Theo một nghiên cứu mới, trí tuệ nhân tạo dễ dàng nhận biết các biểu cảm ‘tạo dáng”/ được dàn dựng, nhưng còn kém nhận biết các cảm xúc chân thực tự phát.

Nhóm nghiên cứu, đứng đầu bởi Đại học Thành phố Dublin (Dublin City University), đã lấy tám trí tuệ nhân tạo (AI) nhận biết cảm xúc khuôn mặt để so sánh với khả năng nhận biết cảm xúc của con người. Kết quả, con người nhận biết cảm xúc chính xác 72%, trong khi các AI tham gia thử nghiệm có độ chính xác dao động từ 48% đến 62%.

"Bây giờ rất dễ phát triển các hệ thống AI nhận biết cảm xúc của con người từ nét mặt. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều dựa trên giả định rằng ai cũng có cách thể hiện cảm xúc như nhau," tác giả chính, Tiến sĩ Damien Dupré, Đại học Thành phố Dublin, cho biết. "Đối với những hệ thống AI này, cảm xúc của con người chỉ có sáu cảm xúc cơ bản, và chúng không xử lý tốt những cảm xúc 'pha trộn'."

"Các công ty sử dụng các hệ thống AI như vậy cần nhận thức rằng, kết quả thu được không phải là thước đo cảm xúc, mà đơn giản chỉ là so sánh mức độ trùng hợp giữa khuôn mặt của một người với khuôn mặt được cho là tương ứng với một trong sáu cảm cơ bản."

Một nghiên cứu từ Đại học Maryland cho thấy AI phân tích cảm xúc đã gán nhiều cảm xúc tiêu cực hơn cho đàn ông da đen so với đàn ông da trắng.

Để nhận biết cảm xúc của người khác, chúng ta sử dụng rất nhiều thông tin: nét mặt, ngôn ngữ cơ thể, tình huống và hơn thế nữa. Trong khi đó, AI có xu hướng chỉ tập trung vào khuôn mặt. Dùng AI để phân tích cảm xúc gương mặt ngày càng phổ biến hơn: các công ty có thể sử dụng loại AI này để giúp đưa ra quyết định tuyển dụng, quyết định cho vay, chống gian lận, quét khuôn mặt trong đám đông để xác định các mối đe dọa đối với an toàn công cộng, cho đến dùng trong thiết bị thực tế ảo VR để phân tích trạng thái cảm xúc của game thủ. Mặc dù thiếu bằng chứng khoa học, nhưng thị trường AI nhận biết cảm xúc được ước tính trị giá ít nhất 20 tỷ USD, và còn tiếp tục tăng trưởng.

Nghiên cứu mới bao gồm 937 video, tất cả đều được dán nhãn 6 loại cảm xúc cơ bản (hạnh phúc, buồn, giận dữ, sợ hãi, bất ngờ và ghê tởm) do 'tạo dáng' hay tự phát. Các video này được lấy từ hai cơ sở dữ liệu lớn về biểu hiện khuôn mặt là BU-4DFE từ Đại học Binghamton ở New York và một cơ sở dữ liệu khác từ Đại học Texas ở Dallas.

Theo kết quả của nghiên cứu được đăng trên PLOS One, AI luôn có độ chính xác thấp hơn đối với biểu hiện cảm xúc tự phát, và tỏ ra chính xác hơn khi phân loại các biểu hiện "tạo dáng" hay được dàn dựng.

Tiến sĩ Eva Krumhuber, Khoa học Tâm lý & Ngôn ngữ Đại học London, đồng tác giả nghiên cứu, nói thêm: "AI đã đi một chặng đường dài trong việc xác định biểu cảm khuôn mặt của mọi người, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy vẫn còn nhiều điểm phải cải thiện trong việc nhận ra cảm xúc chân thực của con người."

Một nghiên cứu trước đây từ Đại học Maryland đã cho thấy AI phân tích cảm xúc đã gán nhiều cảm xúc tiêu cực hơn cho đàn ông da đen so với đàn ông da trắng. Theo kết quả nghiên cứu này, khuôn mặt da đen luôn được ghi nhận là giận dữ hơn khuôn mặt da trắng khi so sánh 2 nụ cười và khuôn mặt da đen luôn bị xác định là giận dữ nếu biểu cảm chưa rõ ràng.