Việc kiểm soát mối quan hệ phức tạp giữa NFT (Non-Fungible Token - tài sản không thể thay thế) và quyền sở hữu trí tuệ là điều cần thiết trong bối cảnh bùng nổ các giao dịch NFT ở Việt Nam cũng như thế giới, kéo theo những lỗ hổng ngày càng tăng về bản quyền NFT.

Vào tháng 4/2021, giới nghệ thuật bất ngờ khi Cổng Trời - nền tảng giao dịch tranh NFT đầu tiên ở Việt Nam thông báo đấu giá phiên bản NFT của bức tranh Serenade #1 của họa sĩ Phạm An Hải với mức giá khởi điểm 9.999.999KAI (KAI - một đồng tiền điện tử trong hệ sinh thái của startup về blockchain có tên Kardiachain, tương đương khoảng 1 triệu USD). Mức đấu giá kỷ lục khiến không ít người kỳ vọng về tương lai của NFT ở Việt Nam, song nhiều người cũng nghi ngờ về giá trị thực sự của loại “tài sản” này. Những cuộc đấu giá NFT như trên ngày càng được quan tâm bởi thị trường NFT ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang có xu hướng bùng nổ: trong năm 2021, các nhà đầu tư đã rót khoảng 27 tỷ USD vào NFT. Hàng loạt hãng thời trang, nghệ sĩ, các công ty công nghệ lớn như Meta (Facebook) cũng thông báo kế hoạch phát triển lĩnh vực này.

Phiên bản NFT của bức tranh “Hoa mai may mắn” của họa sĩ Xèo Chu đã bán đấu giá thành công vào năm 2021 với giá gần 23.000 USD. Nguồn: phunuonline.com.vn

Về bản chất, NFT là một dạng chuỗi số mã hóa được xây dựng trên hệ thống chuỗi khối (blockchain), tương tự các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin hay Ethereum. Nhờ đó, người ta có thể theo dõi thời gian tạo ra NFT, người tạo ra ban đầu, chủ sở hữu hiện tại và các số nhận dạng duy nhất khác. Bất cứ ai cũng có thể tạo ra NFT từ một sản phẩm kỹ thuật số như tranh, ảnh, bài hát, bộ phim,... “Trước đây chu trình mã hóa để tạo ra NFT khá phức tạp, chẳng hạn phải có ví tiền điện tử, có một lượng tiền nhỏ để trả cho quá trình minting (đúc) NFT. Nhưng giờ đây, các nền tảng NFT ở Việt Nam và thế giới đều hỗ trợ người dùng tạo lập và mua bán NFT, họ chỉ cần điền link và giá sản phẩm, mọi quy trình minting, xác thực trên nền tảng blockchain,... sẽ được hỗ trợ hoàn toàn tự động, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí”, ông Trần Hưng, CEO của nền tảng NFT Uquid chia sẻ trong tọa đàm trực tuyến “Giải mã cơn sốt NFT” vào năm 2021.

Tuy nhiên, khác với các loại tiền kỹ thuật số truyền thống có khả năng thay thế và trao đổi, chẳng hạn đổi 1 đồng bitcoin này với 1 đồng bitcoin khác, mỗi NFT là “độc nhất vô nhị” và không thể chia tách dưới bất kỳ hình thức nào. Do vậy, NFT thường được dùng để thiết lập quyền sở hữu đối với các tài sản trên thế giới số. Chẳng hạn, nếu mua bức tranh Serenade #1 của họa sĩ Phạm An Hải với giá 1 triệu USD, không phải là mua bức tranh thực về treo ở nhà, mà bạn đã mua phiên bản kỹ thuật số của bức tranh gắn liền với đoạn mã NFT đó. Nếu chẳng may bức tranh bị sao chép thành nhiều phiên bản kỹ thuật số khác nhau, dựa vào đoạn mã NFT, người ta vẫn có thể nhận biết đâu là phiên bản kỹ thuật số gốc mà không cần đơn vị trung gian hay nhà đấu giá nào đứng ra xác nhận. Việc hạn chế trung gian trong quá trình giao dịch cũng là một trong những lợi ích chính thúc đẩy ứng dụng NFT trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nghệ thuật.

NFT có phải là bản quyền số?

Ngoài việc tạo thuận lợi cho quá trình thương mại hóa tác phẩm, nhiều người kỳ vọng NFT sẽ giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ hơn. Bởi vì ở phiên bản NFT, các hoạt động giao dịch, chuyển nhượng sản phẩm gắn với NFT đều được ghi lại trên sổ cái blockchain, người ta có thể xác minh, truy xuất nguồn gốc và quyền sở hữu tài sản. “NFT có thể góp phần giải quyết vấn đề hàng giả hàng nhái, vì sản phẩm có NFT có thể coi là gắn bản quyền số. Nếu ai sử dụng trái phép thì cả cộng đồng sẽ thấy”, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nêu ý kiến trong hội thảo.

Tuy nhiên, tính chất này chỉ giúp mọi người phân biệt sản phẩm gắn NFT với sản phẩm tương tự, chứ không thể biến NFT thành biện pháp ngăn chặn hành vi sao chép và sử dụng sản phẩm trái phép - vốn khó thực thi trong môi trường thực tế, chưa kể đến môi trường số. Thay vì bỏ ra mua phiên bản NFT của một bức tranh, hầu hết mọi người có thể dễ dàng tải miễn phí một bức tranh y hệt trên internet. Vậy điều giá trị nhất của một bức tranh NFT là gì? “Giá trị của NFT không nằm ở sản phẩm, mà là quyền sở hữu độc quyền chúng, được thể hiện qua đoạn mã NFT. Điều quan trọng là niềm tin vào giá trị đằng sau nó”, ông Trần Hưng nói.

Trước thực tế giá trị của tác phẩm kỹ thuật số đang bị lu mờ trước đoạn mã NFT, liệu chúng ta có thể coi đoạn mã NFT là một loại tài sản vô hình, cũng như đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ? “Theo quan điểm của tôi thì không thể, bởi nếu tách riêng ra, đoạn mã NFT chỉ là một đường link để dẫn tới bản hiển thị của tác phẩm, cũng giống như QR code, nó không đủ yếu tố để bảo vệ như một tác phẩm có bản quyền. Do vậy, nếu xem xét vấn đề bản quyền của NFT, chúng ta phải xét đến bản quyền của bản hiển thị tác phẩm nghệ thuật mà NFT dẫn đến. Việc coi NFT là một loại hình ‘bản quyền số’ không phù hợp với quy định về bản quyền truyền thống ở Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới”, ThS. Nguyễn Ngọc Phương Hồng trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) nhận xét.

Cụ thể, đoạn mã NFT không thể đáp ứng các điều kiện để được coi là một tác phẩm - đối tượng của bản quyền. “Một tác phẩm phải là sản phẩm sáng tạo của con người, được thể hiện ra ngoài và có tính nguyên gốc. Tuy nhiên, việc tạo ra đoạn mã token NFT không phải là sự sáng tạo của con người, mà là sự kết hợp của token ID (được tạo ra khi người dùng đăng kí token) và địa chỉ hợp đồng thông minh (smart contract - bộ giao thức đặc biệt có khả năng tự động thực hiện các thỏa thuận giữa các bên trên blockchain), kết hợp với mỗi số yếu tố khác do thuật toán máy tính sắp xếp”, ThS. Nguyễn Ngọc Phương Hồng nói. Bởi vậy, gần như không thể tìm thấy yếu tố sáng tạo trong quá trình tạo ra NFT: người dùng chỉ cần tải một bức ảnh lên sàn NFT bất kỳ, trả một khoản phí nhỏ là có thể tạo ra đoạn mã NFT đính kèm với bức ảnh đó.

Khó xác định xâm phạm bản quyền tác phẩm NFT

Việc tạo ra tác phẩm NFT quá dễ dàng như hiện nay đã kéo theo lỗ hổng bản quyền về NFT ngày càng lớn. “NFT tiềm tàng rất nhiều [hành vi] xâm phạm bản quyền”, ThS. Phương Hồng nhận xét. Ở Việt Nam cũng như thế giới, rất nhiều tác phẩm đã được bán dưới dạng NFT mà không có sự cho phép của tác giả. Vào tháng một năm nay, họa sỹ Aja Trier (Hoa Kỳ) bất ngờ nhận được cảnh báo rằng các bức tranh của cô đang bị rao bán trên nền tảng OpenSea dưới dạng gần 86.000 tác phẩm NFT với giá khoảng 10 USD/tác phẩm. Đây là một trong những vụ ăn cắp tác phẩm NFT có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Nhiều bức ảnh người nổi tiếng ở Việt Nam cũng đang bị rao bán trên nền tảng này với giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Với mức giá khó tin này, nhiều người cho rằng đây là hành vi “đùa vui” chứ không nhằm mục đích kiếm tiền. Tuy nhiên, dù mục đích nào đi chăng nữa, đây vẫn là hành vi xâm phạm quyền tác giả vì “việc NFT hóa một tác phẩm là độc quyền của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm”, ThS. Phương Hồng nói.

Thoạt nhìn điều này chẳng có gì phải bàn cãi, nhưng nếu đào sâu hơn, không ít người sẽ bối rối vì hành vi trên dường như không trái với bất cứ quy định nào về xâm phạm bản quyền hiện nay. “Pháp luật các nước trên thế giới đều chưa có quy định cụ thể cho NFT vì nó quá mới”, ThS. Nguyễn Ngọc Phương Hồng phân tích. “Rất khó để xác định hành vi NFT hóa tác phẩm là xâm phạm quyền sao chép, chuyển thể hay truyền đạt tác phẩm tới công chúng (các quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm). Nếu coi là sao chép hay chuyển thể, bản sao hoặc tác phẩm chuyển thể phải thể hiện nội dung/liên hệ với tác phẩm gốc. Tuy nhiên, bản thân đoạn mã NFT chỉ là một đống kí tự nên không thể đáp ứng tiêu chí này. Hiện nay, hành vi NFT hóa tác phẩm có lẽ chỉ phù hợp nhất nếu xét dưới góc độ ‘truyền đạt tác phẩm tới công chúng’ - việc đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ chọn lựa”.

Làm thế nào để ngăn chặn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực NFT là một bài toán nan giải ở Việt Nam cũng như thế giới. Các sàn giao dịch NFT đã phát triển các ứng dụng quét tác phẩm NFT vi phạm bản quyền hoặc con người kiểm duyệt song vẫn không mấy hiệu quả. “Việc đạo nhái tác phẩm NFT cũng không thể tránh khỏi, nhiều sàn NFT đang phải đối mặt với vấn đề này, đây cũng là bài toán mà chúng tôi đang cố gắng giải quyết”, ông Trần Hưng thừa nhận. Bên cạnh biện pháp công nghệ, ThS. Phương Hồng khuyến nghị “phải nâng cao hiểu biết của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả với NFT và mối quan hệ giữa NFT với tác phẩm của họ. Các cơ quan quản lý phải có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, giúp tác giả cũng như cộng đồng biết được việc NFT hóa một tác phẩm là hoạt động độc quyền của tác giả, nếu muốn NFT một tác phẩm khác phải được sự cho phép hoặc ủy quyền của họ”.