Dây chuyền do nhóm tác giả ở Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách khoa chế tạo, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, với giá thành chỉ bằng 50% dây chuyền nhập ngoại.
Tempura là một trong những món ăn nổi tiếng của Nhật Bản, gồm các loại hải sản hoặc rau củ tẩm bột mì, sau đó được rán ngập trong dầu. Điểm đặc trưng của Tempura là lớp vỏ bột rất mỏng, nhẹ và xốp do sử dụng hỗn hợp koromo gồm trứng gà, bột mì, nước đá và một số gia vị khác. Nguyên liệu để làm Tempura rất đa dạng như trứng lòng đào, các loại rau củ, hải sản,… Trong đó, Tempura tôm là món ăn được ưa chuộng nhất, có giá trị gia tăng cao của các công ty chế biến tôm xuất khẩu.
Tại Việt Nam, quá trình sản xuất và chế biến tôm chiên Tempura chủ yếu được làm thủ công, dẫn đến chất lượng thành phẩm không đồng nhất. Do đó, PGS.TS Võ Tường Quân và cộng sự ở Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách khoa thuộc Trường Đại học Bách Khoa TPHCM, đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo dây chuyền chiên tôm Tempura bán tự động.
Dây chuyền gồm các cụm chức năng chính như cụm chiên tôm lần 1 (định hình tôm); cụm phun bột lên tôm; cụm chiên tôm lần 2 (làm chín tôm); cụm làm ráo bớt dầu trong tôm sau khi chiên; hệ thống lọc dầu (sử dụng chung với hệ thống lọc dầu tổng của nhà máy); hệ thống nén khí không dầu (Oil free). Toàn bộ dây chuyền được sử dụng vật liệu chế tạo là thép không rỉ SUS 304, đảm bảo yêu cầu sử dụng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.
Dây chuyền được thiết kế để chiên tôm có kích cỡ thông dụng từ 12-20cm, năng suất ước đạt khoảng 20.000 con tôm/10 giờ. Khuôn chiên có thể thay đổi theo các hình dạng khác nhau để tạo các hình dáng tôm theo yêu cầu từ khách hàng.
Thực tế triển khai tại Trung tâm cho thấy, hệ thống hoạt động ổn định, vận hành dễ dàng, điều khiển bởi các nút nhấn đơn giản, với 3 công nhân thực hiện. Trong đó, 1 công nhân thực hiện việc bỏ tôm vào khuôn, 1 công nhân giám sát cụm chiên lần 1 và 1 công nhân giám sát cụm chiên lần 2.
Theo nhóm nghiên cứu, giá thành của dây chuyền này chỉ bằng 50%, so với các dây chuyên chiên tôm Tempura bán tự động có tính năng và hiệu suất tương tự nhập ngoại. Ngoài ra, do được sản xuất trong nước, việc bảo trì, bảo dưỡng nhanh chóng khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, do làm chủ được công nghệ, nhóm hoàn toàn có thể linh hoạt thay đổi cấu hình, cấu trúc máy để có thể chiên được nhiều dạng sản phẩm. Dây chuyền đã được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) đưa vào sản xuất.
Trong thời gian tới, nhóm tiếp tục nghiên cứu để cải tiến một số tính năng cho dây chuyền như nâng cấp hệ thống làm mát, thu hồi nhiệt, bơm bột liên tục; bổ sung hệ thống phun bột để có thể phát triển dây chuyền chiên tôm 1 mặt thành dây chuyền chiên 2 mặt; đồng thời có thể thay đổi cấu hình để biến đổi dây chuyền này phục vụ cho nhiều sản phẩm chiên bán tự động hoặc tự động khác trong lĩnh vực thủy sản.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, xếp loại đạt.