Sử dụng loại túi nào hoàn toàn không chứng tỏ ta có yêu môi trường hay không, nhưng cách vứt bỏ nó lại bộc lộ chính xác thái độ của ta đối với môi trường
Ban đầu, nhựa được tạo ra cũng nhằm giải quyết các giới hạn về môi trường. Trước khi có nhựa, chúng ta phụ thuộc vào những vật liệu tự nhiên để chế tạo các loại bao bì, túi đựng, đồ chứa.
Đã có lúc nhựa thật sự không hề rẻ. Đồ nhựa cuối thế kỷ 20 hầu như rất dày, bền, dễ tái chế so với nhựa bây giờ. Về sau, để vừa đủ bền mà rẻ, đồ nhựa được gia công mỏng dần như ngày nay, điển hình như bao xốp, bao nylon, chai nhựa, màng bọc bong bóng,... Các chất phụ gia thúc đẩy tốc độ chuyển hóa nhựa cũng được sử dụng nhiều hơn nhằm tăng năng suất. Đó chính là lúc rác thải nhựa biến thành gánh nặng.
Các phụ gia quá liều vừa có độc tính, vừa "lão hóa" nhựa dễ dàng và nhanh chóng, làm cho việc tái chế rất khó khăn. Chưa kể, các rác nhựa quá nhỏ, và mỏng nên bị phân tán, khó thu gom hơn thế kỷ trước nhiều.
Bên cạnh đó, để thỏa mãn nhu cầu thuận tiện của con người, nhựa dùng một lần trở nên cực kì phổ biến, tạo ra một trong những thách thức môi trường lớn nhất của hành tinh. Theo
báo cáo về đồ nhựa dụng một lần của UNDP năm 2018, hơn một nửa số rác thải nhựa trên thế giới là các loại bao chứa, đóng gói, túi, chai nhựa dùng một lần. Cứ mỗi phút lại có hơn 10 triệu túi nhựa được sử dụng. Chúng ta dùng và thải đồ nhựa như một phần tất yếu hàng ngày.
Rác thải nhựa không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái (làm tắc dòng chảy, làm nghiêm trọng hơn các thảm họa tự nhiên, chặn đường thở của nhiều loài sinh vật...), gây hại đến sức khỏe con người (như chứa hóa chất gây ung thư có thể ngấm vào thực phẩm, thải khí độc khi cháy mà con người có thể hít phải...) mà còn làm thiệt hại kinh tếcho nhiều ngành công nghiệp, chẳng hạn các ngành du lịch, đánh bắt và vận chuyển đường biển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương mỗi năm bị mất 1,3 tỷ USD vì rác nhựa gây hủy hoại cảnh quan và các loài sinh vật tạo sinh kế cho con người.
Chúng ta đều biết đồ nhựa mất rất nhiều năm mới có thể phân hủy. Túi nylon (Polyamide - PA) hoặc bao nhựa mỏng (polyethylene - PE) có thể mất từ 30-100 năm, thậm chí trên 500 năm để phân rã thành các mảnh nhỏ và phải có tác động của ánh sáng mặt trời. Nylon và các loại đồ hộp xốp (styrofoam) không thể phân hủy sinh học – tức biến đổi thành CO2 và H2O, do đó chúng sẽ luôn còn mãi dấu tích.
Mặc dù các loại túi dán nhãn phân hủy sinh học có thể chỉ mất 3-6 tháng để phân hủy sinh học nhưng chúng buộc phải được ủ trong môi trường thích hợp gồm vi sinh vật, nấm men... chứ không phải như nhiều người lầm tưởng rằng cứ vứt ra môi trường là túi phân hủy sinh học sẽ tự "biến mất". Việc thay thế túi, bao bì khó phân hủy bằng những loại dễ phân hủy hơn là tín hiệu tích cực cho thấy nhận thức của người tiêu dùng đang tăng cao, nhưng tác động của nó cũng hạn chế nếu số lần sử dụng túi không đủ nhiều để đạt đến điểm "hòa vốn" về môi trường.
Bao nhiêu lần sử dụng mới “hòa vốn” về môi trường?
Các nhà khoa học đã phát triển một phương pháp gọi là Đánh giá Vòng đời Sản phẩm để người tiêu dùng có thể dựa vào đó mà cân nhắc quyết định lựa chọn loại túi thích hợp. Từ đánh giá này, họ đưa ra một hướng dẫn khá đơn giản: số lần sử dụng túi nhất định khi so sánh với túi nhựa tiêu chuẩn thường dùng trong siêu thị.
Một
nghiên cứu của Đan Mạch năm 2018, xem xét số lần sử dụng túi trước khi được dùng làm túi đựng rác và bị vứt bỏ, cho biết:
• Túi giấy nên được sử dụng 43 lần;
• Túi polypropylen (PP) nên được sử dụng 45 lần;
• Túi sợi cotton/bông nên được sử dụng 7.100 lần (bởi vì trồng bông thực sự tốn kém và đã tính đến các tác hại với tầng ozone).
• Túi giấy nên được sử dụng 3 lần;
• Túi polyethylene (PE) dày nên được sử dụng 4 lần;
• Túi polypropylen (PP) không dệt nên được sử dụng 11 lần;
• Túi sợi cotton/bông nên được sử dụng 131 lần;
Sử dụng túi giấy hóa ra lại không quá tốt, như một
nghiên cứu của Mỹ năm 2014 chỉ ra. Ngay cả khi túi giấy làm từ 100% vật liệu có thể tái chế thì nó vẫn có tác động môi trường cao hơn một chút so với các loại túi tái chế hoặc túi nhựa bán lẻ. Và hãy thực tế - rất ít khi chúng ta tái sử dụng túi giấy.
Về cơ bản, chúng ta cần thay đổi hành vi mua sắm và tiêu thụ, chứ không phải thay đổi vật liệu làm ra các loại túi và bao bì, bởi tất cả vật liệu đều có dấu chân môi trường. Đó là lý do vì sao trong 3 chữ R để giảm tác động môi trường quen thuộc, thì thứ tự ưu tiên cao nhất vẫn là Reduce - tức giảm thiểu sử dụng, rồi đến Reuse - tái sử dụng - và cuối cùng mới là Recycle – tái chế.
Trái với niềm tin của nhiều người tiêu dùng rằng có thể thoải mái sử dụng các loại túi nylon, chai nhựa bởi chúng “có thể tái chế”, tái chế luôn là phương án ít được ưu tiên vì đôi khi nó tốn kém đến mức người ta chấp nhận bỏ qua nó và chuyển đồ thải loại thẳng đến bãi rác để chôn lấp hoặc đốt.
Cuối cùng, việc sử dụng loại túi nào hoàn toàn không chứng tỏ ta có yêu môi trường hay không, nhưng cách vứt bỏ nó lại bộc lộ chính xác thái độ của ta đối với môi trường! Bởi vậy hãy nhớ: "Bất kể sử dụng loại túi nào, hãy dùng nó nhiều lần nhất có thể”.