiếp tục có kế hoạch tạo ra một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số khác từ các tài liệu liên quan đến người đoạt giải Nobel Jennifer Doudna, một trong những người tiên phong về chỉnh sửa gen CRISPR, cho một cuộc đấu giá NFT trong tương lai.

Trong khi đó, nhà sinh học George Church và công ty do ông đồng sáng lập, Nebula Genomics ở San Francisco, California, đã nêu ý định còn sáng tạo hơn: bán một NFT trình tự bộ gen của Church - nhà di truyền học tại Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, người đã giúp khởi động Dự án Bộ gen người, nổi tiếng với các ý tưởng di truyền học gây tranh cãi, bao gồm việc hồi sinh voi ma mút lông cừu và tạo ra một ứng dụng hẹn hò dựa trên DNA.

Nhưng Yaniv Erlich, nhà khoa học máy tính tại Đại học Columbia ở TP New York và là giám đốc khoa học của MyHeritage, một công ty giải trình tự gen và phả hệ có trụ sở tại Or Yehuda, Israel, cho biết kế hoạch bán NFT bộ gen của Church chỉ là "một chiêu trò PR".

Ngoài ra, việc bán trình tự bộ gen cá nhân còn đặt ra các vấn đề đạo đức - theo nhà đạo đức sinh học Vardit Ravitsky tại Đại học Montreal ở Canada, chẳng hạn như vấn đề liệu cá nhân có thực sự sở hữu bộ gen của họ hay không, vì phần lớn bộ gen đó được chia sẻ với các thành viên trong gia đình. Ravitsky cũng lưu ý rằng đã có những cuộc tranh luận về việc liệu mọi người có nên được phép kiếm tiền từ các nguồn tài nguyên sinh học của họ hay không.

Nguồn: