Chị Lê Diệp Kiều Trang - Giám đốc tài chính AREVO, tin rằng Việt Nam đang sở hữu điều kiện về nhân lực mà không phải nước nào cũng có để phát triển tự động hóa; đồng thời chỉ ra một số điểm nghẽn về chính sách đối với các startup công nghệ.

Tại hội thảo Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Văn phòng Đề án 844 (Bộ KH&CN) phối hợp tổ chức hôm 16/7, chị Lê Diệp Kiều Trang có bài trình bày nhằm giải đáp câu hỏi, "Trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và nguồn lực con người: Cơ hội nào cho Việt Nam?".

Ở góc nhìn của một nhà đầu tư vào các công ty công nghệ cả ở Việt Nam và nước ngoài hơn 10 năm qua, bà Lê Diệp Kiều Trang cho rằng, người Việt Nam hoàn toàn có thể phát huy năng lực khi được đầu tư vốn và công nghệ. Về mặt thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 118 về chỉ số phát triển con người; trong xếp hạng OECD về giáo dục, Việt Nam đứng thứ 12 ở các môn toán, khoa học và đọc hiểu; đội tuyển Việt Nam đi thi Olympic toán quốc tế luôn xếp Top 10... Những con số đó khiến chị Trang quả quyết khẳng định: "Chúng tôi đặt niềm tin vào con người Việt Nam".

Chân dung bà Lê Diệp Kiều Trang. Nguồn: Internet.
Chị Lê Diệp Kiều Trang. Nguồn: Internet.

Chị Trang cũng cho rằng, Việt Nam đang sở hữu điều kiện mà không phải nước nào cũng có được, là có cùng lúc có 2 nguồn lực lao động: trình độ kỹ thuật cao và trình độ cơ bản. Để so sánh, Indonesia chỉ có nguồn lao động dồi dào còn Singapore thì ngược lại. Điều này là vô cùng quan trọng bởi nếu chỉ tập trung sản xuất mà không phát triển tự động hóa thì Việt Nam không cạnh tranh được với các nước lao động giá rẻ, còn nếu chỉ tập trung vào công nghệ cao thì Việt Nam lại kém xa các nước phát triển. Do đó, điều kiện về nhân lực như hiện nay sẽ giúp Việt Nam phát triển trong bối cảnh chưa tự động hóa hoàn toàn, máy móc vẫn cần có con người điều khiển.

Chị Trang cũng thẳng thắn chia sẻ về những vướng mắc trong vấn đề thủ tục, chính sách mà các dự án khởi nghiệp có thể gặp phải khi đi vào hoạt động thực tế. Chị cho biết, các chính sách hỗ trợ từ Bộ KH&CN rất đáng quý nhưng còn thiếu sự đồng bộ từ các bộ, ngành liên quan. Đây là trải nghiệm của bản thân chị khi đầu tư và sáng lập Arevo - startup có nhà máy in 3D từ sợi carbon đầu tiên tại Việt Nam. Khi Avero được cấp phép vào Khu Công nghệ cao TP HCM, thì theo luật công nghệ cao, startup này đủ điều kiện hưởng các ưu đãi. Tuy nhiên, khi đăng kí kinh doanh theo yêu cầu của quyết định 66/2014/QĐ-TTg với hoạt động 'dịch vụ in 3D từ sợi carbon' thì phía hải quan cho rằng đây là hoạt động 'dịch vụ' chứ không phải hoạt động 'sản xuất', trong khi phải là hoạt động sản xuất mới được hưởng ưu đãi.

Theo chị Trang, việc đồng bộ chính sách ưu đãi giữa các bộ, ngành là vô cùng quan trọng với startup công nghệ. Với tốc độ phát triển hiện nay trên thế giới, "chúng tôi không thể chờ chính sách thay đổi. Chỉ chậm nửa năm hay một năm thì công nghệ sẽ lỗi thời. Các công ty khác sẽ lập tức đuổi kịp và mình sẽ mất đi lợi thế của người dẫn đầu" - chị Trang nói. Vì thế, đại diện Arevo đề xuất chính sách thông suốt để đảm bảo có thể vận hành nhanh chóng hiệu quả.