Dù đặt mục tiêu đạt doanh thu khoảng 330 triệu USD trong năm nay, tăng 26% so với năm 2020, nhưng với những khoản đầu tư mạnh tay trong thời gian tới – đặc biệt là vào ZaloPay – VNG cho biết họ vẫn có thể sẽ lỗ 27 triệu USD.

Nhân viên tại trụ sở VNG tại TP.HCM. Ảnh: VNG

Con số này được đưa ra trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của công ty.

Tiền thân là VinaGame, kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam hiện có giá trị ước tính vào khoảng 2,2 tỷ USD.

Từ khi thành lập đến nay, VNG đã đa dạng hóa, mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời xây dựng nên một trong những cơ sở người dùng trực tuyến lớn nhất cả nước.

Bên cạnh mảng game – vốn là điểm mạnh của công ty, và cũng là mảng mà VNG phải cạnh tranh gay gắt với Sea Group (tập đoàn sở hữu nhà phát hành game hàng đầu Đông Nam Á Garena); VNG còn có các dịch vụ kỹ thuật số trải dài trên nhiều lĩnh vực bao gồm mạng xã hội (Zalo), truyền thông trực tuyến (Zing News), dịch vụ tài chính (ZaloPay) và dịch vụ đám mây (VNG Cloud).

Đầu năm nay, Zalo chính thức soán ngôi Facebook Messenger để trở thành nền mảng mạng xã hội được dùng nhiều nhất tại Việt Nam trở thành một công ty nội địa hiếm hoi vượt qua các đối thủ nước ngoài. Trong khi đó, các ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất ở những nước Đông Nam Á khác lại là ‘hàng ngoại’, chẳng hạn như Line hoặc WhatsApp.

Tháng 12 năm ngoái, Zalo ra mắt trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt có tên là Kiki, có thể truy cập từ ứng dụng Zalo hoặc tích hợp với các thiệt bị thông minh như ô tô hay loa thông minh. Nó được xây dựng trên công nghệ tương tự như Alexa của Amazon và Siri của Apple, nhưng bằng tiếng Việt. Zalo đang đàm phán với một công ty hàng đầu về bảng điều khiển để ra mắt Kiki cho thị trường xe hơi phổ thông vào quý 3 năm nay.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số, ZaloPay phải ‘ngậm ngùi’ xếp sau các đối thủ nặng ký khác như MoMo, ViettelPay và AirPay (mới đây đã đổi tên thành ShopeePay). Theo Báo cáo Mobile Wallets (Ví Di động) của công ty fintech Boku có trụ sở tại London, ZaloPay chiếm 5,3% thị phần trong khi MoMo dẫn đầu phân khúc với 53%.

VNG dự kiến sẽ tiếp tục bơm tiền vào vận hành công ty con ZaloPay. Năm 2020, mảng kinh doanh thanh toán này của công ty lỗ khoảng 29 triệu USD.

Báo cáo tài chính của VNG. Ảnh: techinasia

Kỳ lân công nghệ cũng có kế hoạch phát hành gần 7,1 triệu cổ phiếu trong năm nay cho các nhà đầu tư trong nước. VNG sẽ sử dụng nguồn vốn thu được vào việc mở rộng thị trường và hỗ trợ đầu tư cho các công ty khởi nghiệp công nghệ khác.

VNG hiện sở hữu 22% trong công ty thương mại điện tử Tiki, 20% trong công ty khởi nghiệp về logistics EcoTruck và gần 30% trong nền tảng quà tặng Got It.

Nguồn: