Liên minh Châu Âu (EU) đang xem xét nới lỏng hạn chế đối với cây trồng biến đổi gen (GE). Đây là động thái đáng để các quốc gia ở châu lục khác, bao gồm châu Phi, cân nhắc áp dụng.

Có rất nhiều chủ đề gây tranh cãi trong bức tranh nông nghiệp toàn cầu. Những người phản đối GE cho rằng loại cây này gây tác động xấu đến sức khỏe và môi trường, thậm chí còn làm suy yếu sự độc lập về lương thực trong bối cảnh một vài tập đoàn sản xuất hạt giống giành được quyền lực quá lớn, chi phối cả người canh tác lẫn đầu ra. Chính bởi nỗi lo ngại đó cho nên EU và hầu hết các nước châu Phi đều đang hạn chế GE.

.

Thực phẩm biến đổi gen (GMO) hiện vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi.

Nhưng một số nước khác, tiêu biểu là Argentina, Úc, Bolivia, Brazil, Chile, Colombia, Hoa Kỳ, Uruguay, Paraguay và Nam Phi lại đang dần chấp nhận GE. Họ ủng hộ quan điểm cho rằng công nghệ chỉnh sửa gen thực vật là an toàn và về bản chất thì nó chỉ nhằm thúc đẩy nhanh một chu trình tự nhiên. Ngoài ra, GE còn nắm giữ chìa khóa sáng tạo để cho ra những loại cây trồng bền vững hơn. Điều này được ủng hộ bởi một số chứng cứ vững chắc: các quốc gia cho triển khai GE thường được ghi nhận sử dụng ít thuốc trừ sâu, canh tác thân thiện hơn với môi trường và có năng suất được cải thiện.

Nam Phi là một ví dụ điển hình. Năm 2001 – 2002, nước này bắt đầu cho trồng rộng rãi một số giống ngô (bắp) biến đổi gen. Trước đó, năng suất bình quân rơi vào khoảng 2.4 tấn/ha/vụ; năm ngoái, con số này tăng lên 5,9 tấn/ha. Kết quả là Nam Phi đã sản xuất tới gần 20% sản lượng ngô của cả vùng Hạ Sahara trên diện tích canh tác chỉ khoảng 2,5 triệu ha. Ngược lại, theo dữ liệu từ Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) thì Nigeria – một nước khác trong cùng khu vực, sử dụng tới 6,5 triệu hecta để trồng ngô – nhưng chỉ đạt sản lượng bằng khoảng 15% của cả vùng. Còn năng suất trung bình của toàn khu vực thường ở mức dưới 2 tấn/ha. Vậy đâu là yếu tố giúp Nam Phi đạt được sự vượt trội về năng suất? Đó rõ ràng không phải là nhờ tưới tiêu bởi chỉ khoảng 10% diện tích trồng ngô của Nam Phi là cần tưới, phần còn lại đều ngập nước – điều kiện tương tự như các nước khác trong vùng.

Lợi ích của GE ngày càng trở nên rõ rệt tại châu Âu. Theo một báo cáo do Ủy ban Châu Âu (EC) công bố, “những sản phẩm mới áp dụng kỹ thuật biến đổi gen có thể tạo ra đóng góp tích cực vào việc xây dựng các hệ thống nông sản bền vững, phù hợp với mục tiêu chung của cả châu lục như European Green Deal (Thỏa thuận Xanh châu Âu) hay Farm to Fork (cam kết từ nông trại đến bàn ăn). EC cũng kỳ vọng những vấn đề gây quan ngại sẽ sớm được giải quyết, chẳng hạn các ý kiến cho rằng GE ảnh hưởng không tốt đến một số khía cạnh khác của nông nghiệp bền vững (VD: nông nghiệp hữu cơ),... Nhưng đó sẽ là con đường không ít thách thức. Báo cáo cũng chỉ ra nhiều nước thành viên EU vẫn phản đối EU và đòi hỏi phải có những đánh giá rủi ro chi tiết hơn.

Trái ngược với điều này là những nỗ lực cổ súy sự đổi mới. Bộ trưởng nông nghiệp Đức Julia Kloeckner tin rằng cách tiếp cận của EU với GE – vốn tuân thủ nhiều quy tắc tương tự như Sinh vật Biến đổi Gen (GMO) – là khá chậm chạp. Người Pháp trước đó cũng từng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc thiết lập các quy tắc riêng cho GE.

.

Những cánh đồng ngô biến đổi gen ở Mỹ.

Nếu EU nới lỏng hạn chế đối với GE thì tác động của nó sẽ vượt xa biên giới của châu lục này. Trước hết, năng suất cây trồng tăng ở châu Âu sẽ thúc đẩy cạnh tranh giữa những quốc gia xuất khẩu ngũ cốc chính như Mỹ, Ukraina, Argentina, Nga, Brazil, Canada và Nam Phi – dẫn đến áp lực giảm giá trên toàn cầu. Thứ nữa, quyết định của EU cũng có thể truyền cảm hứng cho các nước châu Phi chưa chấp thuận GE suy nghĩ lại về cách tiếp cận. Giống như châu Âu, những nước này cũng có “mối quan ngại” liên quan tới cây trồng biến đổi gen. Chẳng hạn, họ cần đảm bảo rằng các nông hộ quy mô nhỏ – không đủ khả năng mua hạt giống GE mỗi mùa – sẽ không bị bỏ lại phía sau.

Mặc dù khó khăn là thật, song những nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng. Trong bối cảnh dân số toàn cầu tăng nhanh dẫn đến cuộc cạnh tranh gắt gao để giành đất, nước và các nguồn tài nguyên khác thì việc tận dụng lợi thế của những công nghệ đã được bảo chứng để sản xuất nhiều lương thực với hiệu quả cao hơn sẽ ngày càng trở nên quan trọng.

(*) Tác giả Wandile Sihlobo là kinh tế trưởng tại Phòng Kinh doanh Nông nghiệp Nam Phi (Agbiz), nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Trường Quản trị Wits thuộc Đại học Witwatersrand, tác giả cuốn Finding Common Ground: Land, Equity and Agriculture (Đi tìm điểm chung: Đất đai, Tài sản và Nông nghiệp).