Facebook vừa công bố kế hoạch về một loại tiền kỹ thuật số mang tên Libra của riêng mình. Đằng sau nó là những câu hỏi quan trọng về bản chất và ý định của đồng tiền này.

Libra facebook

Ngày 18/6/2019, Facebook đã tung ra một “quả bom” chấn động toàn cầu khi tuyên bố kế hoạch của mình cho một loại tiền kỹ thuật số mới mang tên Libra (Thiên Bình) cho phép một cộng đồng hơn 1,7 tỷ người có thể sử dụng vào đầu năm 2020.

Một loại tiền tệ toàn cầu có thể gửi được dễ dàng như tin nhắn, có khả năng loại bỏ các loại phí, việc chậm trễ trong giao dịch và nhiều rào cản khác đối với dòng tiền. Nó sẽ cung cấp cho công dân ở các nước kém phát triển hơn quyền truy cập tài chính và là một cách bảo vệ những đồng tiền lao động khó khăn kiếm được của họ trước nguy cơ lạm phát. Nó có thể kích hoạt một làn sóng đổi mới khổng lồ trong tài chính giống như cách internet đã làm với các dịch vụ trực tuyến. Đó là một mô tả tóm gọn về đồng tiền này.

Facebook gia nhập ngành tài chính ngân hàng

Libra sẽ có sẵn cho người dùng Messenger và WhatsApp trên toàn thế giới và bất kỳ ai tải xuống ứng dụng (hiện chưa ra mắt). Facebook cho biết họ có mục tiêu cao cả là mang lại dịch vụ tài chính cho hàng tỷ người trên khắp thế giới vẫn chưa có tài khoản ngân hàng.

Cụ thể, Nhóm Libra phụ trách đồng Libra sẽ được điều hành bởi một công ty con mới có tên Calibra, trụ sở tại Thụy Sĩ. Facebook hỗ trợ cho dự án này bằng cách liên kết với 27 tổ chức, như Uber, Visa, Spotify, Vodafone, Mastercard và Women’s World Banking. Mỗi đối tác sẽ đồng ý đầu tư ít nhất 10 triệu đô la vào dự án.

Động thái này của Facebook, một công ty có sức ảnh hưởng toàn cầu, đã khiến chính phủ và ngân hàng của nhiều nước có phản ứng ngay tức thì. Bộ trưởng Tài chính Pháp, quốc gia đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của G7, yêu cầu ngân hàng trung ương các nước và IMF ngồi bàn lại để đánh giá về dự án Libra.

Điều này không chỉ bởi Libra liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực tài chính - mạch máu của các nền kinh tế - mà còn bởi các nhà quản lý quan ngại vì Facebook đã từng có nhiều chỉ trích về xâm phạm quyền riêng tư và bảo mật thông tin, nổi tiếng nhất là sự việc Cambridge Analytica. [Xem: Hiểu nhanh về vụ bê bối Cambridge Analytica, TS] [Xem: Cuộc cách mạng về quyền riêng tư, TS ]

Thêm vào đó, Financial Times cho biết các đại diện ngân hàng trung ương đang thảo luận xem Libra sẽ được xếp vào tiền tệ, vouchers hay chứng khoán? Công ty của Libra sẽ là một ngân hàng, một quỹ, một công ty chứng khoán hay một loại hình nào mới? Tất cả những điều này sẽ liên quan đến việc liệu họ có phải chịu sự điều tiết của các quy định như MiFID II của EU hoặc sự giám sát của Ủy ban chứng khoán Mỹ. Thậm chí, nó cũng đặt ra câu hỏi về những đạo luật mới cho các tài sản điện tử.

Dư luận trái chiều trong giới tiền điện tử

Facebook gọi đó là “một loại tiền tệ toàn cầu mới được cung cấp bởi công nghệ blockchain” nhưng những người theo chủ nghĩa Bitcoin thuần túy có thể không coi đó là tiền điện tử thực sự.

Cựu chủ tịch PayPal và là đồng sáng lập của Libra, David Marcus đã đăng trên Twitter rằng nó sẽ bao gồm ba cấu phần: một blockchain; một loại tiền tệ dự trữ; một ngôn ngữ lập trình mới gọi là MOVE. Tuy vậy, một số người nhận định Libra có vẻ hơi giống một phiên bản công nghệ cao hơn của PayPal hoặc Western Union.

Thông tin về đồng tiền Libra này gây ra sự phân cực trong giới ủng hộ tiền điện tử. Một phần cho rằng động thái của Facebook sẽ khiến ngành công nghiệp tiền điện tử tốt hơn, nhưng số khác cho biết họ không thích việc một gã khổng lồ như Facebook đi vào nhánh công nghệ được coi là giúp mọi người tránh khỏi ảnh hưởng của những tập đoàn, định chế lớn.

Libra có thực sự là tiền điện tử?

Điều đó phụ thuộc vào cách chúng ta xác định tiền điện tử. Đồng Libra sẽ chạy trên một blockchain nhưng sẽ khác xa Bitcoin.

Đầu tiên, nó sẽ không phải là một tài sản kỹ thuật số thuần túy, có giá trị dao động mà sẽ được thiết kế để duy trì giá trị ổn định giống như các loại Stablecoin khác. Theo mô tả của nhà phát triển, Libra sẽ “được chống đỡ bởi một rổ tiền gửi ngân hàng và trái phiếu kho bạc của nhiều ngân hàng trung ương cao cấp.”

Mạng Bitcoin có đặc tính không cần cấp phép, cho phép công chúng hoặc bất kì ai có kết nối internet và máy tính phù hợp đều có thể chạy phần mềm giúp xác thực các giao dịch mới và “đào” tiền mới bằng cách thêm giao dịch vào chuỗi. Cùng với nhau, tất cả hoạt động này giúp dữ liệu của mạng lưới được an toàn, khỏi bị thao túng.

Nhưng mạng Libra không hoạt động như vậy. Nó có một loạt các “nút xác thực” đòi hỏi phải có sự cho phép của một bên nào đó. Điều này rõ ràng đi ngược lại với ý thức hệ “phi tập trung” của những người ủng hộ tiền điện tử. Những cấu trúc phân tán như Bitcoin hay Ethereum mang lại sức kháng cự kiểm duyệt – điều được coi là thiết yếu đối với bất kỳ tiền điện tử nào.

Để thao túng một mạng lưới không cần cho phép và mang tính công cộng như Bitcoin sẽ rất tốn kém và khó khăn; trong khi theo mô tả hiện có thì mạng Libra cần cấp phép và hạn chế số lượng các bên liên quan - do vậy làm dấy lên nỗi lo rằng đồng tiền đó sẽ dễ bị thỏa hiệp hoặc dễ bị gộp lại tấn công hơn.

Tuy nhiên, Facebook coi đây mới chỉ là điểm khởi đầu và trong tương lai sẽ hướng Libra đến mức không cần cho phép. Hiện tại các nhà phát triển Libra cho rằng cần phải thận trọng như vậy bởi họ chưa tin hiện giờ đã có một giải pháp được chứng minh có thể thỏa mãn quy mô, tính ổn định và bảo mật cần thiết cho hàng tỷ người và giao dịch trên toàn cầu thông qua một mạng hoàn toàn không cần cấp phép.

Liệu Libra có khiến blockchain trở thành xu hướng chủ đạo?

Các blockchain công cộng ngày nay đang sử dụng quá nhiều năng lượng và xử lý các giao dịch rất chậm chạp. Chúng khó có thể đáp ứng một lượng nhu cầu khổng lồ. Đó là lý do tại sao Facebook không sử dụng cách tiếp cận bằng chứng công việc (Proof of Work - PoW) như Bitcoin mà chọn cách hướng đi theo bằng chứng cổ phần (Proof of Stake - PoS) như Ethereum.

Nhưng việc triển khai thực tế phải đối mặt với thách thức. Ethereum có lẽ sẽ mất nhiều năm trước khi hoàn toàn thay đổi sáng PoS được mặc dù tiến trình này đã bắt đầu từ năm 2017. Trong khi đó, dù mới tuyên bố bắt đầu nhưng Facebook đã nhanh chóng tạo ra Hiệp hội Libra gồm những người xác nhận mạng lưới để quản trị và phát triển hệ thống. Khi chạy dự kiến vào nửa đầu năm 2020, hệ thống có cấp phép của Libra được xem là có khả năng xử lý 1.000 giao dịch/giây, nhanh hơn nhiều so với Bitcoin (hiện chỉ có thể xử lý khoảng 7 giao dịch/giây) và sẽ dần chuyển sang PoS sau 5 năm.

Nếu Facebook cùng đội hình các công ty tài chính và công nghệ đối tác hùng mạnh của họ thành công đánh bại Ethereum về PoS, thì đây sẽ là điều châm biếm với cộng đồng tiền ảo bởi các blockchain công cộng luôn được xem là niềm hi vọng để phá vỡ sự ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ lớn.

Vậy Facebook có lợi gì?

Có lẽ đây là câu hỏi lớn nhất vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng. Marcus nói với tạp chí Decrypt rằng dữ liệu tài chính và dữ liệu xã hội sẽ không bị “trộn lẫn” bởi người dùng có thể tách ví điện tử khỏi hồ sơ facebook của mình.

Về lý thuyết, việc Facebook xây ví điện tử bằng một công ty tách biệt độc lập là Calibra đồng nghĩa với việc chỉ Calibra mới có thông tin giao dịch, nhưng rất nhiều người dùng Calibra sẽ có thể dùng tính năng tìm bạn facebook hoặc kết nối Instagram, nên các luồng thông tin cá nhân có khả năng bị gộp lại. Marcus cũng phủ nhận tin đồn rằng các khoản đầu tư 10 triệu USD của những công ty tham gia xác thực đồng nghĩa với việc họ có thể truy cập vào dữ liệu giao dịch của người dùng.

Nếu đồng tiền này được chấp nhận sẽ đem lại lợi ích cho thương hiệu của Facebook. Trên lý thuyết, công ty sẽ có thêm cơ hội kinh doanh mới.

Khái niệm về một hệ thống thanh toán không biên giới hoàn toàn phù hợp với việc Zuckerberg tập trung vào mảng nhắn tin. Ngay cả trước khi quy tắc của Libra xác lập hoàn chỉnh thì Facebook cũng đã phát triển một ví điện tử tích hợp với Messenger và WhatsApp.

Thêm vào đó, Facebook cũng “sang tay” giảm tải được rất nhiều mối lo ngại về quy định và bảo mật mà họ đang phải đối mặt sang đối tượng quan tâm mới Libra. Theo Wired đưa tin, Marcus biết điều này và ông cho rằng điểm then chốt là phải đảm bảo cái tên Libra không bị đánh đồng với Facebook.

Libra có kế hoạch tăng số công ty tham gia xác thực từ 28 lên 100 vào thời điểm ra mắt đồng tiền năm 2020, đặt ra câu hỏi các công ty có động lực gì để đồng ý nhảy vào cuộc chơi? Tại thời điểm này, một số đối tác trong Hiệp hội Libra dường như tham gia chủ yếu do sự tò mò hơn là có chắc chắn cam kết trở thành node.

Nhưng cũng có những đối tác có thể sẽ đi dài hơi. Ông Fred Wilson, người đứng đầu Công ty đầu tư mạo hiểm Union Square Ventures, một trong những nhà tài trợ của dự án tiền ảo này, nói, “Hãy nghĩ Facebook như Satoshi Nakamoto và đồng Libra như Bitcoin”