Hệ thống chia sẻ cốc tái sử dụng AYA Cup và công ty cung cấp giải pháp kiểm soát hệ thống điện năng cho các khách sạn và nhà lưu trú Airiot là 2 startup Việt vừa đoạt giải cuộc thi lối sống carbon thấp do UNEP tổ chức.
Theo thông báo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc - UNEP, ngoài Việt Nam, còn có 7 quán quân khác đến từ Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan. Mỗi người chiến thắng nhận 10.000 USD tài trợ và được tham gia vào chương trình đào tạo, cố vấn kinh doanh và hỗ trợ phân tích kỹ thuật về tác động môi trường.
Dưới đây là gương mặt 9 quán quân:
Ngăn chặn rác thải nhựa
Công ty khởi nghiệp Remakehub của Sissi Chao đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp đánh bắt cá và nhiều thương hiệu thời trang để thu thập lưới đánh cá bị loại bỏ, sau đó biến chúng thành các sản phẩm nhựa tái tạo chất lượng cao. Startup này cũng đã hợp tác với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF để tạo ra các mẫu kính râm và đồ nội thất được tái chế nâng tầm, nhằm hướng tới khai thác các thị trường kính mắt và nội thất trị giá hơn 100 tỷ USD mỗi năm.
Là người sáng lập dự án The Green Road (Con đường xanh), Rikesh đang biến rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng đường bộ ở Bhutan. Dự án đã thu hồi được 400 tấn nhựa thải từ các bãi chôn lấp và công nghiệp, sử dụng chúng để trải nhựa trên 65km đường. Bhutan có hệ thống đường bộ dài hơn 8.800km, mỗi năm cần trải nhựa lại gần 20% quãng đường. Nhu cầu này hứa hẹn nhiều tiềm năng cho việc ứng dụng sản phẩm từ rác thải nhựa như của Rikesh.
Hệ thống chia sẻ cốc tái sử dụng Linh Lê mang tên AYA Cup đang nhắm đến việc giảm thiểu lượng rác thải nhựa từ ngành công nghiệp giao hàng và đồ uống mang đi. Startup này kết hợp với các cửa hàng cà phê để cung cấp loại cốc dùng nhiều lần, cho phép khách mượn mang đi và trả lại ở bất kì điểm nào trong hệ thống. Ước tính mỗi năm Việt Nam dùng hơn 27 tấn nhựa và xốp trong lĩnh vực giao hàng và đồ uống mang đi, thị trường công nghiệp đồ nhựa dùng một lần trị giá tới 1,6 tỷ USD mỗi năm mà AYA Cup đang tìm kiếm lợi nhuận trong đó.
Năng lượng ít phát thải carbon
Nền tảng Wattime của Kaikai Yang đang kết nối các nhà sản xuất điện tái tạo và người sử dụng ở khu vực nông thôn. Thông thường, việc tạo ra điện và tiêu thụ tại địa phương không đạt được mức cân bằng, nhưng startup này nhắm đến giải quyết vấn đề bằng công nghệ blockchain và hạ tầng đo lường tiên tiến.
Là một kỹ sư điện được đào tạo, công ty khởi nghiệp Enent của Osama bin Shakeel đã chế tạo một bộ cân bằng tải có thể tiết kiệm 20-25% hóa đơn tiền điện cho các hộ gia đình mà hầu như không ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Nó không chỉ giúp các hộ gia đình ở Pakistan tiết kiệm tài chính, mà còn có lợi cho môi trường nhờ cắt giảm khí thải carbon của các tòa nhà cao ốc, vốn là một trong những tác nhân đóng góp chính cho vấn đề biến đổi khí hậu.
Công ty khởi nghiệp Airiot của Tuấn Trần đang nhắm mục tiêu vào thị trường khách sạn và nhà lưu trú homestay, nơi khách thuê thường có thói quen để điều hòa bật ngay cả khi họ đã ra ngoài, gây lãng phí điện rất lớn.
Giải pháp đơn giản của Airiot là một thiết bị nhỏ giúp kiểm soát hệ thống điện năng của cả căn phòng, có khả năng ngắt mở tự động. Sản phẩm này đã được thí điểm tại 500 phòng trên khắp Việt Nam, cho thấy mức giảm 25-40% trong sử dụng điện mỗi tháng - đồng nghĩa với việc giảm được khí thải carbon liên quan.
Phương tiện đi lại ít phát thải carbon
Công ty CyFai của Pichayanun đang khai thác hai điểm mà Thái Lan có rất nhiều: đó là ánh sáng mặt trời và xe hai bánh. Khởi đầu là nhà cung cấp mái che cho bãi đỗ xe, giờ đây startup này đang làm việc với các đối tác kỹ thuật để tích hợp thêm tấm năng lượng mặt trời và trạm sạc cho những bãi đỗ này, đồng thời đầu tư xe đạp điện cho phân khúc khách hàng thu nhập thấp.
Những chiếc xe đạp điện có thể dùng như một nguồn pin di động có khả năng cấp điện cho gia đình. CyFai đang nỗ lực tạo ra một hệ thống thay thế thân thiện với môi trường, nhắm vào thị trường 83% hộ gia đình sử dụng xe hai bánh ở Thái Lan.
Mạng lưới Nimray của Ajay đang kết nối xe ô tô điện với các trạm sạc năng lượng mặt trời ở Ấn Độ. Họ cung cấp pin mặt trời và trạm sạc, đồng thời áp dụng công nghệ Blockchain để kiểm soát tiêu thụ. Vì ngày càng có nhiều phương tiện chạy điện được sử dụng, Ajay nỗ lực đạt mức giảm tới 95% khí thải carbon khi các phương tiện sạc bằng năng lượng tái tạo.
Công ty ETran của Choohut được thành lập trên ý tưởng phát triển một chiếc xe máy điện cho giao thông công cộng [tương tự xe ôm]. Giờ đây, họ đã có 2 mẫu xe là Prom và Kraf thiết kế riêng từ công nghệ in 3D cho mục đích chở khách, công ty đang nỗ lực điện khí hóa để giảm lượng khí nhà kính mà Thái Lan tạo ra hàng năm từ 22 triệu xe máy.
Ước tính mỗi năm giao thông hai bánh của Thái Lan tạo ra hơn 18 triệu tấn khí CO2. Startup này cũng có mục đích giảm sử dụng nhựa có hại cho môi trường, khi hơn 40% vật liệu xe là từ nhựa sinh học.
***
Ngày
nay, lối sống ở châu Á dần trở nên thiếu bền vững. Tiêu dùng nhảy vọt
gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn như ô nhiễm không khí, rác
thải nhựa và khí nhà kính gây biến biến đổi khí hậu. Tín hiệu mừng là châu Á cũng trở thành một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng
động, trong đó có không ít dự án và doanh nghiệp quan tâm đến tác động
môi trường.
Cùng
với đó, một bộ phận người tiêu dùng ngày càng tăng có xu hướng lựa chọn
tiêu dùng thân thiện với môi trường hơn. Nhu cầu này của người tiêu dùng góp phần tạo động lực thúc
đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn mới ít phát thải carbon.
Ngô hà (Theo UNEP)