Cơ quan quản lý của EU và Mỹ nêu ra những nguy cơ tiềm ẩn khi tài sản số ngày càng tăng về quy mô.

Các vụ đổ bể tiền số trong tương lai có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung, Cơ quan quản lý thị trường và chứng khoán châu Âu (ESMA) cảnh báo trong một báo cáo công bố ngày 4/10.

Đây là lần đầu cơ quan này đưa ra quan điểm về rủi ro của thị trường tiền số, trong bối cảnh chuẩn bị đảm nhận nhiệm vụ quản lý tiền số theo Quy định về thị trường tài sản tiền số của Liên minh Châu Âu (MiCA).

Hiện tại, giá trị vốn hóa thị trường tiền số toàn cầu là 981 tỷ USD, sau khi đã "bốc hơi" mất 1,24 nghìn tỷ USD. Ở mức đỉnh vào tháng 10/2021, thị trường này có giá trị vốn hóa vào khoảng 2,2 nghìn tỷ USD, theo CoinGecko.

Ảnh minh họa: Decrypt.

“Do chu kỳ tăng trưởng đầy biến động, và chưa áp dụng các quy định pháp lý như tài sản thông thường, tài sản tiền điện tử sẽ dẫn đến nhiều rủi ro về ổn định tài chính trong tương lai”, theo ESMA.

Ngay bây giờ tiền số chưa phải nguy cơ lớn, bởi vì các kênh giao dịch giữa giữa thị trường tiền điện tử và hệ thống tài chính truyền thống hiện vẫn còn hạn chế.

Một cuộc khảo sát vào tháng 4 của EU cho thấy chỉ có 90 đầu tư của châu Âu tiếp xúc trực tiếp với tiền số, và 20 quỹ khác tiếp xúc gián tiếp thông qua các công cụ phái sinh - con số "muối bỏ bể" trong tổng số 60.000 quỹ đầu tư của EU.

Nhưng ESMA nêu lo ngại rằng tình hình này có thể thay đổi nhanh chóng nếu như một hoặc nhiều tập đoàn mở ra các kênh giao dịch bằng tiền số. Chẳng hạn, Tesla từng có dự định sẽ chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.

“Hãy tưởng tượng một nhà bán lẻ lớn cho phép thanh toán bằng tiền số, mức độ tiếp cận của người tiêu dùng có thể tăng nhanh chóng, tạo liên kết giữa tiền điện tử và các lĩnh vực tài chính thông thường", theo báo cáo.

ESMA cũng nêu các nguy cơ khác đối với tiền số - chẳng hạn như thao túng các cơ chế đồng thuận, thao túng giá, và rủi ro khi sử dụng đòn bẩy lên đến hơn 100 lần như các sàn Huobi và Bybit cho phép.

MiCA bắt đầu được áp dụng vào năm 2024, theo đó ESMA có quyền quyết định các tài sản số cần phải công khai những thông tin gì trong sách trắng, tăng cường các quy định áp dụng với tài sản tiền số và giám sát các dịch vụ liên quan.

Một báo cáo mới của Hội đồng giám sát ổn định tài chính Mỹ (FSOC), gồm các nhà quản lý và cố vấn của chính phủ, cũng gọi tài sản số là rủi ro tiềm ẩn đối với sự ổn định của hệ thống tài chính, nếu quy mô hoặc mối liên hệ của chúng với hệ thống tài chính truyền thống gia tăng mà không có các "quy định thích hợp".

FSOC nêu các lo ngại tương tự với ESMA - giá cả biến động mạnh được thúc đẩy bởi đầu cơ thay vì các nguyên tắc kinh tế cơ bản, thiếu các biện pháp kiểm soát rủi ro và sử dụng đòn bẩy quá mức.

Đồng thời hội đồng này khuyến nghị chính phủ Mỹ thông qua luật cho phép các cơ quan quản lý tài chính có quyền quản lý các tài sản kỹ thuật số không được coi là chứng khoán và quyền giám sát các bên trung gian liên quan.

Nguồn:

https://decrypt.co/111178/u-s-regulators-report-calls-for-more-authority-over-crypto

https://www.coindesk.com/policy/2022/10/04/eus-esma-raises-alarm-bells-over-growing-crypto-use-as-it-prepares-for-new-powers/