Sự sụp đổ của FTX, một trong năm sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của ngành crypto.

Sàn giao dịch tiền điện tử FTX vừa đệ đơn xin phá sản vào ngày 11/11/2022. | Ảnh: IT
Sàn giao dịch tiền điện tử FTX vừa đệ đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 11/11/2022. | Ảnh: IT

Đổ vỡ bất ngờ

Thứ Sáu tuần trước, ngày 11/11, công ty FTX, trụ sở ở Bahamas, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi khách hàng ồ ạt rút vốn từ đầu tuần. Trước đó vài ngày, Binance - sàn tiền ảo lớn nhất thế giới - đã định giải cứu FTX bằng một thỏa thuận mua lại nhưng thương vụ đổ bể vào phút chót khi Binance kiểm tra sổ sách và phát hiện “các vấn đề của FTX nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc khả năng hỗ trợ" của họ.

Các cơ quan quản lý của Mỹ đang cân nhắc điều tra việc liệu FTX có dùng tiền của khách hàng sai mục đích hay không khi trang tin CoinDesk tiết lộ một tài liệu cho thấy công ty tài chính Alameda Research (do Sam Bankman-Fried, người sáng lập FTX, sở hữu) đang nắm giữ một lượng lớn đồng token FTT. Theo Reuters, Alameda Research bị lỗ từ việc cho vay Voyager Digital - một công ty cho vay crypto khác đã tuyên bố phá sản vào tháng 7 - và điều này khiến sàn FTX phải can thiệp để giải cứu Alameda.

Không có gì bất hợp pháp về việc Alameda Research nắm giữ FTT, nhưng nó làm dấy lên lo ngại khi công ty có quá nhiều cổ phần trong một doanh nghiệp chị em được cho là hoạt động độc lập. Nếu giá trị của FTT giảm, nó có thể có tác động bất lợi đến cả hai. Trong thị trường tài chính truyền thống, tách biệt một công ty tài chính với một sàn giao dịch để giữ an toàn tiền gửi cho khách hàng là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, điều này không tồn tại trong thị trường tiền số, vốn còn non trẻ và thiếu các rào cản pháp lý.

Giới đầu tư tiền số cho rằng FTX đã đánh giá thấp lượng tiền cần thiết để duy trì sàn, khi tự ý chuyển hàng tỷ USD tài sản sang một công ty khác cho mục đích đầu tư và thâu tóm. Sau khi thông tin về sự “dính líu” giữa Alameda Research và FTX bị lộ ra vào ngày 2/11, nhà đầu tư ở sàn FTX rút vốn ồ ạt khiến giá của FTT giảm tới 75% trong một ngày. Tài sản thế chấp của FTX không đủ để chi trả cho giao dịch. Thiếu thanh khoản là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự phá sản của sàn FTX và đồng FTT dần không còn giá trị. Khoản nợ hiện nay của công ty lên tới 50 tỷ USD.

Không giống như tiền gửi trong tài khoản ngân hàng truyền thống, tiền gửi trên các sàn giao dịch tiền điện tử không được chính phủ bảo hiểm. Việc FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư phải chấp nhận ra tòa để vớt vát số tiền đã bỏ ra.

Sự sụp đổ của FTX thậm chí được gọi là "khoảnh khắc Lehman" của thế giới tiền điện tử - ám chỉ sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và ảnh hưởng nghiêm trọng tới giới tài chính Phố Wall.

Ngay sau sự kiện FTX, giá hai đồng tiền điện tử là Bitcoin và Ethereum đều giảm mạnh. Cổ phiếu của các công ty tiền điện tử được giao dịch công khai chẳng hạn như Coinbase cũng giảm đáng kể. Các nhà đầu tư của FTX - gồm Sequoia Capital, Lightspeed Venture Partners và SoftBank - rất có thể sẽ mất hầu hết hoặc tất cả các khoản đầu tư của họ. Còn những tác động dài hạn của FTX với phần còn lại của nền kinh tế tiền điện tử sẽ phải mất một thời gian nữa mới biết được mức độ đầy đủ.

Việc phá sản bất ngờ của FTX cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi về tương lai của tiền điện tử. FTX là một trong số ít các công ty tiền điện tử của Mỹ đã đầu tư nhiều công sức cho việc vận động hành lang để thuyết phục các nhà lập pháp về giá trị của tiền điện tử. Giờ đây, những nỗ lực đó đã bị đình trệ, và các nhà quản lý sẽ càng có lý do để cho rằng tiền điện tử là một rủi ro và nguy hiểm. Ngày 10/11, một số nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi Quốc hội ưu tiên xây dựng luật để điều chỉnh tiền điện tử, vốn không được bảo vệ bởi các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng giống như các sản phẩm tài chính truyền thống khác.

Bài học lặp lại

Nhìn từ xa, tất cả những thảm họa tài chính có thể đều giống nhau. Sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính (leverage), tài sản kém thanh khoản, gian lận nội gián, bán tống hàng hóa, và xung đột lợi ích giữa các bên đã làm sụp đổ rất nhiều định chế tài chính.

Aaron Brown, cựu giám đốc điều hành và trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính tại AQR Capital Management, viết trên tờ Bloomberg rằng: “Trong quá trình đổi mới của hệ thống tài chính, sự sụp đổ của FTX là một đặc điểm, không phải lỗi”. Ông chỉ ra, những vấn đề của FTX không khác gì với những vấn đề mà các công ty tài chính truyền thống vấp phải, dù họ chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn.

Chẳng hạn, FTX chủ yếu giao dịch hợp đồng tương lai vĩnh cửu (Perpetual Futures Contract, tức thỏa thuận mua tiền điện tử ở một mức giá xác định tại bất kỳ thời điểm nào trong tương lai) và cho phép khách hàng vay tới 3-10 lần tiền ký quỹ. Khi giá tiền điện tử đi xuống, việc bán những tài sản thế chấp/ký quỹ bị mất giá sẽ làm kích hoạt chuỗi sụt giá token sâu hơn. Điều này tương tự như vấn đề mà Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn gặp phải khi giá nickel tăng vọt vào đầu năm nay.

Một vấn đề khác có thể là việc FTX đã đầu tư tài sản thế chấp của mình vào các giao dịch đầu cơ với công ty liên kết Alameda Research hơn là để phòng ngừa các khoản nợ của khách hàng. Điều này tương tự sự sụp đổ của MF Global Holdings Ltd vào năm 2011. Trong khi MF Global Holdings đóng vai trò môi giới và hưởng hoa hồng chứ không phải là sàn giao dịch, thì FTX đóng cả hai vai trò là nhà môi giới và sàn giao dịch.

Thêm vào đó là những suy đoán về việc tư lợi giữa FTX, Alameda Research và một nhánh đầu tư mạo hiểm của nó là FTX Ventures. Cả ba được cho là hoạt động độc lập, nhưng có vẻ dính líu vào nhau chặt chẽ. Alameda được cho là có thông tin nội gián để được ưu tiên tiếp cận sớm với những khách hàng của FTX muốn niêm yết mã token mới, từ đó có khả năng cung cấp các khoản vay không đúng cách hoặc thậm chí mua bán trước các token sắp lên sàn.

Ngay cả khi những nghi ngờ này không đúng thì chúng cũng đủ để nhà đầu tư rút vốn khỏi FTX. Những phỏng đoán này gợi nhớ đến vụ bê bối “Flash Boys” ở phố Wall thập kỷ trước. Và ngay trong năm nay, sự sụp đổ của đồng tiền điện tử Terra cũng liên quan lớn đến việc các công ty độc lập trên danh nghĩa có các khoản vay và tài sản thế chấp lồng vào nhau.

Cuối cùng là việc đế chế FTX được cấp vốn một phần bằng đồng token mà chính nó tạo ra là FTT. Giá trị của các token này phụ thuộc vào sự thành công liên tục của FTX. Trong giới tài chính truyền thống, chỉ có các chính phủ mới có khả năng tự tài trợ bằng đồng tiền riêng của mình, mặc dù các tổ chức tư nhân thỉnh thoảng cũng thử làm như thế. Đó là cách mà ta có thể nhìn những khoản nợ tổng hợp như MBS (chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp) và CDO (giấy nợ đảm bảo bằng tài sản) do các ngân hàng phố Wall tạo ra trước năm 2008. Những giấy tờ có giá này giống như một loại “tiền tệ” của các ngân hàng, được tái sử dụng làm tài sản thế chấp cho những khoản vay mới hết lần này đến lần khác và cuối cùng tạo ra bong bóng vỡ nợ khổng lồ.

Với tất cả những thực tế và cáo buộc như vậy, có vẻ như FTX là một phiên bản lớn nhất của những thảm họa tài chính kinh điển trong giới tiền điện tử hiện đại. Đối mặt với thảm họa FTX, nhiều người đã kêu gọi phải đặt ra nhiều quy định hơn cho tiền điện tử. Tuy nhiên, Aaron Brown chỉ ra rằng có 3 vấn đề lớn với ý kiến này.

Thứ nhất, những thảm họa tương tự thường xuyên xảy ra trong thế giới tài chính được quản lý. Những sự kiện đặc biệt lớn như Lehman Brothers đã dẫn đến nhiều quy định hơn, nhưng tất cả dường như không bao giờ ngăn cản người ta tìm ra cách mới để phạm những sai lầm cũ.

Thứ hai, FTX đã tuân theo các quy định hiện hành. Cả ba công ty – sàn FTX, công ty tài chính Alameda và quỹ mạo hiểm FTX Ventures – đều được kiểm toán theo quy định.

Thứ ba và cũng là vấn đề lớn nhất, FTX là một ý tưởng hay về cách tránh các thảm họa tài chính thông qua công nghệ hơn là quy định. Đây là động lực chính để đồng Bitcoin ra đời sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. “Chúng ta không thể bác bỏ những ý tưởng đó chỉ vì FTX đã thất bại”, Brown nhấn mạnh. Theo ông, thất bại có nghĩa là chúng ta cần thử nghiệm nhiều hơn với nhiều ý tưởng mới hơn cho đến khi tìm thấy một tập hợp những cách làm hiệu quả.

Không có quy định mới nào có thể giúp ích cho khách hàng và chủ nợ của FTX hiện giờ. Các quy định mới có thể ngăn ai đó tạo ra một sàn giao dịch kiểu như FTX, nhưng giờ đây chẳng có ai muốn làm hoặc tin tưởng một sàn như vậy cả.

Những quy định mới sẽ chỉ có tác dụng chặn đứng sự phát triển của một trong những lĩnh vực thú vị nhất của quá trình đổi mới tiền điện tử, đó là tìm ra những cách thức giao dịch tài chính mới tốt hơn. Brown cho rằng đó là những vùng đất sáng tạo cần được mở ra chứ không phải treo biển cảnh báo “cấm vào”.

Nguồn:

Bloomberg, The Guardian