Những loại bảo hiểm thoạt nghe rất kỳ lạ như bảo hiểm chỉ số thời tiết đề phòng thiệt hại mùa màng, bảo hiểm bảo vệ các tài sản trong nhà trước các sự kiện thiên tai hay bảo hiểm giao hàng không thành công, v.v. chính là điểm khác biệt của Igloo trước cuộc đua chiếm lĩnh thị trường công nghệ bảo hiểm (InsurTech).
Những loại bảo hiểm sáng tạo
Thị trường bảo hiểm Việt Nam từ lâu đã được đánh giá là mảnh đất tiềm năng đang chờ được khai phá, với tỷ lệ thâm nhập (doanh thu phí bảo hiểm/GDP) và phí bảo hiểm bình quân (chi tiêu cho bảo hiểm bình quân đầu người) ở mức thấp. Theo báo cáo phân tích về những thách thức cũng như thuận lợi đối với ngành bảo hiểm giai đoạn hậu COVID-19 do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam hiện dao động ở mức 2,3 - 2,8% - thấp hơn so với các thị trường mới nổi và cách xa mức 9,6% tại các thị trường phát triển.
“Tại Việt Nam, Indonesia, Philippines, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm chỉ dưới 100 USD/người”, ông Raunak Mehta, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Igloo, đưa ra con số. Nhìn thấy khoảng trống tiềm năng này, năm 2016, ông và ông Wei Zhu (cựu Giám đốc công nghệ của Grab) đã quyết định thành lập nên Igloo - startup công nghệ bảo hiểm hướng đến cung cấp bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của người dân Đông Nam Á.
Igloo hiện đang làm việc với 20 công ty bảo hiểm trên khắp Đông Nam Á, phân phối các sản phẩm bảo hiểm của mình thông qua quan hệ đối tác với hơn 55 công ty ở bảy quốc gia.
Để làm được điều đó, các chuyên gia tại startup đã tạo ra những sản phẩm bảo hiểm đầy sáng tạo, cụ thể hóa mong muốn của những cộng đồng nhất định. Chẳng hạn, mới đây, Igloo đã hợp tác với Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Công ty Tái bảo hiểm quốc tế SCOR ra mắt sản phẩm Bảo hiểm Chỉ số thời tiết tại Việt Nam dành cho người nông dân trồng lúa. “Sản phẩm nhằm bảo vệ người nông dân trồng lúa trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt như ngập úng hoặc hạn hán”, ông Nguyễn Hữu Tự Trí, Giám đốc Igloo Việt Nam, cho biết.
Trong giai đoạn đầu, công ty sẽ triển khai sản phẩm tại tám tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ các chỉ số dữ liệu thời tiết, người nông dân có thể nhận được các khoản bồi thường lên tới 4 triệu đồng/ha trong trường hợp xảy ra tổn thất do các sự kiện thời tiết hoặc thiên tai.
Bên cạnh đó, Igloo còn phối hợp với các startup giao hàng như Foodpanda ở Thái Lan, Singapore và Philippines cũng như Lozi và Ahamove Việt Nam để đưa ra các chính sách dành cho tài xế giao hàng, chẳng hạn như “Trợ cấp tiền mặt khi nằm viện”, “Bảo hiểm phương tiện” và “Bảo hiểm vận chuyển hàng hóa”. Với chương trình bảo hiểm hợp tác với Ahamove Việt Nam, tài xế sẽ được hưởng trợ cấp theo ngày khi nằm viện vì ảnh hưởng của dịch bệnh, tối đa 50 ngày trong một năm, cùng chi phí phẫu thuật nhận một lần.
Cách đây hai tháng, Igloo tiếp tục hợp tác với hãng thương mại điện tử Shopee, chính thức giới thiệu sản phẩm Bảo hiểm Tài sản trong nhà tại Việt Nam. Đây là giải pháp bảo vệ toàn diện cho tài sản trong nhà trước các sự kiện bất ngờ như thiên tai và hỏa hoạn. Bên cạnh bảo vệ các tài sản trong nhà trước các sự kiện thiên tai, sản phẩm này còn cung cấp Bảo hiểm thuê nhà, bồi thường thiệt hại về tiền thuê nhà hoặc chi phí thuê khác phát sinh do sự kiện được bảo hiểm.
Những sản phẩm này được xem là loại bảo hiểm giải quyết các nỗi lo “không tên” mà từ trước đến nay người dân không biết làm thế nào để có một “đường lùi” an toàn. Ông Mehta cho biết startup còn phát triển các sản phẩm hướng đến phụ nữ, khi hợp tác với Philinsure ở Philippines để cung cấp bảo hiểm vỡ nợ tín dụng, tai nạn cá nhân, hỗ trợ thiên tai cho những người phụ nữ buôn bán nhỏ lẻ. Tại Việt Nam, hơn 65% đại lý sử dụng nền tảng kỹ thuật số Ignite của Igloo để bán hợp đồng bảo hiểm là phụ nữ và họ cũng là đối tượng hưởng lợi chính từ sản phẩm Bảo hiểm Chỉ số Thời tiết.
Thông thường, Igloo phát triển các sản phẩm bảo hiểm của mình, sau đó hợp tác với các công ty bảo hiểm để được bảo lãnh chính sách. Công ty hiện đang làm việc với 20 công ty bảo hiểm trên khắp Đông Nam Á, phân phối các sản phẩm bảo hiểm của mình thông qua quan hệ đối tác với hơn 55 công ty ở bảy quốc gia. Tại Việt Nam, Igloo hiện cung cấp 15 sản phẩm, bao gồm các chính sách dành cho người giao hàng, game thủ, nông dân v.v.
Một số sản phẩm của Igloo.
Giảm thiểu chi phí giải quyết khiếu nại
Dù các chính sách bảo hiểm có đáp ứng nhu cầu và thuận lợi đến đâu, nếu muốn người dân sẵn lòng “rút hầu bao” chi trả, họ cần phải giảm phí bảo hiểm xuống mức phải chăng - nhất là khi những khách hàng Igloo hướng đến hầu hết là nông dân, người giao hàng, tiểu thương. Điều này khiến nhiều người không khỏi nghi ngại: Làm thế nào để giảm được chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ?
Câu trả lời nằm ở công nghệ. Có thể hiểu startup bảo hiểm công nghệ (Insurtech) là startup chuyên sử dụng các sáng tạo công nghệ để nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm các khoản chi phí từ mô hình ngành bảo hiểm hiện tại. Họ hướng đến tận dụng công nghệ để cung cấp các chính sách tùy chỉnh, tính phí bảo hiểm linh hoạt theo hành vi quan sát được.
Theo đó, “chúng tôi cung cấp toàn bộ chuỗi giá trị bảo hiểm, từ quá trình tìm hiểu sản phẩm đến yêu cầu bồi thường, trên cùng một nền tảng. Hơn 80% yêu cầu bồi thường hiện được quản lý theo cách tự động hoặc bán tự động. Nhờ việc quản lý thông qua dữ liệu lớn, học máy và trí tuệ nhân tạo, chúng tôi có thể giảm thiểu rủi ro mắc lỗi hoặc gian lận”, ông Mehta lý giải trong một bài phỏng vấn trên tờ e27. Nói cách khác, việc quản lý bằng máy giúp gia tăng độ chính xác, từ đó giảm thiểu số lượng khiếu nại, nhờ đó giảm thiểu chi phí quản lý, giúp Igloo có thể cung cấp phí bảo hiểm thấp hơn cho khách hàng.
Chẳng hạn, với bảo hiểm chỉ số thời tiết cho nông dân - một loại bảo hiểm vô cùng phức tạp bởi nó liên quan đến các điều kiện tự nhiên, Igloo cần phải phối hợp với nhiều bên và ứng dụng công nghệ để quản lý dữ liệu theo thời gian thực. Dựa trên dữ liệu lượng mưa được thu thập từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn và giám sát bởi Igloo, Bảo hiểm Chỉ số thời tiết sẽ tự động thanh toán các khoản bồi thường dựa trên những giá trị đã được xác định trước cho người nông dân trong trường hợp xảy ra tổn thất do các sự kiện thời tiết hoặc thiên tai. Khâu giám định bồi thường được loại bỏ giúp giảm chi phí giao dịch và cho phép nông dân nhận được thanh toán nhanh hơn. Việc tích hợp blockchain cũng sẽ đảm bảo tính bảo mật và quyền riêng tư cho dữ liệu của nông dân.
Igloo cho biết tình hình sản xuất gạo trong khu vực đang gặp phải nhiều thách thức do các điều kiện khí hậu khắc nghiệt như lũ lụt, lượng mưa thay đổi dẫn đến sản lượng giảm sút, ảnh hưởng tới sinh kế của nông dân trồng lúa. Ước tính cho thấy chỉ cần tăng tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm của người nông dân lên 1%, cũng sẽ giúp giảm gần 22% chi phí khắc phục thảm họa. “Sản phẩm đã bảo vệ cho gần 6.000 ha và chúng tôi đang hướng tới bảo vệ cho 50.000 ha trong những mùa vụ sắp tới thông qua hợp tác với các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hữu Tự Trí chia sẻ. Hiện công ty đang cung cấp các khoản bồi thường tự động cho người nông dân trong trường hợp lượng mưa tại tám tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt hoặc cao quá mức trong vòng năm ngày liên tiếp - điều này đòi hỏi phải có sự tham gia của công nghệ nhằm đảm bảo tính chính xác.
Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, mức phí bảo hiểm chỉ số thời tiết được giảm xuống còn 220.000 VND/ha. Igloo cho biết dựa trên các chỉ số dữ liệu thời tiết, người nông dân có thể nhận được các khoản bồi thường lên tới 4 triệu đồng/ha.
Những nỗ lực của Igloo đã hấp dẫn các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Sau đợt huy động vốn đầu tiên với 19 triệu USD, Igloo đã phải mở thêm đợt huy động vốn vòng Series B mở rộng để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Nhờ đó, họ đã huy động được thêm 27 triệu USD, nâng tổng số tiền của vòng Series B lên 46 triệu USD. Vòng mới nhất do Quỹ đầu tư InsuResilience II dẫn dắt, do ngân hàng phát triển Đức KfW thuộc Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) khởi xướng và được quản lý bởi nhà đầu tư BlueOrchard Finance. Các nhà đầu tư tiêu biểu khác gồm Tổ chức Quản lý Tài sản Ngân hàng Thế giới dành cho Phụ nữ (WAM), FinnFund, La Maison và các nhà đầu tư cũ như Cathay Innovation.
“Khoản tiền này sẽ giúp chúng tôi hoạt động trong nhiều năm, chúng tôi dự định sẽ tập trung vào việc tuyển dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng, sáp nhập và mua lại”, ông Raunak Mehta chia sẻ với TechCrunch.
Liệu Igloo có thành công hay không? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng chắc chắn rằng trong bối cảnh người dân đang ngày càng quan tâm đến các loại bảo hiểm sau quãng thời gian phải gánh chịu quá nhiều tổn thất do COVID-19, Igloo đang đứng trước rất nhiều cơ hội lớn.
Những nỗ lực của Igloo đã hấp dẫn các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Sau đợt huy động vốn đầu tiên với 19 triệu USD, Igloo đã phải mở thêm đợt huy động vốn vòng Series B mở rộng để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Nhờ đó, họ đã huy động được thêm 27 triệu USD, nâng tổng số tiền của vòng Series B lên 46 triệu USD. |