Anh Cao Anh Tuấn - Giám đốc công nghệ của Genetica - chia sẻ ba bài học mà anh ước giá như có ai đó đã chỉ cho anh vào buổi đầu khởi nghiệp.

Tại hội thảo 'Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam' do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Văn phòng Đề án 844 (Bộ KH&CN) phối hợp tổ chức hôm 16/7, anh Cao Anh Tuấn đã chia sẻ câu chuyện còn ít người biết về quá trình phát triển của startup này.

Cách đây 10 năm, anh Tuấn và các cộng sự bắt đầu thực hiện các nghiên cứu về giải mã gene. Đến năm 2017, anh cùng 4 cộng sự khác, là các tiến sỹ ở các trường đại học hàng đầu thế giới như ĐH Y khoa Harvard, ĐH Stanford... quyết định thành lập Genetica và đưa cả team từ Mỹ về Việt Nam để phát triển lĩnh vực này cho thị trường Đông Nam Á. Genetica định vị trở thành startup phát triển công nghệ lõi chuyên biệt về giải mã gen cho người châu Á kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI).

Anh Cao Anh Tuấn mong rằng những kinh nghiệm của mình sẽ giúp ích cho startup. Nguồn: Baodautu
Anh Cao Anh Tuấn mong rằng những kinh nghiệm của mình sẽ giúp ích cho startup. Nguồn: Baodautu

"Với công nghệ và nguồn vốn đầu tư có được, chúng tôi nghĩ sẽ nhanh chóng trở thành số 1 của thị trường Đông Nam Á. Ở thời điểm đấy, lĩnh vực nghiên cứu gene của người châu Á đang bị bỏ ngỏ," anh Tuấn nói.

Sau 5 năm phát triển ở thị trường Việt Nam, anh Tuấn nhận thấy, vốn và công nghệ chỉ đóng góp 20-30% thành quả mả Genetica đạt được thời gian qua. Startup này đã phải giải quyết nhiều vấn đề khác như phát triển đội ngũ, logistic để chuyển mẫu từ Việt Nam sang Mỹ, xây dựng networking,...

Rút kinh nghiệm từ quá trình phát triển, đại diện Genetica chia sẻ công thức thành công mà các startup khác có thể tham khảo:

"Đây là 3 bài học lớn mà tôi ước rằng khi mới xây dựng Genetica có ai đó đến gặp tôi và nói rằng, hãy chú ý những điểm sau" - anh Tuấn chia sẻ.

Thứ nhất, theo anh Tuấn, xây dựng đội ngũ không đơn thuần là tìm được những người sẵn sàng làm việc 16 tiếng mỗi ngày, cả thứ Bảy, Chủ nhật, mà đó còn phải là những người có chung chí hướng và tầm nhìn.

"Xây dựng đội ngũ những người sát cánh cùng mình trải qua giai đoạn khó khăn càng quan trọng. Khi COVID-19 xảy ra, tôi mới thấy rằng có được đội ngũ làm việc cùng mình qua thời khó khăn nhất là điều tốt nhất Genetica đã đạt được," anh Tuấn nói.

Thời gian đó, ban giám đốc thậm chí nhận được đơn xin giảm lương của nhân viên, vì đồng cảm với những khó khăn mà công ty đang phải đối mặt khi không thể ra ngoài làm việc với khách hàng hay mở rộng thị trường.

Về xây dựng hệ thống mentoring, việc có được những người tư vấn, hỗ trợ khi cần thiết là điều vô cùng quan trọng. Càng có nhiều lựa chọn, càng cần những mentor giỏi để không lựa chọn nhầm, làm mất đi những cơ hội lớn ở phía trước - anh Tuấn nhấn mạnh. Bởi vậy, sau khi về Việt Năm vào năm 2017, anh thường tìm đến chị Lê Diệp Kiều Trang - người đã chuyển nhượng thành công công ty Misfit với giá 260 triệu USD để được gợi ý, chia sẻ về con đường khởi nghiệp.

Cùng với đó, anh Tuấn và đội ngũ founder của Genetica cũng gặp gỡ nhiều người khởi nghiệp khác trong và ngoài nước để lắng nghe, chọn lọc kinh nghiệm phù hợp cho công ty mình.

Về sự huấn luyện đồng cấp (Peer Coaching), trong 4 năm khởi nghiệp, Giám đốc công nghệ của Genetica cũng ghi nhận sự đồng hành, giúp đỡ của những người bạn, những người khởi nghiệp cùng với mình như anh Vũ Duy Thức (Founder của Kambria), anh Lưu Thế Lợi (Founder của Kyber Network). Anh thừa nhận dù đã có nhiều năm nghiên cứu về giải mã gene và công nghệ nhưng cũng có lúc gặp khó khăn và cần đến sự giúp đỡ từ các startup khác. "Những người bạn đã hỗ trợ, đưa ra gợi ý để tôi có được giải pháp đột phá cho công nghệ mà Genetica phát triển," anh nói.

Hiện, Genetica đã có văn phòng tại Mỹ, Singapore và Việt Nam và cung cấp dịch vụ giải mã gene cho khoảng 10 nước trên thế giới.