Sàn thương mại điện tử công nghiệp B2B đầu tiên ở Việt Nam đang có bước đi mới nhắm đến việc hỗ trợ các cửa hàng mua bán vật tư nhỏ lẻ tăng doanh thu và quản trị hàng hóa.

Nền tảng thương mại điện tử Halana
Nền tảng thương mại điện tử B2B Halana

Trong khi hầu hết cá nhân có thể sử dụng sàn thương mại điện tử B2C để tìm kiếm bất kì sản phẩm tiêu dùng nào thì các doanh nghiệp trước đây không có khả năng như vậy. Mặc dù là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn luôn phải chịu đựng những quy trình thủ công, dẫn đến tốn kém thời gian và tiền bạc cho cả người mua lẫn nhà cung cấp khi giao dịch các mặt hàng công nghiệp. Ngoài ra, người mua cũng không thể tìm được nguồn cung sản phẩm một cách nhanh chóng do thị trường thiếu tính minh bạch và che dấu khả năng hiện thị giá cả.

Ra đời vào năm 2019, Halana (trước đây là EI Industrial) là sàn thương mại điện tử công nghiệp B2B đầu tiên với mục đích đẩy nhanh quá trình mua sắm kỹ thuật số giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng. Người mua có thể trực tiếp tìm kiếm sản phẩm trong hơn 20 danh mục ngành hàng như dụng cụ điện, dụng cụ cầm tay, hóa chất công nghiệp, đồ dùng thí nghiệm, đồ bảo hộ lao động, linh kiện từ nhiều nhà cung cấp và chọn được những giao dịch tốt nhất hiện có.

Theo thống kê của công ty, có ba hoạt động mua bán mà các doanh nghiệp sản xuất thường xuyên chi là máy móc thiết bị (10% chi phí), nguyên vật liệu (30% chi phí) và các vật tư tiêu hao phục vụ cho việc vận hành-bảo trì-sửa chữa (Maintenance Repair Operation - MRO), chiếm khoảng 1 - 5% tổng chi phí.

Miếng bánh mà công ty nhắm tới chính là thị phần trị giá hơn 45 tỷ USD của các hoạt động MRO trong nước. Các nhà sáng lập nói rằng mặc dù MRO là khoản chi nhỏ nhưng lại là hoạt động thường xuyên, với tần suất hàng trăm tới hàng ngàn đơn hàng mỗi tháng và cũng là nơi tốn kém thời gian nhất cho doanh nghiệp. Bởi vậy, họ có thể tận dụng lợi thế công nghệ để giúp khách hàng giải quyết những bài toán đau đầu này bằng cách tiêu chuẩn hóa các mã vật tư khác nhau và cung cấp những phần mềm dịch vụ SaaS để hỗ trợ khách hàng quản lý kho (Warehouse Management System) và quản lý thu mua (E-Procurement).

Cuối năm 2021, EI Industrial đã nhận được tài trợ hạt giống trị giá 670.000 USD do công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu Cocoon Capital dẫn dắt với sự tham gia của quỹ đầu tư Beenext. Tại thời điểm đó, nền tảng đang phục vụ hàng trăm khách hàng, bao gồm các công ty toàn cầu như tập đoàn Esquel, Heineken, Toshiba, Olam, Aqua, Oishi, Wahl, Central Group, và một loạt nhà cung cấp uy tín như Schneider Electric, Bosch, Honeywell, 3M.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và việc bắt tay với các nhà đầu tư mạo hiểm đã khiến startup này nhận ra nhiều điều. Trong khi đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong việc mua sắm hàng hóa của doanh nghiệp, thì bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ - chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam - cũng bộc lộ một nhu cầu khổng lồ mới về việc tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của mình.

Chia sẻ tại Techfest 2022, ông Hồ Hoài Ân (Anthony Ho), đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Halana nói rằng, trong hai năm vừa qua, họ đã nhắm mục tiêu vào các công ty đa quốc gia với kỳ vọng rằng những công ty này sẽ tạo ra giá trị mua bán lớn. Nhưng các công ty lớn lại thường có quy trình mua sắm riêng và không sẵn sàng áp dụng công nghệ của startup. Thực tế, mặc dù số lượng người mua và người bán hiện diện trên sàn không ít nhưng tính thanh khoản của thị trường lại không quá tốt do người bán không thể tìm thấy người mua ngay lập tức.

Halana nhanh chóng nhận ra rằng trong số người mua hiện có trên sàn, khoảng 30% là các công ty đa quốc gia, nhưng có tới 70% là các cửa hàng vật tư nhỏ, cá nhân…và chính những người này lại cần giải pháp của họ hơn. Đây là tín hiệu quan trọng để công ty xác định lại mô hình kinh doanh và dẫn đến kết quả đổi tên thương hiệu vào tháng 3/2022.

Đội ngũ sáng lập từ trái qua phải: Nguyễn Nhật Trung (CTO), Trần Thị Kim Phúc (COO) và Hồ Phi Ân (CEO). Ảnh: Halana
Đội ngũ sáng lập từ trái qua phải: Nguyễn Nhật Trung (CTO), Trần Thị Kim Phúc (COO) và Hồ Phi Ân (CEO). Ảnh: Halana

Giờ đây, Halana đang dồn lực vào việc đưa các cửa hàng bán lẻ vật tư lên sàn thương mại điện tử. Ông Ân chỉ ra, sự phân mảng của thị trường làm cho hơn 200.000 cửa hàng vật tư địa phương mất đi cơ hội tạo doanh thu hơn 125.000 USD mỗi năm (khoảng 1,3 tỷ đồng) vì ba lý do chính: các cửa hàng này thiếu vị thế đàm phán với các nhà sản xuất và thương hiệu do sức mua quá thấp; dòng tiền của họ luôn trong trạng thái eo hẹp vì trữ hàng quá mức do không kiểm soát được thông tin hàng tồn kho một cách hiệu quả; và họ thiếu sự hiện diện trực tuyến nên chỉ tiếp cận được các khách hàng ngoại tuyến tại địa phương.

“Giải pháp của chúng tôi sẽ số hóa và trao quyền cho các cửa hàng bán lẻ vật tư công nghiệp để họ có thể mua bán (lên tới 10.000 đơn vị hàng hóa) từ bất kỳ ai, giúp tối ưu hóa hàng tồn kho thêm 20% và nâng cao lợi nhuận ít nhất 10% nhờ việc kết nối với hàng nghìn người mua trực tuyến trên nền tảng”, ông Ân chia sẻ.

Đến nay Halana đã có hơn 1.400 người mua và 1.000 người bán hiện diện trên sàn, với tần suất bắt đầu mua bán sau một tuần đăng ký. Tổng giá trị giao dịch hàng hóa đã tăng gấp bảy lần kể từ thời điểm thay đổi tập khách hàng. Lợi nhuận của Halana đến từ phí giao dịch các mặt hàng (lên tới 10%).

Halana hiện có ba sản phẩm chính: một web app truy cập sàn giao dịch điện tử Halana.vn (đang hoạt động và sẽ chính thức ra mắt vào tháng 3/2023), một ứng dụng dành cho thiết bị di động mobile app với giao diện đơn giản để chọn mua bán hàng hóa (vừa bắt đầu hoạt động và dự kiến ra mắt vào tháng 6/2023), và một hệ thống phần mềm SaaS để chủ cửa hàng có thể quản lý toàn diện các quy trình đầu cuối (dự kiến ra mắt vào tháng 1/2024). Qua các cột mốc đưa công nghệ sâu hơn vào thị trường, công ty khởi nghiệp này kỳ vọng sẽ tăng nhanh được số cửa hàng bán lẻ lên 5.200 cửa hàng và nâng tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên sàn lên trên 100 triệu USD vào cuối năm 2025.

Tình hình có vẻ khả quan khi tới 65% lượng truy cập website hằng ngày của Halana hiện là truy cập tự nhiên. Điều này bản thân nó đã tạo ra 70-80 người bán đăng ký mới mỗi ngày. Tuy nhiên, để đạt được những con số cực kỳ tham vọng trong tương lai, Halana cũng phải chạy bằng con đường thủ công khác. Vì thương mại điện tử B2B vẫn còn rất mới mẻ nên để tiếp cận những cửa hàng bán lẻ vẫn còn giữ tính truyền thống, công ty đang triển khai đội ngũ đến gõ cửa từng cửa hàng để giới thiệu nền tảng và hướng dẫn họ số hóa.

Ông Ân cho biết, trong 18 tháng tới, công ty sẽ nhắm đến “thu phục” các cửa hàng xung quanh 150 khu công nghiệp ở năm thành phố tại miền Nam là Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vũng Tàu.