Con số này được ứớc tính là hơn 150 triệu USD trong năm 2022. Game không phép được cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam chủ yếu qua Google Play và Apple Store.

Ông Lê
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, tại hội thảo. Ảnh: Mic.gov

Thông tin trên được ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông) chia sẻ tại hội thảo "Triển khai giải pháp ngăn chặn thanh toán cho game không phép" diễn ra ngày 23/3. Ông cho biết trong quá trình thúc đẩy phát triển game, đã xảy ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Cụ thể, các doanh nghiệp trong nước bị quản lý bởi nhiều quy định của pháp luật, nhưng các nhà cung cấp xuyên biên giới thì "bất chấp" tất cả, phát hành không phép, thanh toán qua trung gian và không phải đóng thuế. "Tại sao doanh nghiệp game nước ngoài làm được điều đó? Là vì người chơi game không phép đều có thanh toán thông qua kênh thanh toán trung gian. Một bên quá nhiều lợi thế, một bên chịu nhiều quy định ràng buộc, cuộc chơi chắc chắn không công bằng, Nhà nước cũng thất thu rất lớn về thuế," ông đánh giá.

Ông cũng cho biết hiện có hơn 220 doanh nghiệp kinh doanh game được cấp giấy phép ở Việt Nam, số doanh nghiệp còn thực sự hoạt động, cung cấp game ra thị trường chỉ còn 30 đơn vị, "còn lại thoi thóp hết vì không thể cạnh tranh với game nước ngoài".

Từ năm 2019 đến nay, theo yêu cầu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Google đã gỡ bỏ 294 game cờ bạc, bạo lực, game không phép; Apple cũng đã gỡ 90 game cờ bạc, đổi thưởng, không phép; dừng hoạt động 543 trang web có dấu hiệu cung cấp các game không phép, game cờ bạc, đổi thưởng v.v.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Tự Do thừa nhận, nỗ lực này vẫn chưa đủ và vẫn còn hạn chế. Việc thanh toán cho game hiện nay quá dễ dàng bằng nhiều hình thức, các trung gian không chủ động kiểm tra, thậm chí không kiểm tra được vì một số lý do, nên dẫn tới việc nạp tiền cho game không phép, cờ bạc… vi phạm pháp luật; người dùng còn thiếu ý thức cảnh giác trong quá trình lựa chọn và sử dụng dịch vụ, ứng dụng game.

Game đánh bài bị nghiêm cấm ở Việt Nam. (Ảnh minh họa. Nguồn: Zing.vn)
Game đánh bài bị nghiêm cấm ở Việt Nam. Ảnh: Zing

Sẽ cập nhật danh sách các game không được cấp phép

Thời gian tới, đại diện Bộ TT&TT cho biết sẽ định kỳ hằng tháng cập nhật, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trung gian thanh toán danh sách các game đã được cấp phép và không cấp phép (trước mắt chủ yếu là những game có nhiều người chơi) để các trung gian thanh toán đối chiếu, không thanh toán, kết nối thanh toán tới các game không phép.

Bộ cũng phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thanh toán, khuyến mại cho game, hoặc các hành vi có dấu hiệu lợi dụng game để đổi thưởng, cờ bạc; chỉ đạo Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game trong nước bảo vệ bản quyền game, rà soát, loại bỏ các game mạo danh, game vi phạm bản quyền, game không phép…

Bộ cũng sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp ngăn chặn, không cho các đơn vị trung gian này được thanh toán cho game; đề nghị Apple, Google không hợp tác với đơn vị trung gian thanh toán để thanh toán cho game trên 2 kho ứng dụng này. Đồng thời, đề nghị các nhà mạng ngăn chặn đường truyền truy cập tới các cổng trung gian thanh toán không phép, chặn đường truyền truy cập tới các website/ứng dụng cung cấp game vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trong năm nay, Bộ TT&TT sẽ ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực game online giai đoạn 2022-2027. Đây được xem là một phần trong chiến lược phát triển thị trường game tại Việt Nam.

Việt Nam hiện có khoảng 28,2 triệu người chơi game. "Đặc biệt, game là một trong những lĩnh vực hiếm hoi của nước ta có thể xuất khẩu nội dung số ra thế giới. Đó là thế mạnh cần tập trung phát triển và chúng tôi kỳ vọng đó sẽ là ngành mũi nhọn về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời gian sắp tới" - ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh tại sự kiện Ngày hội Game Việt Nam 2023 - Vietnam GameVerse 2023 diễn ra cách đây 3 tháng.

Nguồn: