Triết lý chính của Blockchain là việc loại bỏ các yếu tố con người trong quyết định của một hệ thống, có nghĩa là hệ thống vận hành một cách hoàn toàn tự động, không có sự can thiệp của con người. Con người khi nắm giữ những quyết định vận hành hệ thống mà không có sự giám sát ắt dễ nảy sinh các vấn đề lạm quyền, tiêu cực, ngoài ra các quyết định của con người cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại lai, hoặc nhầm lẫn…
Blockchain được thiết kế để hệ thống có thể tự động cân bằng, tự động điều chỉnh thông qua sự đồng thuận của số đông, bảo đảm các lợi ích của số đông một cách công bằng và minh bạch. Số đông sẽ đồng thuận một luật chơi, luật này được thể chế hoá bằng các thuật toán, và thuật toán được triển khai bằng các phần mềm. Chính các phần mềm, khi được chạy này sẽ vận hành hệ thống một cách tự động không cần có bất kỳ một sự can thiệp nào của con người kể cả những người đã tạo ra nó hoặc những hacker mạnh nhất cũng không thể phá hủy hoặc làm sai lệch thông tin, dữ liệu trong hệ thống.
Blockchain là làn sóng điện toán lần thứ 5.
Thiết kế của hầu hết các Blockchain là dữ liệu được ghi lại theo trình tự thời gian và có sự móc xích, mã định danh của dữ liệu cũ được ghi lồng vào dữ liệu mới, điều này khiến cho chỉ cần thay đổi thông tin 1 bit ở bất kỳ thời điểm nào trước đó, cũng khiến cho liên kết móc xích này bị đứt gẫy, do đó bất kỳ ai cũng dễ dàng phát hiện ra có sự sai lệch và qua đó phát hiện ra sự giả mạo.
Tiếp theo dữ liệu móc xích này được ghi phân tán ở tất cả các điểm trong hệ thống, điều này khiến cho dữ liệu được nhân bản ở rất nhiều nơi sẽ làm cho dữ liệu có tính chất minh bạch, ai cũng có thể tiếp cận, và dữ liệu của hệ thống rất khó có thể đánh sập hoặc sửa đổi, vì muốn vậy cần phải đánh sập hoặc sửa đổi ở tất cả các điểm (khác với mô hình tập trung chỉ cần đánh sập tại trung tâm-server), và hệ thống cũng dễ dàng đồng bộ số liệu chuẩn khi có sai sót hoặc khi một vài điểm có lỗi hoặc tắt máy.
Từ triết lý và sau là thiết kế, Blockchain đã hình thành một hệ thống có tính minh bạch và có dữ liệu và lịch sử hình thành dữ liệu không thể đảo ngược và quan trọng là không có sự can thiệp của cá nhân hay tổ chức nào trong quá trình vận hành hệ thống. Minh bạch và dữ liệu sạch sẽ tạo nên lòng tin của người dùng đối với hệ thống.
Đối với tiền mã hóa (cryptocurrency), người giao dịch có thể tự giao dịch không cần ngân hàng hay bên trung gian để xác thực do đó về mặt lý thuyết sẽ giảm được thời gian và chi phí (tuy nhiên trên thực tế hiện nay điều này không hoàn toàn đúng do giá trị của tiền mã hóa bị dao động quá nhiều). Blockchain có thể được sử dụng hiệu quả trong ngành ngân hàng nhờ việc tiết kiệm chi phí xác thực, đối soát số dư. Trong các chuỗi cung ứng Blockchain cũng có ưu thế không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn kiểm soát dễ dàng quá trình cung ứng hàng hóa. Trong lĩnh vực bảo hiểm và y tế, Blockchain cũng phát huy hiệu quả khi giảm được các khâu trung gian trong quá trình đồng bộ và dễ dàng truy xuất đến lịch sử cập nhật hồ sơ…
Blockchain sẽ là cơ sở nền tảng tạo ra nhiều ngành kinh tế mới bên cạnh lĩnh vực tiền mã hóa: Nền kinh tế vi thanh toán (Micropayment), Tạo nền tảng cho giao diện M2M (Machine-to-Machine) nền tảng giao dịch cho thế giới kết nối hơn 30 tỷ thiết bị IoT3 , Hợp đồng thông minh (Smart Contract), ứng dụng phân tán (dApp)…
Trong thời gian qua Việt Nam được đánh giá là một nước có tiềm năng về công nghệ Blockchain, khi có nhiều sự kiện tầm cỡ thế giới về Blockchain đã được tổ chức tại Việt Nam như Vietnam Blockchain Week (3/2018), Blockchain Festival Vietnam (5/2018) và Vietnam Blockchain Submit (6/2018). Người Việt Nam cũng có nhiều dự án Blockchain đã có bước đầu thành công: Kyber Network, Tomochain, Nexty, DatEat…Và đặc biệt mới đây Vietnam Blockchain Submit 2018, lần đầu tiên có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp cho thấy sự quan tâm của các cơ quan trong chính phủ về lĩnh vực Blockchain.
Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để có thể thành một trung tâm lớn trong khu vực về Blockchain, chỉ cần một chính sách phù hợp, Blockchain Việt Nam có thể sẽ cất cánh kỳ diệu như trong nông nghiệp với Khoán 10, Việt Nam đang từ một nước nhập khẩu gạo với một thời gian ngắn đã trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 trên thế giới.
Tài liệu tham khảo
1. S. Nakamoto, “Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System,” Www.Bitcoin.Org, pp. 1–9, 2008.
2. M. Swan, Blockchain Blueprint for a New Economy. O’Reilly Media, Inc., 2015.
3. A. Nordrum, “Popular Internet of Things Forecast of 50 Billion Devices by 2020 Is Outdated,” 2016.