Ông Trần Trí Dũng – Quản lý Chương trình, Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss Entrepreneurship Program, Swiss EP), người tham gia xây dựng hệ thái khởi nghiệp-ĐMST ở Việt Nam trong nhiều năm, đã trao đổi với báo Khoa học và Phát triển xung quanh về vấn đề này.
Khi đề cập đến khởi nghiệp năm 2020, nhiều ý kiến cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp-ĐMST Việt Nam nên tập trung vào chất lượng hơn là số lượng. Vậy ông nghĩ gì về nhận định này?
Nhiều lần tôi nhận được ý kiến này và cả chỉ trích ‘tại sao mãi chạy theo phong trào và chạy theo số lượng”?. Ở góc độ của người tham gia xây dựng hệ sinh thái, tôi cũng muốn đặt câu hỏi ngược lại ‘có gì không tốt ở phong trào?’ ‘đông về số lượng thì không tốt sao?’. Nếu nhìn ở góc độ kinh doanh tiêu dùng, chúng ta thấy là sẽ rất khó để có được lựa chọn tối ưu khi chỉ có số ít lựa chọn. Chẳng phải người tiêu dùng luôn muốn có nhiều lựa chọn cho quyết định mua sắm hay sao?. Chúng ta hãy bình tâm nhìn lại là số lượng cũng có ý nghĩa riêng bởi đủ nhiều mới chuyển sang chất được. Vì thế, tôi không thấy lo lắng là hệ sinh thái khởi nghiệp đi theo phong trào hay phát triển ồ ạt sẽ dẫn tới người làm khởi nghiệp không được hỗ trợ tốt.
Tuy nhiên tôi cũng cho rằng việc chuyển từ rộng sang sâu, từ số lượng sang chất lượng vào lúc này là hợp lý. Đây là sự phát triển tự nhiên của thị trường. Cách đây 5-6 năm khi hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam còn non trẻ, cái cần là phải có đầy đủ ‘người chơi’ – tức là các cấu phần của hệ sinh thái như startup, cố vấn dẫn dắt (mentor), nhà đầu tư thiên thần (angel investor), vườn ươm khởi nghiệp (incubator), chương trình tăng tốc (accelerator), quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) v.v. Bây giờ khi đủ người chơi và mỗi vị trí lại có nhiều “cầu thủ” thì với đa dạng lựa chọn, chúng ta có quyền kỳ vọng cao hơn về chất lượng.
Và ông đã thấy sức sống mới trong hệ sinh thái này?
Dòng chảy của hệ sinh thái đã diễn ra một cách liên tục. Trong 5-6 năm qua, nhiều người khởi nghiệp đã có thời gian và tìm thấy cơ hội để thành công rồi quay trở lại trở thành cố vấn (mentor), thậm chí là cả nhà đầu tư thiên thần (angel investor) cho các startup mới, hướng tới hỗ trợ và tạo dựng những thế hệ doanh nhân tiếp theo. Cách đây 5-7 năm, điều đó có thể mới lạ nhưng giờ đây, hình ảnh dễ nhận thấy nhất là nhiều nhà sáng lập thành công như anh Hùng Trần GotIt, Hùng Đinh DesignBold, Lê Diệp Kiều Trang (Misfit cũ, Avero), Đào Lan Hương (Teky), Nguyễn Khánh Trình (CleverGroup).. dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng luôn sẵn sàng tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ theo nhiều cách cho startup và nhà sáng lập. Điều này cho thấy những yếu tố văn hóa doanh nhân khởi nghiệp-ĐMST được nuôi dưỡng xây dựng trong hệ sinh thái đã bắt đầu xuất hiện.
Như vậy sau 5-6 năm tập trung phát triển quy mô thì hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã có hình hài cụ thể?
Dường như đang tồn tại song song hai hệ sinh thái khởi nghiệp-ĐMST ở Việt Nam: một hệ sinh thái được khu vực công hỗ trợ, dẫn dắt và một hệ sinh thái từ khu vực tư nhân. Dễ dàng quan sát thấy nhiều startup thành công mà dường như chưa từng trải nghiệm hay nhận được hỗ trợ nào từ các vườn ươm hay chương trình hỗ trợ, chẳng hạn như Tiki, Momo, hay LuxStay. Chuyện này giống như trong lịch sử kinh tế Việt Nam từng tồn tại thị trường chính thức và thị trường phi chính thức vậy.
Điều thú vị là những tay chơi trong khu vực tư nhân, sau một thời gian quan sát những hoạt động của khu vực công và nhận thấy những giá trị nhất định đã bắt đầu hiện diện nhiều hơn. Một số vườn ươm do tư nhân thành lập đã xuất hiện và tiếp cận các nguồn lực từ cả khu vực công và tư nhân để phục vụ cho hoạt động của mình như Song Han Incubator ở Đà Nẵng, ThinkZone ở Hà Nội, VIISA và Zonestartup ở TP HCM. Những người làm việc trong khu vực công cũng đã nỗ lực thay đổi để phù hợp với tư duy, cách làm của người khởi nghiệp, lược bỏ những thủ tục rườm rà, tăng cường trao đổi công-tư.
Khi số lượng đã có đủ và hai hệ sinh thái dần kết nối được với nhau, hệ sinh thái khởi nghiệp-ĐMST, như một lẽ tự nhiên, đi vào chiều sâu, tập trung vào các hoạt động chất lượng và, chúng ta kỳ vọng, sẽ cho ra đời những startup chất lượng.
Foodmap.Asia – một trong những startup nông nghiệp có nhiều thành tựu trong năm 2020. Ảnh: FoodMap.Asia
Hai hệ sinh thái này cần bổ trợ hoạt động của nhau?
Vấn đề bây giờ nằm ở việc làm thế nào để bảo vệ sự tồn tại song song của hai hệ sinh thái, nếu chính phủ đầu tư quá mạnh vào khu vực công mà lấn át mất khu vực tư nhân cũng không hay. Chẳng hạn, khi nguồn lực hỗ trợ từ chính phủ tập trung rất nhiều cho các vườn ươm công thì startup sẽ dồn về đây và đẩy các vườn ươm tư nhân vào thế cạnh tranh khó khăn. Hệ quả là khi kết thúc chương trình tài trợ của chính phủ, startup lại bơ vơ bởi khi này những vườn ươm tư nhân có thể đã biến mất. Sẽ hợp lý hơn nếu tạo lập được những kênh dẫn nguồn lực hỗ trợ từ chính phủ đến được với hệ sinh thái tư nhân. Điều này đang diễn ra và sẽ còn hiệu quả hơn khi các đối thoại và mô hình hợp tác công-tư được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Vậy Chính phủ nên giữ vai trò nào để đảm bảo sự cân bằng?
Chính phủ là người dẫn dắt tạo lập cuộc chơi, đưa ra chính sách và có thể chỉ là người chơi trực tiếp trong một vài lĩnh vực cần nguồn lực lớn, tạo lập nền móng cho ngành, lĩnh vực mũi nhọn theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội quốc gia. Hiện tại, một số nguồn lực của chính phủ cũng đã tăng cường sự trao đổi, tương tác với khu vực tư nhân để đảm bảo những chính sách đưa ra là phù hợp. Ví dụ như Bộ KH&CN đã điều chỉnh đáng kể trong cách thức thiết kế nhiệm vụ thực hiện hằng năm. Nếu cách đây chừng năm năm, Văn phòng Đề án 844 xây dựng đề bài từ thực hiện đánh giá nhu cầu của hệ sinh thái để giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong hệ sinh thái đến “đấu thầu,” thì hôm nay có cách tiếp cận đã khác. Trước khi ra đề bài, 844 gửi thông báo tới các đơn vị trong hệ sinh thái và đề nghị những đơn vị này cho 844 biết họ muốn làm gì với nguồn lực hỗ trợ từ 844. Sau đó, các nhóm nhiệm vụ sẽ được tổng hợp và đối chiếu với tôn chỉ, mục đích của Đề án 844 để tìm ra đề bài phù hợp và mời “đấu thầu”. Sự thay đổi này của các cơ quan quản lý nhà nước đã giúp cho các nhiệm vụ hữu ích và bám sát thực tế hơn.
Đã đủ để chờ đợi hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển theo hướng chất lượng?
Startup có nhiều giai đoạn phát triển và ở góc độ nào đó thì hệ sinh thái khởi nghiệp cũng giống một startup cung cấp các dịch vụ hỗ trợ. Các hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ở giai đoạn đầu đã làm khá tốt, nghĩa là truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần doanh nhân, nuôi dưỡng ý tưởng, phát triển từ ý tưởng phát triển thành sản phẩm và thâm nhập vào thị trường. Tuy nhiên giai đoạn hỗ trợ thúc đẩy để tăng trưởng nhanh, ví dụ hỗ trợ một sản phẩm đang có doanh thu từ vài trăm ngàn USD lên vài triệu USD thì chưa có nhiều.
Mặt khác nhìn vào hỗ trợ cho từng nhóm ngành cụ thể thì chúng ta cần làm tốt hơn. Việt Nam giờ đây đang có nhiều vườn ươm nhưng phần lớn hỗ trợ chung, chưa chuyên biệt cho ngành hay lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, du lịch, y tế, hay công nghệ tài chính (fintech) v.v.
Như đã nói ở trên, số lượng cũng có cái hay là khi đã phát triển đến đủ lớn rồi thì không cần phải tác động nữa để tự nhân lên từ quy mô đó. Trước kia để thúc đẩy khởi nghiệp trong trường đại học, Chính phủ tìm đến và kích hoạt việc hỗ trợ cho những trường đi đầu như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương, hay Đại học Kinh tế Quốc dân. Khi thấy những trường này thành công bước đầu, nhiều trường khác tự động học theo và nỗ lực bắt kịp.
Hay như trong các hoạt động của mình, Đề án 844 cũng đang rút khỏi việc làm số lượng, đơn cử như nhiệm vụ đào tạo mentor thì Đề án 844 đã tập trung cho từng lĩnh vực hoặc cho một nhóm doanh nghiệp cụ thể và những mentor có kinh nghiệm đào tạo người mới dựa vào tài liệu đã có.
Sự vận động này cho thấy khi hệ sinh thái khi phát triển đến một quy mô nhất định với sự dẫn dắt của chính phủ sẽ dần đi vào chiều sâu mà quy mô vẫn tăng lên tự nhiên.
Ông có nghĩ rằng hệ sinh thái Việt Nam còn thiếu một cái gì đó để đổi mới sáng tạo đóng góp được nhiều hơn như kỳ vọng?
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo quốc gia là câu chuyện dài hạn của nhiều thập kỉ. Không nên nhìn vào đổi mới sáng tạo như thứ gì đó xuất hiện trong khoảnh khắc bởi trên thực tế, đổi mới sáng tạo là quá trình lao động kỉ luật bền bỉ và kết quả của quá trình ấy mới tạo ra bước ngoặt.
Một điểm nổi bật của các hệ sinh thái khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo phát triển trên thế giới là được những doanh nhân thành đạt dẫn dắt. Chẳng hạn, sau thành công của Paypal các nhà sáng lập Paypal trở thành những người dẫn dắt hệ sinh thái, người làm ươm tạo tăng tốc khởi nghiệp, người làm cố vấn (mentor), người trở thành nhà đầu tư, người tiếp tục khởi nghiệp.
Việt Nam đang chờ đợi các nhà sáng lập thành công như vậy trở lại xây dựng hệ sinh thái, có lẽ cần kiên nhẫn 10 hay 15 năm nữa. Nhiều nhà sáng lập vào lúc này đã có thành tựu nhưng vẫn cần tích lũy thêm kinh nghiệm, tài chính, quan hệ xã hội hoặc để hoàn thành ước mơ của một startup chân chính
Xin cảm ơn ông vì những trao đổi thú vị này!