Còn chưa đầy 10 năm để con người có thể thay đổi những hậu quả đã gây ra cho hệ sinh thái Trái Đất, trong đó doanh nghiệp là nhân tố thay đổi chủ chốt.
Chào mừng đến với 'Kỷ nguyên của con người'
Bộ phim tài liệu Our Planet: Our Business (tạm dịch: "Hành tinh của chúng ta: Trách nhiệm của chúng ta", với lối chơi chữ Business đồng thời ám chỉ công việc kinh doanh) nằm trong series phim do WWF hợp tác sản xuất với Netflix vừa được trao 2 giải Emmy, đã được công chiếu tại TP.HCM và Hà Nội cuối năm 2019, thu hút hơn 200 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm.
Bộ phim ngắn chỉ 40 phút nhưng sử dụng một loạt hình ảnh tự nhiên kì vĩ cùng với những bằng chứng khoa học hiển nhiên để khắc họa bức tranh "choáng váng" về con người và Trái Đất.
Theo đó, suốt hàng nghìn năm không có mấy tác động đáng kể đến Trái Đất, nhưng chỉ trong vòng 50 năm trở lại đây, với sự nhảy vọt về dân số, nhu cầu, kinh tế, khoa học công nghệ mở ra thời kì Đại Tăng trưởng, con người bắt đầu gây ra ảnh hưởng đến khí hậu và hệ sinh thái Trái Đất trên quy mô toàn cầu. Thực tại đó lớn đến mức người ta phải gọi một tên riêng cho thời kì này là Thế nhân sinh "Anthropocene - The Age of Humans"
3/4 bề mặt đất liền và 2/3 đại dương bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của con người. Gần một nửa các khu rừng trên hành tinh bị đốn ngã và để tạo không gian sinh sống cho con người và chăn nuôi gia súc.
60% nạn phá rừng nhiệt đới để sản xuất thịt bò, 30% để trồng trọt, chủ yếu là đậu nành ở Mỹ Latinh và dầu cọ ở Đông Nam Á. Rừng ngập mặn giải tỏa nhường chỗ cho trang trại nuôi tôm và các khu nghỉ mát ven biển. Đánh bắt hải sản quá mức dẫn đến các nguồn cá chính sụp đổ.
Nhìn những con tàu đánh cá bỏ hoang, người ta chợt nhận ra một sự thật lạnh lẽo rằng "Sẽ không có việc làm trên một hành tinh chết". Điều này đáng báo động với cả những người không mấy quan tâm đến môi trường.
Các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo còn chưa đầy 10 năm để con người có thể thay đổi những hậu quả đã gây ra cho hệ sinh thái Trái Đất trước khi chạm đến ngưỡng ‘không thể đảo ngược’.
Con người gây tác động rất lớn tới hệ sinh thái trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. Nhưng không phải không có hướng giải quyết. Câu trả lời - bất ngờ thay, không nằm ở những nhà bảo vệ môi trường, nhà công nghệ hay chính trị gia - mà là ở các doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa những hậu quả mà Trái Đất phải hứng chịu sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu các doanh nghiệp duy trì kinh doanh như thường lệ, nhưng sẽ cải thiện rõ rệt nếu họ chuyển đổi mô hình trên diện rộng.
Bền vững là chiến lược kinh doanh mới
Thay đổi việc kinh doanh - đó chính là thông điệp cốt lõi cho tương lai. Bà Kavita Prakash – Mani, giám đốc chương trình Bảo tồn Toàn cầu WWF, chia sẻ tại hội thảo ở Hà Nội đầu tháng 11/2019: “Chúng tôi tin rằng sự thay đổi của doanh nghiệp là nguồn lực quan trọng việc đảo ngược mất mát của thiên nhiên. […] Mỗi người có thể đóng góp vào sự dịch chuyển sang kinh doanh bền vững và định nghĩa lại thế nào là thành công trên con đường đi của mình.”
Câu hỏi đặt ra là liệu gió và nắng có thể cạn kiệt trước khi hết nhiên liệu hóa thạch? Có lẽ không khi tỷ lệ năng lượng tái tạo đang dần tăng lên ở khắp quốc gia trên thế giới và đã chiếm 1/3 sản lượng toàn cầu. Vậy con người có cần nhiều đất đai đến thế? Nhờ công nghệ, những phương pháp mới như khí canh, thủy canh hữu cơ trên quy mô công nghiệp đã giúp tạo ra lượng lương thực dồi dào hơn mà không phải phá rừng. Giờ đây công nghệ đã phát triển thành công cụ hữu hiệu để thay đổi cách thức sản xuất cũ.
Các doanh nghiệp thế hệ tiếp theo có khả năng thiết kế dòng sản phẩm của mình để phù hợp với nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Khi đó, nguyên vật liệu có thể được tái sử dụng hết lần này đến lần khác, chất thải từ một quá trình trở thành đầu vào cho quá trình tiếp theo và 'thực sự không có gì là chất thải mà chỉ là tài nguyên đặt sai chỗ'
Khi chúng ta hỏi cha ông mình “mục đích kinh doanh của họ là gì?”, câu trả lời chủ yếu là vì lợi nhuận. Nhưng 47% khảo sát của thế hệ Millennials (ra đời trong khoảng từ những năm 1980 đến 1996), những con người đã và đang kế thừa việc kinh doanh trong thập kỉ tới, trả lời rằng họ hướng đến các mục đích cải thiện xã hội, bảo vệ môi trường, tốt cho sức khỏe… Điều này thực sự là cuộc thay đổi bản chất tư duy kinh doanh lớn giữa các thế hệ.
Nếu doanh nghiệp muốn giữ khách hàng tương lai và thu hút được nhân tài, họ cần tạo ra những câu chuyện về sản phẩm, dịch vụ bền vững. Có thể nói, sự bền vững không còn là một lựa chọn mà trở thành điều bắt buộc trong kinh doanh hiện nay.
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) chỉ ra 5 nguyên tắc mà các doanh nghiệp cần tuân theo để khôi phục thiên nhiên và giúp xây dựng tương lai ổn định, bao gồm:
(i) Không carbon: sử dụng công nghệ sạch để thay thế năng lượng hóa thạch,
(ii) Tối thiểu không gian sử dụng: sử dụng các công nghệ mới để sản xuất càng nhiều từ càng ít nguồn đầu vào, trồng cây trên đất rừng bị phá, khai thác và quản lý rừng một cách có chọn lọc.
(iii) Tái tạo đại dương: khai thác bền vững, chỉ lấy những gì có thể hồi phục tự nhiên.
(iv) Xóa bỏ rác thải: thiết kế sản phẩm phù hợp với nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.
(v) Định nghĩa lại thành công: Một trong những yếu tố tai hại nhất của xã hội ngày nay là tìm kiếm sự tăng trưởng vĩnh viễn bằng mọi giá, do vậy cần định nghĩa lại mô hình ‘kinh doanh thông thường’ để thích nghi với nguồn lực hữu hạn xung quanh. |
Bắt đầu từng bước nhỏ
Doanh nghiệp bất chấp quy mô đều có thể thay đổi bằng nhiều cách khác nhau. Trong hội thảo của WWF ở Hà Nội vào tháng 11/2019, các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm thay đổi của mình.
Doanh nghiệp khởi nghiệp Pizza 4P's chia sẻ, cửa hàng ở Xuân Thủy, quận 2, TP.HCM của họ đã bắt đầu thực hành những hoạt động bền vững từ năm 2019. Cửa hàng đã lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu bền vững để nhập 700kg rau hữu cơ hàng tháng, sử dụng bàn làm từ 200 chai thủy tinh tái chế và vỏ hộp sữa, tiêu thụ gần 2.000 lít các loại đồ uống làm từ nước Whey thải ra trong quá trình làm phô mai, lắp tấm lợp pin mặt trời trên nóc nhà để giảm 5,2 tấn CO2 (có phần mềm theo dõi năng lượng, tính từ 5-10/2019), sử dụng trùn quế để phân hủy 70kg rác thực phẩm mỗi tháng, và tổ chức hoạt động khám phá trải nghiệm “edutainment” cho khách hàng hiểu thêm về môi trường.
Việc thay đổi không khó như chúng ta nghĩ. Một cửa hàng ăn uống nhỏ đã có thể tác động đến nhà cung cấp và người tiêu dùng của chính mình. Trước khi lắp pin mặt trời, họ khảo sát khách hàng nghĩ gì về biến đổi khí hậu và liệu họ nghĩ doanh nghiệp có thể làm gì để cải thiện. Khách hàng cho rằng đấy là "vấn đề quá lớn" mà chính phủ cần hành động, nhưng khi cửa hàng thực hiện các hành động nho nhỏ cụ thể, dùng phần mềm theo dõi năng lượng để ước lượng tác động thì các khách hàng của họ đã nhìn thấy sự thay đổi và có phản hồi tích cực.
“Mặc dù có nhiều hành động, nhưng chúng tôi nghĩ rằng điều đó vẫn chưa thật thuyết phục nên đã tự kiểm toán xem mức độ hiệu quả đến đâu. Thật bất ngờ, mức độ bền vững trung bình chỉ là 28%. Con số này không phải quá cao," ông Yuma Nagata, Quản lý Bền vững của Pizza 4P’s, nói. "Nhưng nó giúp chúng tôi biết mình đang ở đâu và cần cải thiện những gì.”
Ông Nagata nói thêm họ đã nâng dần mục tiêu bền vững của cửa hàng Xuân Thủy lên 30% vào tháng 12/2019, phấn đấu đạt 50% vào cuối năm 2020 và 70% vào cuối năm 2021.
Tương tự, các tập đoàn lớn cũng đang chuyển mình. Thiên Minh, một tập đoàn sở hữu hàng loạt hệ thống du lịch lữ hành, khách sạn và điều hành hàng không ở Đông Nam Á cho biết từ năm 2018, họ đã xây dựng và áp dụng bộ
Quy tắc ứng xử với thiên nhiên (
TMG Nature Code of Conduct) để đối xử có trách nhiệm với động vật và tài nguyên tại những địa điểm hoạt động. Từ tháng 8/2019, khách sạn Victoria Xiengthong Palace là cơ sở đầu tiên của tập đoàn tại Lào không sử dụng đồ nhựa. Họ kì vọng trong năm 2020 sẽ thúc đẩy được một số khách sạn khác ở đây thay đổi tương tự.
Thảo luận về vấn đề làm thế nào để đẩy nhanh việc phát triển bền vững trong doanh nghiệp, ông Daniel Wood, giám đốc điều hành tập đoàn Thiên Minh, cho rằng: “Các doanh nghiệp cùng ngành như du lịch hoặc khách sạn cần thống nhất lại với nhau để tạo ra một tiêu chuẩn chung, thông qua đó thúc ép chính quyền hợp pháp hóa thành pháp chế.”
Để thay đổi theo hướng bền vững, các doanh nghiệp từ quy mô nhỏ đến lớn đều có thể bắt đầu từ những việc đơn giản, từng bước cải thiện, sau đó chia sẻ với cộng đồng của mình và tiến tới thành tiếng nói tác động tới những người ra quyết sách. Điều quan trọng là hành động từ bây giờ.
Tháng 9/2019, tại kì họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 74 ở New York, WWF đã kêu gọi lãnh đạo các quốc gia, lãnh đạo doanh nghiệp và những cá nhân có ảnh hưởng trên toàn cầu hình thành một bản “Thỏa thuận mới về Thiên nhiên và Con người”, với những mục tiêu đầy tham vọng để đảo ngược sự mất mát của tự nhiên vào năm 2030. Nếu vận động thành công, cam kết này sẽ được thông qua vào tháng 9/2020.
Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức tuyên bố với thế giới 'Việt Nam ủng hộ bản thỏa thuận mới này'
|