Một báo cáo dài 90 trang do Văn phòng Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ Mỹ (GAO) xuất bản nêu chi tiết cách các cơ quan liên bang đang sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, và kế hoạch phát triển công nghệ này.

10 trong số 24 cơ quan được khảo sát có kế hoạch mở rộng việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt vào năm 2023. Các cơ quan này cũng đang đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Báo cáo GAO, được công bố trong tháng 8, là kết quả của một nghiên cứu về việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của các cơ quan liên bang trong năm tài chính 2020, do Quốc hội Mỹ yêu cầu thực hiện.

Báo cáo mô tả việc sử dụng công nghệ này "ngày càng phổ biến", hầu hết các cơ quan được khảo sát sử dụng công nghệ này cho an ninh mạng, thực thi pháp luật trong nước hoặc theo dõi an ninh. Báo cáo cũng hỏi tất cả 24 cơ quan tham gia nghiên cứu về kế hoạch phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong tương lai của họ.

Trong bức ảnh ngày 14/4/2014 này, một camera giám sát được gắn vào một cột đèn dọc theo Phố Boylston ở Boston, Mỹ. Vào năm 2020, Hội đồng thành phố Boston đã bỏ phiếu nhất trí thông qua lệnh cấm sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Những năm gần đây, những người ủng hộ quyền riêng tư và tự do dân sự liên tục tên tiếng chống lại việc cảnh sát và chính phủ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Nhận dạng khuôn mặt đã được chứng minh là kém chính xác hơn với người da màu, phụ nữ và những người trẻ tuổi và lớn tuổi. Một báo cáo từ GAO được công bố vào tháng 6 năm nay cũng mô tả các cơ quan thực thi pháp luật liên bang Mỹ đang thiếu giám sát việc sử dụng công nghệ này.

18 trong số 24 cơ quan liên bang được khảo sát trong báo cáo lần này của GAO hiện đang sử dụng một số hình thức nhận dạng khuôn mặt, nhiều cơ quan sở hữu nhiều hơn một hệ thống nhận dạng. (Ngoài ra, còn có một số cơ quan liên bang khác sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt nhưng không nằm trong phạm vi nghiên cứu; đến nay chưa có cuộc khảo sát toàn diện nào về việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của chính phủ Mỹ.)

Hầu hết các hệ thống mà các cơ quan này sử dụng thuộc sở hữu của liên bang, trừ 6 hệ thống đến từ các nhà cung cấp thương mại bao gồm các công ty Clearview AI, Vigilant Solutions và Acuant FaceID.

Nhiều cơ quan đã sử dụng (hoặc có kế hoạch sử dụng) công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong bảo mật dữ liệu và công nghệ, cũng như theo dõi và bảo vệ các địa điểm thực tế. Một số cơ quan thì sử dụng cho các vấn đề luật pháp và quân sự.

Ví dụ: Văn phòng Tổng thanh tra Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu sử dụng Vintra vào tháng 5/2021 để hỗ trợ điều tra, lọc ra "chuyển động, phương tiện hoặc con người” từ các video giám sát. Cảnh sát Tư pháp Mỹ đang phát triển một hệ thống nhận dạng tù nhân để hỗ trợ việc sắp xếp và vận chuyển tù nhân. Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan đang phát triển hệ thống nhận dạng khuôn mặt hiện có để tích hợp thêm “theo dõi tình báo băng đảng”.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp, Thương mại, Quốc phòng, An ninh Nội địa, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Nội vụ, Tư pháp, Nhà nước, Kho bạc và Các vấn đề Cựu chiến binh Mỹ là các cơ quan có kế hoạch mở rộng việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt từ nay đến năm 2023. 10 cơ quan này đang triển khai 17 hệ thống nhận dạng khuôn mặt khác nhau. 13 hệ thống trong số đó sẽ thuộc sở hữu của các cơ quan, 2 hệ thống thuộc sở hữu của cơ quan thực thi pháp luật địa phương, và 2 hệ thống thuộc Clearview AI.

Đáng lưu ý, Không quân Mỹ (thuộc Bộ Quốc phòng) và Cơ quan Cá và Động vật hoang dã (thuộc Bộ Nội vụ) đang làm việc với Clearview AI trong một số dự án phát triển công nghệ.

Clearview AI là công ty công nghệ gây tranh cãi vì sử dụng cơ sở dữ liệu hơn ba tỷ hình ảnh công khai được lấy từ internet. (Các hệ thống nhận dạng khuôn mặt khác được cơ quan thực thi pháp luật sử dụng thường dựa trên cơ sở dữ liệu nhỏ hơn nhiều và do chính phủ phát triển và sở hữu, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu ảnh chụp những người từng bị truy tố trước đây.)

Người phát ngôn của nhóm quyền kỹ thuật số phi lợi nhuận Electronic Frontier Foundation cho biết: “Báo cáo quan trọng này của GAO cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn của chính phủ liên bang vào công nghệ giám sát khuôn mặt. Đáng lo ngại nhất là việc các cơ quan thực thi pháp luật sử dụng công nghệ này, trong khi giám sát bằng khuôn mặt đến nay là công nghệ xâm phạm quyền riêng tư, phân biệt đối xử với người da màu, và có khả năng gây ra các vụ bắt giữ sai."

Việc áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt ngày càng tăng ở tất cả các cấp chính quyền. Tháng 3 vừa qua, Clearview AI cho biết 3.100 trong số 18.000 cơ quan thực thi pháp luật liên bang, tiểu bang, quận và thành phố của Mỹ - tương đương khoảng 17% - đã sử dụng phần mềm của họ.

Hồi tháng 6, GAO đã phát hành một báo cáo về khả năng sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của 42 cơ quan liên bang có chức năng thực thi pháp luật. Trong báo cáo đó, GAO cho rằng 13 trong số 42 cơ quan này không hiểu đầy đủ về công nghệ của chính họ.

Không có quy định liên bang nào ở Mỹ về việc cơ quan thực thi pháp luật sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Nhiều bang và thành phố cấm cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan chính phủ sử dụng công nghệ này, tuy nhiên lệnh cấm của từng địa phương không ảnh hưởng đến các cơ quan liên bang.

Nguồn: