Trên thế giới hình thức gọi vốn cộng đồng cho khởi nghiệp phổ biến từ hàng chục năm nay và góp phần tạo nên những Revolut, Oculus Rift...
Ở Việt Nam, do nhiều yếu tố, việc gọi vốn cộng đồng vẫn chưa phát triển. Vì vậy, với mong muốn mô hình gọi vốn cộng đồng sẽ sớm xuất hiện tại Việt Nam, anh Phạm Mạnh Hà và Lý Minh Hoàng đã dành gần 2 năm để nghiên cứu về mô hình này trên thế giới, để xây dựng nên BeeKrowd - startup trong lĩnh vực fintech, cung cấp nền tảng gọi vốn cộng đồng cho startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khoa học & Phát triển đã có cuộc trao đổi với 2 nhà sáng lập của BeeKrowd.
Trên thế giới, gọi vốn cộng đồng (crowdfunding -CF) trong khởi nghiệp rất phổ biến, thậm chí, người ta còn có cả một chương trình truyền hình thực tế đầu tư cùng shark tên là Meet the Drapers nhưng ở Việt Nam, mô hình này vẫn còn xa lạ?
Phạm Mạnh Hà: CF là phương thức giúp thúc đẩy khởi nghiệp hoặc ngược lại, khởi nghiệp tại một quốc gia phát triển (thị trường startup phong phú, sôi động, có nhiều nhu cầu về gọi vốn để hỗ trợ startup) thì đó là điều kiện cần để CF và gọi vốn cộng đồng cổ phần (equity crowdfunding - ECF) định hình và phát triển.
Ở Việt Nam, nhiều người vẫn đánh đồng CF với quyên góp cho người nghèo, người khó khăn... Về bản chất, hình thức này được World Bank chia thành 5 nhóm nhỏ: donation (quyên góp), reward-based (quà tặng), debt-based (vay vốn), equity (cổ phần) và royalty (chia sẻ doanh thu). Việc CF theo mô hình nào nằm ở câu hỏi: Đầu tư hay phi đầu tư? Tức là, đầu tư thì thuộc nhóm cho vay vốn, cổ phần, phần trăm doanh thu. Phi đầu tư tức thì quyên góp tặng quà, không mong nhận lại.
Trên thế giới, các nền tảng gọi vốn cộng đồng như Indiegogo, Kickstarter, CrowdCube, Seedrs… ngày đêm giúp các startup hiện thực hóa ý tưởng. Gần đây nhất, dự án xe đạp 3D Superstrata Bike của Sonny Vũ và Lê Diệp Kiều Trang đã gọi được 6,87 triệu USD trên nền tảng Indiegogo.
Ở Mỹ hay châu Âu, trường hợp này không phải là hiếm và các nền tảng CF/ECF đã kêu gọi được hàng chục, hàng trăm triệu đô la Mỹ vốn đầu tư mạo hiểm mỗi năm và là cái nôi tạo ra không ít các công ty khởi nghiệp thành công, thậm chí xuất hiện một số startup từ CF/ECF đã trở thành các kỳ lân khởi nghiệp.
Theo các anh lý do gì khiến cho ECF tại Việt Nam chưa phát triển. Bởi nếu thị trường thực sự có nhu cầu thì chắc chắn mô hình này đã sớm được đưa Việt hóa.
Lý Minh Hoàng: Dựa trên kinh nghiệm và thực tiễn thế giới, để thị trường ECF phát triển cần nhiều điều kiện hội tụ, cả vĩ mô lẫn vi mô:
Một là, hoạt động huy động vốn cộng đồng được nhiều quốc gia hiểu như một hình thức mini-IPO và có quy định pháp lý, hướng dẫn chi tiết cho các chủ thể tham gia, do một cơ quan quản lý giám sát như Mỹ là Ủy ban chứng khoán SEC, Singapore là Ngân hàng Trung ương MAS. Tại Việt Nam, ECF tồn tại chưa có bất kỳ hướng dẫn nào trong khi đây lại là một trong những tiền đề cơ bản nhất.
Hai là, văn hóa đầu tư mạo hiểm còn khá mới mẻ tại Việt Nam mà điều này nhìn thấy rõ qua đầu tư chứng khoán. Việt Nam có hơn 2,5 triệu tài khoản chứng khoán trên gần 100 triệu dân. Do nhà đầu tư thường có nhiều hơn 1 tài khoản thì tỷ lệ này thực tế là khoảng 1%, trong khi ở Mỹ là 52%. Ngoài ra, để tham gia đầu tư mạo hiểm, mỗi người cần hiểu tại sao cần đầu tư cho startup, đầu tư như thế nào, đầu tư bao nhiêu phần trăm là hợp lý... Tất cả đều là kiến thức người đầu tư cần phải nắm vững và có trải nghiệm thực tế.
Ba là, chưa nhiều startup lẫn nhà đầu tư nhận thức hoặc hiểu rõ về mô hình này. Để ECF phát triển, cần các nền tảng kết nối startup với nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cần thiết. Theo cá nhân tôi, chúng ta gần như chưa thể tìm thấy một nền tảng ECF đầy đủ tính năng tại Việt Nam ngay lúc này. Cơ chế tập trung nguồn lực (đặc trưng của ECF) không lạ, nhưng đều đi theo cách “truyền miệng” kiểu truyền miệng (words of mouth), tức là nhà đầu tư uy tín chia sẻ và kéo theo bạn bè chứ không được tổ chức, vận hành theo mô thức của ECF.
Cuối cùng, là thị trường Việt Nam có thể chưa đủ lớn, hấp dẫn, chưa có nhiều startup chất lượng. Nếu chúng ta có thêm nhiều startup thành công như Facebook, Uber, Grab, hay Zoom...) thì ECF sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều.
Phạm Mạnh Hà: Việc đầu tư vào các startups luôn được xem là một “đặc quyền” của số ít phần trăm những người giàu. Sự ra đời của ECF tái định nghĩa khái niệm nhà đầu tư thiên thần và mang lại một lớp tài sản mới cho nhà đầu tư nhỏ để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Những nền tảng ECF nổi tiếng trên thế giới cho phép nhà đầu tư có thể tham gia chỉ với vài nghìn USD, thậm chí Wefunder, Republic còn cho phép đầu tư với 50 USD.
Một vòng gọi vốn theo hình thức ECF diễn ra thế nào?
Phạm Mạnh Hà: Sẽ có khoảng 5 bước cho hình thức này, tùy mỗi quốc gia và nền tảng có thể quy định chặt chẽ khác nhau nhưng cơ bản như sau:
Bước 1: Đăng ký qua nền tảng, trong quá trình này khai báo hết các thông tin cần thiết cho nền tảng biết.
Bước 2: Nền tảng đó quyết định chọn và sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ để đăng ký việc crowdfunding với cơ quan quản lý (Mỹ là Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ bắt phải nộp Form C, Anh là Cơ quan quản lí ngành tài chính, Singapore là Các cơ quan tiền tệ Singapore…)
Tổng thời gian cho 2 bước này có thể lên tới 1–2 tháng.
Bước 3: Đăng tải hồ sơ gọi vốn lên nền tảng. Chiến dịch gọi vốn chạy online khoảng 2 tháng. Trung bình một dự án gọi khoảng 300.000 – 500.000 USD.
Bước 4: Tùy thuộc mức độ tham gia của nhà đầu tư, dự án có thể kết thúc thành công hoặc thất bại. Khái niệm thành công hay thất bại cũng khá khác nhau giữa các nền tảng.
Ví dụ nhiều nền tảng quy định huy động được 80% mục tiêu là thành công, trong khi nhiều nền tảng khác huy động trên 100% mới được gọi là thành công. Nếu thành công, startup cập nhật nhà đầu tư thành cổ đông. Nếu thất bại hệ thống hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận cho từng cổ đông.
Bước 5: Những cổ đông mới được cập nhật vào danh sách cổ đông, tiếp tục đồng hành.
Lợi nhuận có phải yếu tố hàng đầu mà các nhà đầu tư quan tâm tham gia đầu tư trên CF platform?
Phạm Mạnh Hà: Lợi nhuận luôn là mối quan tâm của nhà đầu tư. Thử hình dung nếu đầu tư vào một công ty công nghệ bạn có cơ hội thu về lợi nhuận gấp 2000 lần như Peter Thiel đầu tư vào Facebook. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng quan tâm tới nhiều yếu tố khác như: giá trị xã hội (ý tưởng giúp tiết kiệm năng lượng, hạn chế rác thải..); Cảm giác khởi nghiệp thuở ban đầu thông qua các startup khác; Hỗ trợ và tiếp nguồn năng lượng tích cực cho thế hệ trẻ, tăng giá trị đóng góp cho xã hội.
CF có thể mang lại những động lực mới cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Vậy các startup Việt Nam muốn gọi vốn cộng đồng thì làm thế nào?
Lý Minh Hoàng: Trước hết, các founder cần hiểu rõ đặc điểm, ưu nhược điểm giữa ECF và các phương thức khác. Ví dụ, đối tượng nhà đầu tư mục tiêu của startup là ai sẽ quyết định bạn nên chọn sử dụng dịch vụ hay hợp tác với nền tảng ECF nào vì mỗi nền tảng sẽ có những quy định riêng, cộng đồng nhà đầu tư khác nhau.
Một là startup có thể gọi vốn ECF trên các nền tảng của thế giới như cách mà startup 3D Superstrata Bike đã làm. Hai là gọi vốn trên các nền tảng ECF tại thị trường Việt Nam.
Thông thường một nền tảng ECF chỉ vận hành tại một khu vực địa lý nhất định vì mỗi quốc gia sẽ có quy định riêng. Để gọi vốn trên nền tảng ECF nước ngoài, startup Việt Nam cần phải đáp ứng các yêu cầu như thành lập doanh nghiệp ở nước sở tại, báo cáo tài chính theo chuẩn nước ngoài, hồ sơ đáp ứng các quy định của cơ quan quản lý… Nếu có chủ đích gọi vốn cộng đồng ở nước ngoài, startup cần chủ động tìm hiểu và tuân thủ các quy tắc ngày từ đầu.
Ở Việt Nam, BeeKrowd cung cấp nền tảng gọi vốn cộng đồng với nhiều giải pháp đáp ứng tốt nhất trong điều kiện khung pháp lý hiện tại. Nền tảng của BeeKrowd cho phép startup kết nối để các nhà đầu tư có thể xem xét, thẩm định startup dựa trên bộ profile hoàn chỉnh và thực hiện thao tác đầu tư rất đơn giản. Chức năng chuyển tiền được tích hợp vào nền tảng giúp vốn đầu tư đổ thẳng vào tài khoản nhận vốn của startup. Hệ thống sẽ ghi nhận đầy đủ các giao dịch và toàn bộ quá trình, kết quả đầu tư, cập nhật thời gian thực đến nhà đầu tư và startup.
Với những nghiên cứu trên thế giới và hiểu biết về văn hóa Việt Nam, các anh nghĩ rằng cần bao lâu nữa thì nhà đầu tư sẽ quen với CF?
Lý Minh Hoàng: Chúng tôi luôn mong CF sẽ sớm phổ biến ở Việt Nam dù biết rằng nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố hành lang pháp lý, sự phát triển của thị trường khởi nghiệp (phải có nhiều ý tưởng tốt, công ty startup tốt), dịch vụ đi kèm chuyên nghiệp, văn hóa cởi mở của nhà đầu tư, sự hỗ trợ của Chính phủ và hưởng ứng của cộng đồng ….
Nếu mọi thứ suôn sẻ thì có thể sẽ là 3-5 năm nữa. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ECF sẽ là một mô hình rất thú vị và đáng thử cho startup lẫn nhà đầu tư. Cá nhân tôi cũng rất kỳ vọng việc ECF sớm phát triển sẽ là một mảnh ghép góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, đặc biệt là giúp giải quyết phần nào bài toán vốn cho startup cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phạm Mạnh Hà: Xu hướng này sẽ sớm cập bến Việt Nam thôi. BeeKrowd muốn giúp các startup dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn và lan tỏa văn hóa đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ startup tại Việt Nam. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là trong tương lai không xa, các nhà đầu tư cá nhân với điện thoại trên tay có thể dễ dàng đầu tư vào startup họ yêu thích với số tiền nhỏ từ vài triệu đồng.
Xin cảm ơn hai anh!