Để tồn tại, các startup không chỉ cần ý tưởng, vốn hay nỗ lực của chính mình mà hơn thế, cần được nuôi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm từ các thế hệ doanh nhân đi trước. Giá trị họ mang lại cho startup đương nhiên không chỉ là tiền.

Trong 5-6 năm qua, nhiều người khởi nghiệp đã có thời gian và tìm thấy cơ hội để thành công rồi quay trở lại trở thành cố vấn (mentor), thậm chí là cả nhà đầu tư thiên thần (angel investor) cho các startup mới, hướng tới hỗ trợ và tạo dựng những thế hệ doanh nhân tiếp theo. Cách đây 5-7 năm, điều đó có thể mới lạ nhưng giờ đây, hình ảnh dễ nhận thấy nhất là nhiều nhà sáng lập thành công như anh Hùng Trần GotIt, Hùng Đinh DesignBold, Lê Diệp Kiều Trang (Misfit cũ, Avero), Đào Lan Hương (Teky), Nguyễn Khánh Trình (CleverGroup)... dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng luôn sẵn sàng tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ theo nhiều cách cho startup và nhà sáng lập.

Đội ngũ phát triển Otrafy. Nguồn: NVCC

Điều này cho thấy những yếu tố văn hóa doanh nhân khởi nghiệp-ĐMST được nuôi dưỡng xây dựng trong hệ sinh thái đã bắt đầu xuất hiện.

Nhà đầu tư và startup cần trở thành bạn không nên đơn thuần chỉ là mối quan hệ giữa người rót vốn - người nhận vốn, nhà đầu tư - doanh nghiệp mà theo các startup, tiêu chí đầu tiên là họ và các nhà đầu tư phải có cùng quan điểm.

Những cuộc gặp 30 phút

Trần Thanh Tùng – BOD của Loli& The Wolf cho biết, bản thân cũng là người có kiến thức lý thuyết về kinh doanh nhưng kinh nghiệm thực tế lại chưa nhiều. Những người cố vấn đến từ SME Mentoring và Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp BSSC với hàng chục năm ‘chinh chiến’ trên thương trường đã cho anh đủ kiến thức cần thiết.“Chẳng hạn như tháng ba năm ngoái, khi thấy báo cáo tài chính lỗ 1,6 tỷ mỗi tháng mà không hiểu vì sao, tôi đã tìm đến một cố vấn. Chị ấy nghe kể rồi thấy tội quá, nên giúp ngồi coi báo cáo tài chính giúp. Thật kỳ diệu, chỉ trong 15 phút, chị đã biết lỗi ở đâu và dành 15 phút còn lại trong cuộc gặp để đưa ra giải pháp. Từ đó đến nay, hệ thống của Loli& The Wolf tăng trưởng ổn định” – anh Trần Thanh Tùng kể lại.

Trong một lần khác, khi thấy hệ thống quán café trong hệ sinh thái của Loli& The Wolf có lợi nhuận 15% mỗi tháng, vị giám đốc điều hành của startup này muốn mở thêm các cửa hàng khác để gia tăng lợi nhuận. Khi tìm tới hai người cố vấn và chỉ sau năm câu hỏi về mục đích, hoạch định chiến lược…. anh Tùng đã tìm được đáp án, không mở nữa vì không đáp ứng được yêu cầu cơ bản.

Những câu chuyện của Loli& The Wolf cho thấy vai trò của những người cố vấn trong chặng đường phát triển của startup. Không chỉ đầu tư tiền, đào tạo chiến lược kinh doanh, xây dựng tập khách hàng hay chiến lược marketing, kết nối với các nhà đầu tư, khách hàng…, nhà đầu tư, người cố vấn còn xuất hiện trong những giai đoạn mang tính chất bước ngoặt của startup, tư vấn, chỉ ra những điểm nên và không nên làm, lỗi sai và cách khắc phục…

Nếu như cuộc gặp gỡ của Loli& The Wolf với người đồng hành có thể giúp startup này chặn đà lỗ trong nhiều tháng thì Deepcare- startup cung cấp giải pháp giải quyết sự quá tải của bệnh viện lại gặp được người đồng hành giúp họ ‘sang một trang mới” sau hai năm thành lập, nhiều lần tìm cách đi vào thị trường nhưng thất bại. “Trước khi gặp trưởng làng y tế Ngô Thanh Sơn tại TECHFEST 2020, tôi vẫn cảm thấy mình có thể sẽ thất bại một lần. Trước đó, chúng tôi không có ai cố vấn về thị trường y tế ở Việt Nam. Chủ yếu là tôi và các thành viên tự nghiên cứu định hướng” – anh Hạnh Nguyễn, CEO của Deepcare chia sẻ.

Sau cuộc gặp gỡ đó, đang ở trên mây, Deepcare được đẩy xuống mặt đất để phát triển sản phẩm phù hợp với thực tế, dù rằng công nghệ và ý tưởng của sản phẩm cũng định hướng lâu dài là đúng. “Làm thế nào để có người dùng và thị trường nhanh nhất” – là điều anh Ngô Thanh Sơn đã chỉ ra cho Deepcare. Với kinh nghiệm hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực y tế và đang giữ vị trí Phó tổng Giám đốc VMED Group, anh Ngô Thanh Sơn đã chỉ ra cho Deepcare thấy, sản phẩm thị trường cần đồng thời không quên nhấn mạnh, khách hàng không chỉ là bệnh nhân mà có thể là phòng khám, bệnh viện. Một vấn đề khác Deepcare cũng được tư vấn là cách bán hàng, không chỉ bán riêng lẻ như một giải pháp, mà Deepcare có thể tích hợp với sản phẩm của đơn vị khác tạo thành giải pháp tổng thể, không chỉ tập trung ở thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn mà có thể đi tới các tỉnh.

“Đó là những điều quý giá tôi học được từ VMED Group và anh Ngô Thanh Sơn” – anh Hạnh Nguyễn nói và không quên chia sẻ, sau những thay đổi về mặt chiến lược kinh doanh, sản phẩm cũng như nhờ sự kết nối của đơn vị này, hiện đã có nhiều đơn vị sẵn sàng tích hợp với Deepcare để tạo thành một giải pháp lớn cung cấp dịch vụ.

Không chỉ có kinh nghiệm, quỹ đầu tư, nhà đầu tư với nhiều năm kinh nghiệm còn có được mối quan hệ rộng khắp. Bởi vậy, một startup còn non trẻ mới từ Mỹ về Việt Nam chưa đầy một năm như Otrafy khi tham gia chương trình BLOCK71 đã được tổ chức này kết nối với Masan – tập đoàn bán lẻ thực phẩm hàng đầu Việt Nam để giới thiệu về giải pháp mà startup này đang cung cấp.

Nếu như Mỹ, Otrafy được Techstart kết nối với Cargill –tập đoàn cung cấp thực phẩm hàng đầu thế giới sử dụng thử nghiệm trong quản lý thông tin an toàn thực phẩm của các nhà cung cấp cho doanh nghiệp này thì ở Việt Nam lại có sự hỗ trợ từ BLOCK71. Nhật Nguyễn – Founder của Otrafy nhận định: “Thứ tuyệt vời nhất tôi nhận được từ các nhà đầu tư chính là các mentor. Không ai có thể giỏi mọi lĩnh vực nhưng trước nhà đầu, chúng ta có thể nói với họ, tôi không giỏi nhưng mentor của tôi là chuyên gia trong lĩnh vực này”.

Chọn nhà đầu tư để gửi vàng

Giới startup thường truyền miệng nhau câu nói “đừng gọi vốn bằng mọi giá”. Nhìn lại hành trình phát triển của một startup mới thấy, người đồng hành có giá trị như thế nào. “Một triệu USD của ai cũng giống nhau, vì thế quỹ đầu tư chỉ khác nhau ở kinh nghiệm kiến thức, mối quan hệ, danh mục đầu tư…. “ – ông Bùi Thành Đô – Founder của quỹ đầu tư ThinkZone nói với Khoa học và Phát triển.

Bởi vậy theo các startup, tiêu chí đầu tiên họ đưa ra khi lựa chọn nhà đầu tư phải có cùng quan điểm. Theo anh Đoàn Xuân Quang – Founder của Việt Sử Giai Thoại, với một startup mong muốn tạo ra giá trị xã hội như Việt Sử Giai Thoại, anh càng cần hơn bao giờ hết người thấu hiểu về lĩnh vực mà startup đang hoạt động và giá trị họ theo đuổi “Với một dự án tạo ra giá trị xã hội, nhà đầu tư cần chấp nhận chưa thể sinh lời ngay mà cần đầu tư một thời gian dài. Khi đã hiểu mô hình, nhà đầu tư mới tin tưởng vào kế hoạch được vạch ra.” – anh Đoàn Xuân Quang giải thích và tin rằng nhà đầu tư và startup cần trở thành bạn không nên đơn thuần chỉ là mối quan hệ giữa người rót vốn – người nhận vốn, nhà đầu tư – doanh nghiệp.

Đồng ý với quan điểm này Lê Hoàng Thạch – founder của Wewe – startup cung cấp sách nói và Postcard có bản quyền Voiz FM cho biết, nếu nhà đầu tư không hiểu về ngành nghề, lĩnh vực và tầm nhìn của startup họ dễ nảy sinh ‘thắc mắc’ với những câu hỏi như ‘Tại sao lại lỗ?’, ‘Tại sao lại bỏ quá nhiều tiền để mua cái này, chi tiêu cho cái kia?’…

‘Như vậy thời gian cho sáng tạo và vận hành sẽ được founder dùng để giải thích, thuyết phục nhà đầu tư” – anh Lê Hoàng Thạch nói.

Trong khi đó, với kinh nghiệm khởi nghiệp ở nước Mỹ cũng như thụ hưởng lợi ích lớn từ sự hỗ trợ của Techstar, Nhật Nguyễn- Founder của Otrafy cho biết, tiêu chí lựa chọn quỹ đầu tư, người cố vấn của anh là mối quan hệ (networking) và các nguồn lực khác ngoài tiền. Otrafy cung cấp giải pháp quản lý thông tin an toàn thực phẩm cho các nhà máy sản xuất thực phẩm, vì thế, họ cần tìm kiếm những quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ phát triển (ecosystem builder) có mối quan hệ với doanh nghiệp lớn về sản xuất thực phẩm hoặc nông nghiệp. Điều này sẽ giúp Otrafy rút ngắn thời gian tiếp cận với khách hàng. Là đơn vị bán sản phẩm B2B, Otrafy cần tìm kiếm doanh nghiệp tương tự để chia sẻ kinh nghiệm, hoặc kết hợp với nhau. “Nếu tôi đi tới một tổ chức hỗ trợ mà mối quan hệ thiên về y tế và chủ yếu bán B2C thì chắc hẳn tôi đã sai” – Nhật Nguyễn bày tỏ. Thời gian vừa qua, tại BLOCK71, anh đã tiếp cận được không ít startup có kinh nghiệm bán hàng B2B tại Việt Nam cho các doanh nghiệp lớn và đang làm việc với họ mỗi tuần để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào thực tế.

Sau lựa chọn thì việc gìn giữ mối quan hệ giữa người đồng hành và startup cũng hết sức quan trọng. Dù chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của SME Mentoring và Trung tâm Hỗ trợ Thanh Niên Khởi nghiệp (BSSC) đã kết thúc từ lâu nhưng trong 6-7 năm qua những người cố vấn vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ Loli &The Wolf. Thậm chí, bất cứ khi nào startup này cần hỗ trợ, theo lời anh Trần Thanh Tùng – giám đốc điều hành, BSSC sẵn sàng đứng ra kết nối trực tiếp.
“Phải luôn làm tốt vai trò của mình bởi tôi luôn nghĩ mình chịu ơn các tổ chức đã hỗ trợ. Nếu mình làm không có tâm, có thể lần sau người ta sẽ không giúp mình nữa. Chúng ta làm tốt việc của mình là cách chứng minh rằng, các đơn vị đã hỗ trợ đúng người. Nếu không biết cách đồng hành có thể mối lương duyên ấy sẽ bị phá vỡ” – anh Trần Thanh Tùng nói.