Theo nghiên cứu của nhóm tác giả tại Đại học Y Dược TPHCM, cao chiết lá tía tô có khả năng điều trị rối loạn sắc tố da, có thể phát triển thành các sản phẩm mới dùng trong điều trị nám da.

Nám da là tình trạng tăng sắc tố da mạn tính mắc phải do rối loạn tăng sinh tổng hợp sắc tố. Nám da biểu hiện các dưới dạng các vết nâu không đều, xuất hiện khi thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, viêm da, mang thai,… Việc điều trị nám hiện nay vẫn gặp nhiều thách thức, ít hiệu quả và hay bị tái phát. Có nhiều phương pháp để điều trị nám, trong đó hydroquinon (HQ) là hợp chất hữu cơ được sử dụng phổ biến nhất, do có khả năng làm giảm số lượng tế bào sắc tố. Tuy nhiên, việc sử dụng sản phẩm mỹ phẩm có chứa HQ nồng độ cao lâu dài, thường xuyên thường gây ra một số phản ứng phụ như dị ứng, ban đỏ, tăng sắc tố sau viêm thứ phát,…. Vì vậy, một số sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên ngày càng được quan tâm sử dụng.

Trong đó, tía tô là cây trồng phổ biến ở Việt Nam để lấy lá ăn, làm gia vị, làm thuốc. Trong lá tía tô chứa nhiều chất chống oxy hóa như acid caffeic, catechin, apigenin, và đặc biệt là acid rosmarinic với khả năng ức chế quá trình hình thành sắc tố.

v
Lá tía tô có nhiều hoạt chất chống oxy hóa Ảnh: Internet

Khi thực hiện đề tài “Khảo sát tác động trị nám da của cao chiết từ lá Tía tô (Perilla frutescens) trên mô hình thỏ gây nám da bằng tia UV và progesteron”, nhóm tác giả ở Đại học Y Dược TPHCM sử dụng lá tía tô tươi, đem rửa sạch rồi phơi khô và xay nhỏ. Sau đó, bột lá tía tô được chiết xuất bằng phương pháp ngấm kiệt với dung môi là ethanol 50 độ. Dịch chiết thu được đem cô quay thành cao đặc.

Thỏ được gây nám da bằng tia cực tím (UV) và tiêm progesteron, sau đó bôi cao tía tô 5% lên vùng da bị nám 1 lần/ngày trong 28 ngày liên tục. Kết quả, tỷ lệ vùng nám bôi cao chiết tía tô giảm 59,5%. Trong khi đó, thử nghiệm bôi kem chứa HQ cho chuột cũng bị gây nám da, cho kết quả tỷ lệ vùng nám giảm 44,2%.

Như vậy thử nghiệm cho thấy, cao chiết lá tía tô có tiềm năng phát triển thành các sản phẩm điều trị nám da an toàn, hiệu quả. Đề tài mới được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.