Metaverse hay vũ trụ ảo đã tạo ra một nghề mới: thiết kế thời trang cho nhân vật đại diện, với những vật phẩm đắt đỏ không kém ngoài đời thực, lên đến hàng nghìn USD.
“Không ai mặc những thứ này ngoài đời thực”, Jenni Svoboda, nhà thiết kế thời trang, mô tả chiếc mũ len đính kèm một chiếc bánh mà cô đang vẽ. Svoboda là một trong những nhà thiết kế đang tạo ra các mẫu quần áo và phụ kiện cho một thị trường mới, thị trường thời trang trên vũ trụ ảo.
Chỉ những người tham gia các nền tảng vũ trụ ảo, như Decentraland, Roblox hay Horizon World mới có thể nhìn thấy những bộ trang phục này. Mỗi nền tảng vũ trụ ảo giống như một trò chơi mô phỏng thế giới thực, trong đó người chơi điều khiển một nhân vật đại diện thực hiện các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm, tương tác lẫn nhau, v.v... Dù vậy, các nhà thiết kế thời trang vũ trụ ảo đang kiếm ra tiền thật, và thậm chí ngày càng được săn đón, khi nhiều người dùng có nhu cầu trang trí nhân vật.
Ảnh minh họa
Nhóm người dùng này tìm kiếm cho nhân vật đại diện, hay avatar, của mình những bộ trang phục kỳ lạ nhất có thể, không tuân theo bất kỳ quy chuẩn xã hội nào trong đời thực, thậm chí đi ngược lại các quy luật vật lý.
Michaela Leitz-Askalan điều hành một công ty thời trang trong thế giới thực nhưng đã mở thêm dịch vụ trên vũ trụ ảo, sau khi "lang thang" trên Decentraland và được nhiều người khen ngợi trang phục avatar. Đến nay, Leitz-Askalan đã làm việc trong ngành thời trang vũ trụ ảo được vài năm. Cô thu về 49 USD tiền số cho mỗi bộ quần áo vũ trụ ảo, và cho biết khách hàng phản hồi rằng dịch vụ này "rất đáng đồng tiền bát gạo".
Một nhà tạo mẫu khác, Gemma Sheppard, chuyên gia thời trang truyền hình thực tế người Anh, đã chuyển sang tạo mẫu tóc trong vũ trụ ảo, sau khi nhận ra các vật phẩm và dịch vụ ở đó đắt đỏ không kém đời thực.
Svoboda thì chủ yếu thiết kế quần áo và phụ kiện cho người dùng Roblox. “Chúng tôi phải thử và sai", Svoboda mô tả quy trình làm việc. Cô thường xem qua lịch sử trang phục của người dùng, hỏi xem nghệ sĩ và người nổi tiếng yêu thích của họ là ai, sau đó tạo ra những kiểu dáng phù hợp với gu thẩm mỹ của họ. Thông thường trong ngành thời trang, quy trình thiết kế cá nhân hóa như vậy sẽ có giá cao.
Không ai trong số họ nói thẳng ra, nhưng có vẻ như một số nhà tạo mẫu đã bị thu hút vào vũ trụ ảo một phần bởi đây là thị trường nhiều khách hàng "chịu chi", bằng chứng là các công ty như Roblox đã kiếm hàng trăm triệu USD chỉ từ quần áo kỹ thuật số cho avatar.
Nhiều người dùng Roblox trả đến hàng trăm USD cho một đôi giày cao gót, mức giá tương đương những đôi giày hàng hiệu ngoài đời thực. Vào năm 2022, hơn 11,5 triệu người đã tạo ra 62 triệu mặt hàng quần áo và phụ kiện chỉ riêng trên Roblox.
Thậm chí, ngày càng nhiều bộ trang phục "siêu độc quyền", được hợp tác phát hành bởi các nhà thiết kế danh tiếng, có giá lên đến hàng nghìn USD và người dùng còn phải nhanh tay mới mua được. “Nếu không kịp mua thì còn có một thị trường đồ cũ sôi động, với giá cao hơn giá phát hành ban đầu", Sheppard, người tạo kiểu tại các giải Grammy, cho biết.
Một ví dụ là chiếc váy Xuân/Hè 2023 của Carolina Herrera, được trình diễn trong Tuần lễ thời trang New York. Svoboda đã tạo ra một phiên bản kỹ thuật số của chiếc váy với sự hỗ trợ của Herrera. Chiếc váy ảo sau đó được bán với giá 500 Robux, tương đương 5 USD. 432 chiếc đã bán hết trong 4 giờ, và bây giờ nếu muốn sở hữu vật phẩm ảo này người dùng phải bỏ ra khoảng 5.000 USD.
Chiếc váy trên Roblox được hợp tác thiết kế với Carolina Herrera và hiện có giá khoảng 5.000 USD. Ảnh: Twitter.
Đối với những người bình thường, việc chi quá nhiều tiền cho quần áo ảo có vẻ kỳ quặc và vô lý, nhưng có những lý do sâu xa hấp dẫn người dùng vũ trụ ảo, Sheppard nói. Đó là khả năng thử nghiệm và trải nghiệm những thứ kỳ lạ một cách an toàn, trong một không gian xã hội trực tuyến.
Leitz-Askalan đồng ý rằng metaverse cho phép người dùng, hay avatar của họ, mặc những bộ trang phục "hoang dại" nhất. "Thời trang ngoài đời thực bị hạn chế bởi những quy tắc nhất định, nhưng trong vũ trụ ảo, bạn có thể mặc bất cứ thứ gì", Leitz-Askalan nói.
Nhà thiết kế cho biết nhiều khách hàng tìm đến cô để thử những phong cách thời trang lập dị mà họ cho là không phù hợp trong cuộc sống thực.
Một số người dùng khám phá ra khía cạnh mới của bản thân mà họ chưa biết trước đây. Vài tuần trước, Leitz-Askalan đã gặp một khách hàng nam trên mạng xã hội Discord. Người này yêu cầu cô tự do thiết kế cho anh một bộ trang phục, bất kể giới tính và quy ước. Kết quả là một chiếc váy có cánh màu xanh óng ánh, với tay áo bằng lưới, vương miện hoa hồng và giày cao gót tím. Khách hàng tỏ ra bất ngờ và yêu thích bộ trang phục.
Svoboda, một người chuyển giới, cho rằng thời trang kỹ thuật số còn giúp người ta vượt qua mặc cảm về ngoại hình. "Chiếc váy nào cũng vừa vặn với cơ thể của avatar, bất kể là nam hay nữ, thật tuyệt", nhà thiết kế này nói.
Nguồn:
https://www.technologyreview.com/2022/12/07/1064364/the-metaverse-fashion-stylists-are-here/
https://www.forbes.com/sites/stephaniehirschmiller/2022/07/19/digital-fashion-brand-dressx-launches-on-metas-avatar-store/?sh=552a0a68248c