Trong bức tranh toàn cầu, Đông Nam Á nổi lên là khu vực ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain một cách mạnh mẽ với nhiều tham vọng.
Khoảng 20 năm trước, không ai có thể dự đoán chính xác tác động to lớn của những phát minh như điện thoại thông minh và World Wide Web (www.) đối với nhân loại. Khi công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt, điều tương tự cũng đang xảy ra với blockchain.
Nhiều người quan niệm sai lầm khi hợp nhất blockchain với các loại tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum và Litecoin. Mặc dù blockchain trở nên nổi bật vì đóng vai trò là nền tảng của tiền điện tử ngày nay, nhưng bản thân công nghệ này có vô số ứng dụng ngoài chức năng đó.
Blockchain hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các ngành công nghiệp thế kỷ 21 và thậm chí cả quản trị. Tính linh hoạt và bản chất phi tập trung của blockchain đang dần được ứng dụng rộng rãi tại Đông Nam Á, khi nhiều chính phủ trong khu vực bắt đầu tìm cách thúc đẩy việc tích hợp công nghệ này vào các doanh nghiệp và khu vực công.
Các quốc gia đi đầu
Thái Lan là nơi tích cực áp dụng công nghệ blockchain nhất trong khu vực. Quốc gia này đã ban hành luật để quản lý các giao dịch tiền điện tử và đang lên kế hoạch phát hành “đồng coin trái phiếu”, một token dựa trên nền tảng blockchain có khả năng thanh toán nhanh. Gần đây, Ngân hàng Trung ương Thái Lan tiết lộ rằng họ đang xem xét các ứng dụng (app) được tạo ra nhờ công nghệ blockchain để thanh toán xuyên biên giới, tài trợ chuỗi cung ứng (SCF) và xác thực tài liệu.
“Sử dụng công nghệ như blockchain có thể giúp bảo vệ thông tin tài chính, giảm số lượng và mức độ của các hoạt động lừa đảo”, Veerathai Santiprabhob, Thống đốc Ngân hàng Thái Lan, cho biết.
Singapore cũng đạt được nhiều thành tựu về công nghệ blockchain, đặc biệt là các dự án ICO (Initial Coin Offering – phát hành coin ra công chúng lần đầu). Singapore đã trở thành điểm đến hàng đầu của các ICO, đặc biệt là đối với những công ty Trung Quốc sau khi quốc gia này cấm hình thức ICO và gọi đây là công cụ gây quỹ bất hợp pháp. Chính phủ và khu vực tư nhân của Singapore đã thiết lập nhiều vườn ươm và quỹ đầu tư tập trung vào tiền điện tử cũng như các ứng dụng khác của blockchain.
Bên cạnh đó, Singapore cũng bắt đầu thử nghiệm công nghệ blockchain trong lĩnh vực năng lượng. Công ty khởi nghiệp Electrify có trụ sở tại Singapore sử dụng blockchain để tạo ra một nền tảng giao dịch ngang hàng, nơi điện có thể được mua và bán ở mức giá rẻ hơn. Electrify gần đây đã huy động được số tiền tài trợ trị giá 30 triệu USD. Công ty này đang tìm cách xâm nhập vào thị trường Singapore sâu hơn nữa khi các quy định cho phép người dùng lựa chọn nhà cung cấp năng lượng ưa thích của họ có hiệu lực.
Vào tháng 7/2018, Quỹ NEM khai trương trung tâm blockchain lớn nhất châu Á tại Kuala Lumpur, Malaysia. Trung tâm có nhiệm vụ giáo dục, đào tạo cho người dân về công nghệ blockchain, cũng như hỗ trợ các startup hoạt động trong lĩnh vực này thông qua những chương trình vườn ươm khởi nghiệp và tăng tốc khởi nghiệp.
Ngân hàng Trung ương Malaysia đang thúc đẩy sự phát triển của fintech khi họ tìm cách khai thác những công nghệ hiện đại như blockchain để cải thiện dịch vụ tài chính. Malaysia thiết lập một khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox), cho phép các công ty fintech và ngân hàng thử nghiệm sản phẩm và mô hình kinh doanh mới trong thời gian không quá 12 tháng. Quốc gia này cũng đang thực hiện các bước cần thiết để kiểm soát và quản lý tiền điện tử trong nước.
Sự phát triển đầy hứa hẹn
Ngành blockchain của Indonesia đang tích cực tận dụng mọi cơ hội hiện có. Trong khoảng một năm qua, Indonesia đã chứng kiến sự bùng nổ của các startup liên quan đến blockchain. Họ ban đầu chỉ tập trung vào tiền điện tử nhưng bây giờ đã mạo hiểm chuyển sang cả những lĩnh vực khác.
Thời gian tới, blockchain có khả năng tạo nên một cuộc cách mạng trong hoạt động của chính phủ, chuỗi cung ứng và logistics, các giao dịch của người tiêu dùng, bảo mật dữ liệu. Cả khu vực công và tư đang tìm cách hợp tác với nhau để vượt qua những thách thức liên quan đến quản lý dữ liệu. Ví dụ, ứng dụng Online Pajak được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain giúp cải thiện tính minh bạch cũng như giảm gánh nặng giấy tờ liên quan đến hệ thống thuế.
Tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang góp phần mở đường cho sự phát triển của các ứng dụng blockchain. Chính phủ gần đây đã xây dựng một khuôn khổ pháp lý thử nghiệm fintech có thể được sử dụng bởi các startup liên quan đến blockchain. Các công ty như nhà cung cấp mạng di động Viettel, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian Napas thử nghiệm công nghệ blockchain và triển khai một số dự án thí điểm.
Philippines công nhận blockchain là một công nghệ mang tính cách mạng cùng với sự ra đời của Hiệp hội Blockchain Philippines (BAP) vào tháng 5/2018. Dưới sự lãnh đạo của Justo Ortiz – chủ tịch Union Bank, một trong những ngân hàng lớn nhất tại Philippines – BAP hy vọng giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai công nghệ blockchain để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, Union Bank chọn năm ngân hàng nông thôn ở Mindanao [hòn đảo lớn thứ hai ở Philippines] thực hiện một chương trình thí điểm blockchain, hỗ trợ việc thanh toán trong hệ thống bán lẻ. Sáng kiến này được thiết lập nhằm liên kết các ngân hàng nông thôn với mạng lưới tài chính của toàn bộ đất nước.
Tại một số quốc gia khác trong khu vực, công nghệ blockchain vẫn đang trong giai đoạn đầu hội nhập như Lào, Brunei, Campuchia và Myanmar. Blockchain được sử dụng trong nhiều lĩnh vực từ cung cấp dịch vụ tài chính đến các sáng kiến về chính phủ điện tử. Mặc dù chưa thu được nhiều kết quả rõ ràng, nhưng các sáng kiến như vậy chứng tỏ nhận thức ngày càng tăng về blockchain như một công nghệ làm nền tảng cho tương lai.