Dù không còn giữ được sức hút như những năm trước, nhưng chiến dịch 11.11 vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các nhà bán lẻ nói riêng và nền tảng thương mại điện tử nói chung - nó giúp xây dựng một lượng khách hàng trung thành về lâu dài.

g
Vào những dịp giảm giá lớn, không khó để bắt gặp hình ảnh shipper đứng kín cả cả một khu vực trước Trung tâm thương mai Vincom Lê Thánh Tôn (TPHCM) để chờ giao nhận hàng. Ảnh: kenh14

Kể từ khi đại dịch xảy ra, thương hiệu thời trang Indonesia 3Mongkis - chủ yếu kinh doanh qua Shopee và những nền tảng mua sắm trực tuyến - đã tích cực tham gia vào chiến dịch 11.11 hằng năm. Bắt nguồn từ Trung Quốc, ngày 11.11 còn được gọi là “Ngày Lễ độc thân". Tương tự Black Friday của phương Tây, trong ngày này, các nhãn hãng sẽ tổ chức những đợt khuyến mại lớn để khách hàng có thể thỏa sức mua sắm những món đồ mình yêu thích đã lâu. Sự kiện này kích cầu mua sắm, giúp tăng vọt doanh số của các nhà bán lẻ và trở thành một xu hướng mua sắm phổ biến.

Được ví như dịp Tết đối với người mua sắm, song Hetty Awi, nhà sáng lập thương hiệu 3Mongkis, cho rằng sự kiện 11.11 không còn “bùng nổ" như những năm trước, bởi thời gian qua các nền tảng thương mại điện tử thường xuyên tung ra những chiến dịch tương tự hằng tháng như 9.9 hoặc 10.10.

Ngay tại chính Trung Quốc - nơi khởi xướng sự kiện này - chiến dịch mua sắm 11.11 cũng giảm nhiệt từ năm ngoái. Theo công ty nghiên cứu Bain & Company, doanh số bán hàng của nước này từ năm 2020 đến năm 2021 chỉ tăng 13%.

Trong một cuộc khảo sát do công ty thực hiện, gần 34% người Trung Quốc được hỏi cho biết họ dự kiến ​​sẽ “thắt chặt hầu bao" vào ngày Lễ Độc thân năm nay, tăng 9% so với năm 2021. Các báo cáo cho thấy người tiêu dùng đã phải cắt giảm đáng kể thời gian mua sắm trực tuyến của họ.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, các nhà phân tích cũng không mong đợi một “cú hích" mua sắm ngoạn mục trong ngày Lễ Độc thân ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, họ cho rằng chiến dịch 11.11 vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các nhà bán lẻ và thương hiệu, nó giúp xây dựng một lượng khách hàng trung thành về lâu dài.

Không còn giảm giá nhiều như trước

Lĩnh vực thương mại điện tử Đông Nam Á không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo mới nhất về thương mại điện tử Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain thực hiện, tổng giá trị hàng hóa trong khu vực này dự báo đạt 211 tỷ USD vào năm 2025, giảm so với ước tính trước đó là 234 tỷ USD.

Roshan Raj, chuyên gia tại RedSeer Strategy Consultants, cho biết những startup thương mại điện tử phải “hợp lý hóa” các khoản giảm giá, voucher, coupon của họ để nhắm đến khả năng sinh lời trong tương lai. Ví dụ đáng chú ý nhất là Shopee, nền tảng này đã tiến hành một loạt các đợt sa thải trong năm nay. Trong quý 2 đầu năm, Sea Group lỗ gần 1 tỷ USD và rút lại dự báo doanh thu đối với Shopee.

Nhiều chuyên gia cho biết Shopee có khoảng một năm nữa để đạt mục tiêu hòa vốn, họ hiện đã cắt giảm đáng kể các khoản chiết khấu và trợ giá trên nền tảng. Một nhà bản lẻ lâu năm trên nền tảng Shopee tại Việt Nam cho biết nền tảng này đã cắt giảm gần 50% số lượng voucher, vì vậy thật khó để kỳ vọng ngày Lễ Độc thân năm nay sẽ “bùng nổ” như năm 2021, và dự đoán doanh số bán hàng suốt chiến dịch 11.11 của mình trên Shopee sẽ giảm khoảng 40% so với năm ngoái.

f
Shopee là một trong những nền tảng tích cực tham gia ngày hội mua sắm 11.11 nhất tại Việt Nam. Ảnh: Shopee

Nguồn tin khác từ một nền tảng thương mại điện tử lớn cũng dự đoán rằng hầu hết các nền tảng sẽ hạn chế “đốt tiền” vào tháng 11 và tháng 12. “Họ [các nền tảng thương mại điện tử] vẫn sẽ tổ chức ngày 11.11 và 12.12 một cách rầm rộ vì có những mục tiêu cần đạt được. Tuy nhiên, các chương trình khuyến mãi và giảm giá sẽ không còn náo nhiệt như những năm trước”, nguồn tin cho biết.

Jianggan Li, Giám đốc điều hành và là nhà sáng lập của Momentum Works, có cùng quan điểm rằng các thị trường như Shopee và Lazada vẫn phải dựa vào chiến dịch 11.11 để đạt mục đích tăng trưởng nhất định, trong bối cảnh TikTok đang “mạnh tay chiếm lĩnh thị phần”.

Vẫn là một ngày hội mua sắm quan trọng

Tuy nhiên, nguồn tin trên cũng lưu ý rằng chiến dịch 11.11 vẫn đóng vai trò quan trọng, bởi các nhà đầu tư vẫn dựa vào ngày hội mua sắm này để đánh giá hiệu quả hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử.

Mặc dù không còn rầm rộ như trước, nhưng ngày 11.11 và 12.12 ở Đông Nam Á vẫn được coi là ngày hội quan trọng để thúc đẩy lượt truy cập vào nền tảng và thúc đẩy doanh số trong quý 4, Jianggan Li khẳng định.

Về lâu dài, Roshan Raj dự đoán 11.11 sẽ chuyển hướng trở thành một chiến dịch nhằm duy trì sự trung thành của khách hàng và “hướng tới đảm bảo giá trị vòng đời của khách hàng (customer lifetime-value: giá trị mà một khách hàng chi trả cho sản phẩm của công ty trong suốt cuộc đời của họ) thay vì chăm chăm đạt mốc doanh số kỷ lục.”

Điều này giúp các nền tảng thương mại điện tử giữ chân khách hàng về lâu dài, chứ không cần phải liên tục phụ thuộc vào các chương trình khuyến mãi và giảm giá, đặc biệt là đối với các công ty đang chịu áp lực hoà vốn, thu về lợi nhuận.

Nguồn: